Vì sao Israel tấn công đoàn xe Trăng Lưỡi Liềm Đỏ?
Mờ sáng ngày 23/3/2025, một đoàn xe thuộc Hội Trăng Lưỡi liềm Đỏ Palestine (Palestine Red Cresent - PRCS) với 17 bác sĩ, y tá, lái xe cùng thuốc men, vật tư y tế tiến vào Dải Gaza trong sứ mệnh thiết lập một bệnh viện dã chiến để cấp cứu thường dân Palestine thì bị lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tấn công. Hậu quả là 4 bác sĩ, 6 y tá và 5 lái xe thiệt mạng…
1. Theo lời kể của bác sĩ Asaad al-Nasasra, 1 trong 2 người sống sót với trang tin Inside Politics thì: “Khoảng 5h30 sáng, đoàn xe của chúng tôi bị IDF tấn công bằng súng máy hạng nặng và súng tiểu liên. Một số người chết ngay tại chỗ, nhiều người bị thương đang thoi thóp cũng bị giết. Tôi và anh bạn đồng nghiệp Rifat Radwan nằm lẫn với một xác chết nên họ tưởng chúng tôi cũng đã chết. Tới chừng phát hiện 2 chúng tôi còn sống, họ bắt chúng tôi rồi đưa về giam trong 37 ngày. Trong suốt thời gian này, IDF tra tấn chúng tôi với cáo buộc chúng tôi thuộc lực lượng Hamas cải trang thành nhân viên y tế để thu thập tin tình báo…”.

Cảnh quay của bác sĩ Asaad al-Nasasra trước khi đoàn xe bị IDF tấn công.
Vụ thảm sát nói trên đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng người Palestine ở Gaza cũng như của các tổ chức từ thiện trên thế giới, kể cả Liên hợp quốc lẫn Hội Chữ thập đỏ quốc tế (International Red Cross - IRC). Thi thể của 15 nhân viên y tế sau đó được tìm thấy một ngôi mộ tập thể ven lề đường. Những người khai quật cho biết nhiều xác vẫn còn mặc áo blu trắng, trên ngực áo có logo hình lưỡi liềm màu đó chứng tỏ rằng khi bị giết, IDF biết họ là ai.
Một đoạn video dài 7 phút do bác sĩ Al-Nasasra quay bằng điện thoại và được phổ biến trên các trang mạng xã hội vào giữa tháng 4/2025 cho thấy xe cứu thương có logo của PRCS đã bật đèn pha và đèn cấp cứu màu xanh đỏ nhập nháy ngay từ lúc bắt đầu khởi hành, trái ngược với những thông tin do IDF công bố, rằng “các xe đều không bật đèn pha và đèn cấp cứu như thường thấy ở các đội cứu thương”.
Cũng trong đoạn video nêu trên, người xem nghe thấy tiếng súng nổ dữ dội, kéo dài hàng chục phút. Bác sĩ Al-Nasasra kể: “Ngay khi tiếng súng vang lên, đoàn xe dừng lại. Tôi và bác sĩ Radwan là 2 người nhảy xuống đầu tiên. Chúng tôi nằm dài trên mặt đất, phía sau gầm xe. Người thứ 3 nhảy xuống là y tá Mohammed al-Heila. Anh ấy bị giết ngay lập tức. Xác anh ấy nằm trước mặt tôi…”.
Vẫn theo bác sĩ Nasasra, sau khi giết Mohammed al-Heila, lính IDF tiến lại gần đoàn xe và ra lệnh cho mọi người bước xuống. Tất cả sau đó đã bị bắn chết: “Khi họ lôi xác chết ra để dồn thành một đống, họ phát hiện tôi và bác sĩ Radwan. Một lính IDF chĩa khẩu tiểu liên Uzi vào đầu tôi định bắn. Tôi hét lên bằng tiếng Hebrew (ngôn ngữ chính của dân Do Thái), rằng tôi gốc Palestin nhưng là công dân Do Thái. Nghe thấy thế, tên lính có vẻ bối rối nên tôi nói thêm rằng xin hãy tha tôi. Mẹ tôi cũng là công dân Do Thái…”.
Giây lát có một người dường như là cấp chỉ huy của IDF đến. Khi nghe xong câu chuyện, viên chỉ huy này sau đó được xác nhận là thiếu tá Sayerel Golani quyết định tha cho bác sĩ Nasasra và bác sĩ Radwan nhưng y buộc cả hai phải cởi bỏ chiếc áo blu trắng rồi bịt mắt họ, đẩy họ lên xe.
