Nước cờ thuế quan mới của Mỹ
Tổng thống Mỹ đã chính thức công bố mức thuế 25% với hàng hóa từ Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng cũng để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán và trì hoãn thời điểm áp thuế. Đây là nước cờ mới của Tổng thống Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Donald Trump hôm 7/7 đã chính thức công bố mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời gửi thư thông báo đến khoảng một chục đối tác thương mại khác nhằm gia tăng áp lực buộc họ phải đạt được thỏa thuận thương mại với Washington. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán và trì hoãn thời điểm áp thuế.
Các đối tác thương mại này hiện đang chịu mức thuế 10% mà ông Trump đã áp đặt lên hầu hết các quốc gia. Theo các lá thư được công bố trên mạng xã hội Truth Social, các mức thuế mới sẽ dao động từ 25% đến 40%. Cụ thể, hàng hóa từ Indonesia (sẽ đối mặt với mức thuế 32%, Bangladesh là 35%, Thái Lan và Campuchia (36%), Nam Phi (30%), Lào và Myanmar đối mặt với mức thuế 40%. Bosnia &Herzegovina và Serbia lần lượt nhận mức thuế 30% và 35%.
* Gia hạn thời gian, để ngỏ đàm phán
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận rằng ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để chính thức hoãn thời hạn áp dụng các mức thuế cao hơn từ ngày 9/7 sang ngày 1/8. Điều này thực chất đã cho các quốc gia bị ảnh hưởng thêm ba tuần để đạt được thỏa thuận với Nhà Trắng.
Bất chấp việc công bố các mức thuế cụ thể, Tổng thống Trump vẫn nhấn mạnh rằng ông sẵn sàng đàm phán thêm và thời hạn ngày 1/8 "không phải là 100% chắc chắn". Ông ra tín hiệu rằng sẽ xem xét điều chỉnh các mức thuế nếu các quốc gia tiếp tục đưa ra những nhượng bộ bổ sung.
Động thái này là diễn biến mới nhất trong nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm cải tổ chính sách thương mại của Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai – một nỗ lực đã liên tục gây ra sự bất ổn cho thị trường, các ngân hàng trung ương và giới doanh nghiệp.
Chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump lần đầu được công bố vào ngày 2/4 – còn được gọi là "Ngày Giải phóng" - đã gây ra một cú sốc cho thị trường tài chính. Sau đó, ông đã tạm hoãn các mức thuế cao nhất trong 90 ngày để các nước có thời gian đàm phán.
Tuy nhiên, kết quả đàm phán trong thời gian qua khá hạn chế. Tổng thống Mỹ mới chỉ công bố các thỏa thuận với Vương quốc Anh và Việt Nam, cũng như một thỏa thuận đình chiến thương mại tạm thời với Trung Quốc.
Về phía các cuộc đàm phán, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết sẽ gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc trong những tuần tới để tiếp tục đàm phán, giữa bối cảnh thỏa thuận đình chiến giữa hai nước sẽ hết hạn vào giữa tháng Tám.
* Phản ứng và hành động của các nước
Khi được hỏi tại sao lại chọn Nhật Bản và Hàn Quốc để công bố thư thông báo đầu tiên, bà Leavitt cho biết đó là "đặc quyền của Tổng thống". Thư ký Báo chí Nhà Trắng cũng cho hay chính quyền đang "tiến gần" đến việc đạt được thỏa thuận với một số đối tác khác.
Bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, lưu ý rằng cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những đối tác thân cận của Mỹ về các vấn đề an ninh kinh tế và các công ty của họ đã có những khoản đầu tư sản xuất đáng kể vào Mỹ trong những năm gần đây.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã khẳng định "sẽ không dễ dàng thỏa hiệp" khi tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương. Phía Hàn Quốc bày tỏ sẽ tận dụng khoảng thời gian này để cải thiện hệ thống và quy định ở trong nước nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với Mỹ, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt thông qua quan hệ đối tác giữa hai nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang đối mặt với những phức tạp chính trị trong nước, khiến việc đưa ra các nhượng bộ lớn như mong muốn của Mỹ trở nên rủi ro.
Trong khi đó, EU sẽ không nhận được thư thông báo tăng thuế từ Mỹ. Theo ba nguồn tin am hiểu tình hình, EU đang tiến gần đến một thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump.

Hàng hóa từ các nước châu Á được bốc dỡ tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
* Bức tranh lớn nhiều gam màu phức tạp
Ngoài chính sách thuế quan đối ứng theo Đạo luật quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA), chính quyền Tổng thống Trump còn đang sử dụng Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại để áp thuế lên các ngành cụ thể như ô tô, thép và nhôm. Các vụ điều tra theo Mục 232 khác đang được tiến hành, có khả năng cho phép ông Trump áp thuế lên nhiều loại nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, chính sách thuế quan của ông Trump cũng tạo ra điểm xung đột với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed Jerome Powell đã trì hoãn việc hạ lãi suất trong năm nay bất chấp áp lực dữ dội từ Tổng thống, một phần để xác định xem liệu việc tăng giá do thuế quan có thể biến thành áp lực chi phí sinh hoạt dai dẳng hơn hay không.
Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, nếu tất cả các mức thuế đối ứng được nâng lên mức bị đe dọa hiện thời, thuế suất trung bình đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ có thể leo từ mức dưới 3% trước khi ông Trump nhậm chức lên khoảng 20%. Điều này sẽ làm gia tăng rủi ro về tăng trưởng và lạm phát cho nền kinh tế Mỹ.
Nhà kinh tế trưởng Torsten Slok tại Apollo Global Management, nhận định rằng giữa bối cảnh thuế quan cao hơn, giá dầu tăng và các hạn chế nhập cư tại Mỹ, lạm phát có thể tăng cao hơn trong những tháng tới.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nuoc-co-thue-quan-moi-cua-my/379670.html