Vì sao khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh vào mùa thấp điểm?

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong tháng 7 với hơn 1 triệu lượt khách - kể từ tháng 3 năm ngoái được lý giải bởi chính sách của Chính phủ và các giải pháp đột phá của ngành du lịch để hút khách quốc tế.

Theo thông tin từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong tháng 7/2023, cả nước đã đón hơn 1,038 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,5% so với tháng 6. Đây cũng là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, tính chung 7 tháng của năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023 nhưng vẫn chỉ bằng 67,5% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước.

Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết, trước dịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam thường thấp nhất là tháng 6, tháng 7 tăng dần và "nở rộ" từ tháng 10. Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất là tháng 11, hơn 1,8 triệu lượt và tháng 6 thấp nhất, với hơn 1,1 triệu lượt. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ phục hồi khách du lịch so với cùng kỳ năm 2019 cao dần, tháng 7 đạt hơn 70% còn tháng 6 là 66%, các tháng về trước thấp hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh ngay trong thời gian thấp điểm của ngành du lịch là nhờ một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch được triển khai trong thời gian qua. Điển hình là Chính phủ đã ban hành thêm nghị quyết 82 về giải pháp thúc đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch bền vững vào tháng 5.

Ngoài ra, nỗ lực và sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp du lịch đã tìm cách hút khách đến. Nhiều công ty lữ hành phối hợp với ngành hàng không trong nước mở ra các chương trình xúc tiến riêng, đến quảng bá tại các thị trường trọng điểm. Đồng thời, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút khách.

Theo Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, Võ Anh Tài, du lịch tàu biển cũng là loại hình nhiều công ty lữ hành chú trọng thời gian tới để thu hút du khách quốc tế hạng sang. Chẳng hạn, riêng trong tháng 3/2023, Saigontourist đón 8 chuyến tàu biển du lịch quốc tế cao cấp với 19 lượt tàu cập cảng (tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh) với hơn 23.000 lượt khách. Trong năm 2023, hãng lữ hành này dự kiến sẽ đón 30 chuyến tàu với 72 lượt tàu cập cảng và hơn 170.000 lượt khách quốc tế.

Để thúc đẩy việc kích cầu thị trường khách quốc tế, phía Tổng cục Du lịch cũng đã xây dựng Chiến lược marketing du lịch từ nay cho đến năm 2030. Trước mắt, sẽ tập trung toàn lực vào công tác xúc tiến truyền thông đến các thị trường mục tiêu; Tham gia các Hội chợ Du lịch quốc tế, chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam ở nước ngoài, đón các đoàn Famtrip, Presstrip quốc tế vào Việt Nam; Quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế...

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng chú trọng xây dựng và phát huy hiệu quả các kênh truyền thông số như website, nền tảng mạng xã hội, ứng dụng du lịch thông minh...

Theo nhận định của các chuyên gia, chính sách thị thực (visa) mới cho phép khách một số nước được miễn visa lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử lên 90 ngày, sẽ có hiệu lực từ ngày 15-8. Đây được xem là cơ hội để du lịch Việt Nam đẩy mạnh thu hút khách quốc tế trong thời gian tới.

Ông Herbert Laubichler-Pichler, Giám đốc điều hành Alma Resort cho rằng, chính sách visa mới sẽ tạo ra cơ hội nhiều hơn để du lịch thu hút du khách quốc tế. Với thời gian miễn visa 15 ngày, du khách có xu hướng không chọn Nha Trang - Khánh Hòa là điểm đến hàng đầu, đa phần họ sẽ ưu tiên tham quan Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An, TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, việc tăng thời gian miễn visa lên 45 ngày, visa điện tử được lưu trú tại Việt Nam 90 ngày và có thể nhập cảnh nhiều lần, du khách quốc tế có thể kết hợp du lịch Việt Nam với các nước láng giềng. Ngay bây giờ, việc chúng ta cần làm là tận dụng tối ưu cơ hội này để quảng bá, thu hút du khách đến Việt Nam.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, với việc đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế chỉ sau 7 tháng đầu năm, nhiều khả năng ngành du lịch sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và còn rất nhiều thuận lợi để tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm.

Hội đồng Tư vấn Du lịch nhận định, trong các tháng tới lượng khách tiếp tục tăng và có thể đạt đỉnh vào tháng 11 với khoảng 1,5 triệu lượt. Tháng 12 sẽ giảm, khoảng 1,4 triệu lượt khách vì trùng dịp Giáng sinh và năm mới của khách Tây.

Không chỉ khách quốc tế, khách nội địa trong tháng 7/2023 lượng khách đạt 12,5 triệu lượt, trong đó có 8,3 triệu lượt khách có lưu trú. Qua đó, đưa tổng số khách nội địa trong 7 tháng đầu năm đạt 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 416.600 tỷ đồng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/vi-sao-khach-quoc-te-den-viet-nam-tang-manh-vao-mua-thap-diem-1094301.html