Vì sao ít 'phạt nguội' vi phạm giao thông?

Việc ứng dụng để 'phạt nguội' của CSGT vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vậy nguyên nhân do đâu?

Hình ảnh thu được từ các camera trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mới chỉ để tham khảo hoặc phục vụ giám sát, cứu hộ - Ảnh: Tạ Tôn

Hình ảnh thu được từ các camera trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mới chỉ để tham khảo hoặc phục vụ giám sát, cứu hộ - Ảnh: Tạ Tôn

Kỳ 1: Rời rạc kết nối giao thông giám sát, xử phạt

Nhiều thành phố lớn đã triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành đô thị, nhưng đa phần các dự án mới dừng ở mức thí điểm riêng lẻ với những mảnh ghép rời rạc.

Vi phạm nhiều, phạt nguội quá ít

Thống kê của Phòng CSGT Công an TP.HCM (PC67), trung bình một năm xử phạt nguội vài chục nghìn trường hợp. Đơn cử, từ 27/2/2017 - 27/2/2018 có hơn 35.000 trường hợp bị xử phạt nguội. Trong đó, có những phương tiện bị phạt nguội nhiều lần với số tiền hàng chục triệu đồng như: Xe BKS 52G-48xxx có 21 lần đỗ sai quy định; xe BKS 51A-697xxx có 19 lần chạy quá tốc độ ở hầm Thủ Thiêm; xe BKS 51F-921xxx đỗ sai quy định ở đường Lý Tự Trọng 22 lần...

Tuy nhiên, so với số lượng camera được PC67 lắp đặt trên địa bàn TP.HCM, lượng xe bị phạt nguội chưa nhiều. Trong số nhiều camera lắp đặt, hiện chỉ có một số camera tại hầm Thủ Thiêm được phép sử dụng hình ảnh để phạt nguội, các camera khác chưa được phép.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN:
Nghị định 46 cho phép áp dụng kết quả qua thiết bị để phạt nguội

Bộ GTVT chủ trương xử lý vi phạm qua hình ảnh trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ trên toàn quốc bằng hình thức xử lý “phạt nguội”. Nghị định 46/2016 của Chính phủ đã cho phép người có thẩm quyền xử phạt sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp vận hành cung cấp làm căn cứ xác định vi phạm. Bộ GTVT đã ban hành thông tư quy định về sử dụng phương tiện thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB để có cơ sở triển khai thực hiện quy định của Nghị định 46.

Tại Đà Nẵng, hệ thống camera quan sát, giám sát vi phạm TTATGT được thành phố triển khai từ năm 2012. Đến nay, trên toàn thành phố đã lắp đặt hệ thống 8 camera quan sát, 7 thiết bị đo tốc độ chuyên dụng, 74 camera giám sát, xử phạt vi phạm TTATGT tại một số nút giao trọng điểm, các đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Tuy nhiên, thống kê của Văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng, từ 16/12/2017 đến 20/11/2018, qua hệ thống camera giám sát giao thông chỉ phát hiện 12.182 trường hợp vi phạm. CSGT lập biên bản VPHC 7.979 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước gần 11 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, Thiếu tá Phạm Quang Minh, Đội phó Đội Điều khiển giao thông Hà Nội cho biết, vừa qua đã triển khai dự án “nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi giai đoạn 1 với mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng. Từ khi khánh thành đến nay, trung tâm tiến hành xử phạt nguội gần 17 nghìn trường hợp vi phạm TTATGT.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2017, Công an các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, xử lý gần 4.500.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền gần 2.800 tỷ đồng, tước GPLX và bằng chứng chỉ chuyên môn trên 360.000 trường hợp, tạm giữ trên 690.000 phương tiện.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý trên 2 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền trên 1.200 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, những con số xử phạt nguội trên quá ít so với hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu vi phạm mỗi năm. Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, trung bình mỗi tháng đơn vị này nhận được khoảng 1.000 trường hợp đề nghị không tiếp nhận đăng kiểm đối với xe ô tô vi phạm giao thông chưa chấp hành nộp phạt. Dù vậy, nội dung văn bản đề nghị gần như không đề cập rõ hình thức vi phạm nên Cục Đăng kiểm không thể thống kê, phân tích cụ thể là vi phạm trực tiếp hay qua ghi hình phạt nguội.