Việc IDF bắn vào đoàn xe của PRCS cũng có nguyên do của nó. Ấy là khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra, phía Hamas đã không ít lần sử dụng các bệnh viện dân sự làm nơi trú quân, biến bệnh nhân thành “bia thịt sống”. Chưa kể Hamas còn sử dụng xe cứu thương của PRCS và của IRC để đưa các tay súng bị thương của họ đến nơi cấp cứu. Thậm chí Hamas còn biến xe cứu thương thành phương tiện vận chuyển các tay súng đến địa điểm dự định tấn công mà đơn cử là ngày 21/9/2024, một xe cứu thương của IRC chở 15 tay súng Hamas khi dừng lại trước một trạm kiểm soát của IDF thì những kẻ này lập tức mở cửa sau lao xuống. Kết quả là 6 lính IDF chết, 5 người khác bị thương.
Cuộc tấn công diễn ra chớp nhoáng, 15 tay súng Hamas nhanh chóng trở vào xe rồi quay lại nơi xuất phát trước khi IDF kịp đến nơi tiếp viện. Điều oái oăm là khi về đến căn cứ, những logo của IRC và dòng chữ International Red Cross in trên băng dính đã được nhanh chóng gỡ bỏ, chiếc xe trở lại hình dạng ban đầu là một chiếc xe dân sự!

Bác sĩ Asaad al-Nasasra, 1 trong 2 người sống sót sau vụ tấn công.
2. Sau khi đoạn video của bác sĩ Nasasra đưa lên mạng xã hội, hôm Chủ nhật 21/4/2025, IDF thông báo rằng họ đã sa thải phó chỉ huy là thiếu tá Sayeret Golani đồng thời “nghiêm khắc khiển trách chỉ huy Lữ đoàn 14 vì vụ tấn công đoàn xe của PRCS”. Bên cạnh đó, người phát ngôn của IDF thừa nhận rằng báo cáo ban đầu mà quân đội đưa ra về việc “đoàn xe cứu thương không bật đèn pha và đèn cấp cứu là không chính xác” và “thông tin do những người lính IDF có mặt trong vụ thảm sát cung cấp là bịa đặt”.
Thiếu tướng Yoav Har-Even, người đứng đầu đơn vị Tìm kiếm sự thật của IDF cho biết: “Kết quả điều tra đã chứng minh rằng Chuẩn tướng Barak Hiram, chỉ huy lực lượng IDF ở Gaza đã phạm phải 4 sai lầm: Một là xác định rằng đoàn xe cứu thương là mối đe dọa với IDF. Hai là sau khi bắt mọi người trên xe xuống đất, có đủ cơ sở để xác định họ là nhân viên y tế nhưng họ vẫn bị giết. Ba là trong đoàn xe hôm ấy, có cả một xe của Liên hợp quốc nhưng thay vì yêu cầu chiếc xe này rời khỏi khu vực thì IDF vẫn cố tình bắn và bốn là việc xử lý người chết bằng cách chôn họ trong hố tập thể đã vi phạm nghiêm trọng về quyền nhân thân và các quy tắc trong xung đột vũ trang theo hiến chương Liên hợp quốc”.
Cũng trong ngày Chủ nhật 24/4/2025, ngôi mộ tập thể chứa 15 xác nhân viên y tế PRCS đã được khai quật ở Gaza. Theo trang tin Inside Politics, ngoại trừ tài xế, các xác đều mặc trang phục đặc thù của ngành Y. Xác ít nhất bị 6 phát đạn còn xác nhiều nhất là 25 phát. Có những xác đã phù lên nhưng người ta vẫn thấy sự kinh hoàng trên nét mặt họ với đôi mắt mở trừng trừng. Và mặc dù IDF cho rằng đoàn xe này đã vi phạm những quy định do IDF ban hành ở những vùng chiến sự nhưng ông Mohammed Abu Mosahba, giám đốc dịch vụ xe cứu thương và khẩn cấp của PRCS cho biết lập luận của IDF chỉ là ngụy biện vì “vị trí của đoàn xe lúc bị bắn không nằm trong khu vực cấm thường dân qua lại hoặc bắt buộc phải sơ tán theo lệnh của Chính quyền Israel. Chỉ đến khi vụ thảm sát xảy ra, 8 giờ 31 phút sáng hôm đó người phát ngôn của IDF mới ra thông báo bằng tiếng Arab về lệnh sơ tán người dân Palestine ra khỏi khu vực, chậm hơn 1 tiếng đồng hồ sau khi PRCS công khai tuyên bố về việc họ mất liên lạc hoàn toàn với đoàn xe”.
Vẫn theo ông Abu Mosahba, ngay sau khi nhận được tin đoàn xe cứu thương bị IDF tấn công, ông đã yêu cầu PRCS cử ngay 3 ba xe cứu thương khác đến hiện trường để hỗ trợ. Tuy nhiên tài xế của cả 3 xe này cho biết lúc vào hiện trường sau gần 2 tiếng rưỡi vì bị lính ADF chặn lại khám xét, họ không tìm thấy dấu vết của đoàn xe. Trên mặt đường chỉ có vết xích xe tăng, xe quân sự nhiều vỏ đạn và nhiều vết máu đã khô đen. Sau đó những nhân viên y tế đi trên 3 chiếc xe vừa nói phát hiện 1 xe cứu thương với nhiều vết đạn, nằm trên một mô đất có vẻ như mới được đào, đèn trong buồng lái vẫn còn sáng.