Việc ứng dụng hệ thống giao thông thông minh tại các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng còn nhỏ lẻ, rời rạc (Trong ảnh: Camera giám sát giao thông tại phố Giảng Võ, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

Việc ứng dụng hệ thống giao thông thông minh tại các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng còn nhỏ lẻ, rời rạc (Trong ảnh: Camera giám sát giao thông tại phố Giảng Võ, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

Những mảnh ghép rời rạc

Sở GTVT TP HCM vừa kiến nghị UBND thành phố cho phép thuê 100 camera giám sát giao thông theo hình thức thuê dịch vụ CNTT với kinh phí riêng năm 2019 là 2,5 tỷ đồng.

Nên đọc

Vì sao ít “phạt nguội” vi phạm giao thông?

Tuy nhiên, ông Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong cho biết, mô hình trung tâm giao thông thông minh (ITS) tại các nước phát triển được sử dụng chung cho 3 hệ thống chính gồm quản lý và điều hành giao thông; quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng; giám sát xử phạt vi phạm giao thông. Thế nhưng, tại TP HCM chưa làm được việc này.

Theo TS. Nguyễn Quang Tuấn, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Bộ GTVT), việc ứng dụng ITS tại các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng nhìn chung còn nhỏ lẻ, rời rạc. Điều quan trọng là chưa có kế hoạch, lộ trình phát triển riêng cho từng đô thị, trong khi đó công tác nghiên cứu yếu kém, thiếu cơ quan chủ trì, thiếu hệ thống các quy định, quy trình kiểm định, đánh giá, nghiệm thu các thiết bị ITS.

Hiện nhiều tuyến cao tốc cũng lắp đặt hệ thống giám sát giao thông hiện đại. Hệ thống ITS lần đầu được TCT Ðầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) ứng dụng trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ năm 2013. Trên tuyến, VEC lắp đặt hàng trăm camera và thông qua hệ thống này, đã phát hiện các trường hợp trộm cắp, vi phạm giao thông như dừng đỗ trái phép, đi vào làn đường khẩn cấp. Tuy hiện đại và tiện lợi, nhưng hiện nay, các dữ liệu của hệ thống ITS trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chỉ để… tham khảo hoặc phục vụ việc giám sát, cứu hộ.

Chuyên gia dự án của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) TS. Nguyễn Hữu Đức nhìn nhận, tại Việt Nam, ITS vẫn chỉ được coi là máy “trong nhà”, chưa có hiệu quả ở “ngoài đường” do chưa có ban, ngành nào kiểm định, bổ sung thành cơ sở dữ liệu phục vụ việc xử phạt và điều tra về TTATGT. Vì thế, lực lượng CSGT không thể sử dụng những kết quả này làm căn cứ xử “phạt nguội” và điều tra những vi phạm lớn về TTATGT.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, TP HCM - Trung Lương cũng đã lắp đặt hệ thống ITS hiện đại, hệ thống camera có độ phân giải cao, cho hình ảnh rõ nét, có thể giúp xác định rõ các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tú, Phó tổng giám đốc TCT Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) cho biết, kết quả thu được từ hệ thống camera một số tuyến cao tốc chưa được lực lượng chức năng dùng làm căn cứ xác định vi phạm và xử phạt vi phạm giao thông. Nguyên nhân do các thiết bị chưa được kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Công an.

“ITS là hệ thống phức hợp nên không thể tháo rời từng bộ phận để kiểm định. Dù Bộ GTVT đã có Thông tư quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm nhưng chưa đủ mạnh. Cần quy định cụ thể trong luật, kết quả thu được từ thiết bị của đơn vị quản lý đường bộ đưa ra, lực lượng CSGT có thể xử phạt ngay”, ông Tú đề xuất.

Nhóm P.V

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/vi-sao-it-phat-nguoi-vi-pham-giao-thong-d280862.html