Tiến sĩ Mohammed Al Mughir, giám đốc hậu cần thuộc tổ chức Civil Defense nói: “Lập tức, chúng tôi cử người đến khai quật cái mô đất ấy và phát hiện thêm 4 xe cứu thương của PRCS và 1 xe của Liên hợp quốc”. Trong đoạn video do các nhân viên Liên hợp quốc thực hiện, có thể thấy các nhân viên cứu hộ đang đào bới, kéo các tử thi ra khỏi hố chôn rồi đặt vào những chiếc túi màu trắng để chuyển đến nhà xác. Hình ảnh từ video cho thấy tay của một xác chết phủ đầy bùn và cát, trên cổ áo có một chiếc cà vạt màu đen, gắn một tấm thẻ nhựa màu trắng, ghi thông tin cá nhân của người đeo nó.
Khi được hỏi tại sao IDF lại phải chôn lấp một cách vội vã và mờ ám như thế, phát ngôn viên của lực lượng này trả lời “chúng tôi vẫn đang điều tra”. Bên cạnh đó, IDF cũng giải thích rằng: “Do các hoạt động tác chiến chống Hamas vẫn đang diễn ra ở khu vực này nên họ chưa có thời gian thông báo với Liên hợp quốc để tiếp cận hố chôn người”.

Một phần hố chôn tập thể 15 nhân viên y tế, lái xe.
3. Việc phát hiện hố chôn tập thể xảy ra trong bối cảnh các tổ chức cứu trợ quốc tế đang xem xét lại hoạt động của họ ở Gaza khi các cuộc tấn công do IDF thực hiện nhắm vào Hamas liên tục gia tăng trong vài tuần qua. Ít nhất 29 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng hoặc bị thương trong hai tuần tính đến ngày 27/3. Đây là tỷ lệ thương vong cao nhất trong gần một năm. Theo tổ chức phi chính phủ Humanitarian Outcomes, nơi cung cấp dữ liệu an ninh của nhân viên cứu trợ cho các cơ quan nhân đạo của một số quốc gia và của Liên Hợp quốc, ít nhất 336 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi chiến tranh Israel, Hamas bắt đầu.
Meriah-Jo Breckenridge, nhà phân tích tại Humanitarian Outcomes cho biết đã có “sự gia tăng rõ rệt” các cuộc tấn công nhắm vào nhân viên cứu trợ kể từ khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ vào ngày 18/3. Ngay sau hôm lệnh ngừng bắn bị phá vỡ, ngày 19/3, một nhà khách thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án của Liên hợp quốc (UNOPS) tại Deir al Balah đã bị tấn công khiến một nhân viên người Bulgaria thiệt mạng và sáu nhân viên quốc tế khác bị thương. Tuy nhiên, phía Israel phủ nhận vụ việc này do họ thực hiện.
Người đứng đầu UNOPS là ông Jorge Moreira da Silva nói: “Israel đã được chúng tôi thông báo về vị trí của tòa nhà và những người làm việc ở đó. Vụ bắn phá không phải là sự ngẫu nhiên và cũng không phải là một tai nạn. Nó xảy ra chỉ một ngày sau cuộc không kích vào một tòa nhà dân cư gần đó khiến một nhân viên của tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) thiệt mạng”. Bác sĩ Amanda Bazerolle, người đứng đầu phái bộ MSF ở Gaza cho biết: “Chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động trong những điều kiện như vậy bởi vì nó đặt mọi người vào tình trạng nguy hiểm trong bối cảnh việc giải quyết xung đột giữa Israel, Hamas không đang đi vào ngõ cụt…”.
Ngày 25/3, Liên hợp quốc tuyên bố đã đưa ra “quyết định khó khăn” là rút khoảng 1/3 nhân viên quốc tế của mình khỏi Gaza. Bà Olga Cherevko, người phát ngôn của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) tại Gaza cho biết quyết định này một phần là do Liên hợp quốc hiện nhận được rất ít viện trợ vì lệnh phong tỏa kéo dài của Israel và đồng thời “cũng do sự thiếu bảo vệ từ chính quyền Israel...”, còn với ông Amjad Shawa, giám đốc Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Palestine thì: “Liên hợp quốc không chỉ cung cấp và phân phối hàng viện trợ mà nhân viên của họ còn là biểu tượng của sự bảo vệ quốc tế và là nhân chứng cho những gì đang diễn ra. Việc rút bỏ đồng nghĩa với việc các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ có thể vẫn sẽ tiếp diễn…”.