Vì sao khách Việt du lịch Nhật Bản đông kỷ lục, đi cả chục lần không chán?
Mặc dù chi phí đắt đỏ, thủ tục visa cũng khó khăn song Nhật Bản vẫn thu hút khách nước ngoài, trong đó có lượng lớn khách Việt vì giờ bay ngắn, thiên nhiên và văn hóa đa dạng, dịch vụ hiện đại, văn minh.
Khách Việt tới Nhật Bản nhiều lần không chán
Anh Phan Thế Anh (giảng viên Trường Đại Học Quốc Tế Miền Đông kiêm travel blogger) từng 5 lần du lịch Nhật Bản. Dù lần đầu tới đây vào năm 2013 hay lần gần nhất là năm 2020, anh đều có cảm giác “không bao giờ chán, từ khung cảnh đến trải nghiệm và các món ăn ngon” ở xứ phù tang.
“Nhật Bản mùa nào cũng đẹp, ghé thăm nơi đây thời điểm nào cũng đều có những trải nghiệm vui, từ đồ ăn ngon, trang trí tinh tế đến các trang thiết bị điện tử hiện đại có thể mua làm quà. Mình đang sắp xếp thời gian và lên kế hoạch trở lại đây vào mùa hoa anh đào năm nay”, anh Thế Anh chia sẻ.
Tương tự, Thu Hương (32 tuổi, ở Hà Nội) cũng là “khách quen” của Nhật Bản khi đặt chân tới xứ sở hoa anh đào 4 lần. Lần gần nhất, cô cùng gia đình trở lại đây để tận hưởng kỳ nghỉ trong dịp Tết âm lịch 2023.
Hương cho biết thường tới Nhật Bản vào mùa thấp điểm, tránh mùa hoa anh đào vì khi đó "giá cả đắt đỏ, lượng du khách đông và dịch vụ quá tải". Cô gái trẻ cũng thừa nhận, mỗi lần đến Nhật đều có những trải nghiệm mới mẻ, thậm chí “không gặp khó khăn gì”, vui “như về quê” và muốn quay lại nhiều lần nữa.
Theo thống kê của Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) ngày 15.3, trong tháng 2.2023, lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt 55.800 lượt, cao nhất từ trước tới nay, tính theo tháng. Con số này cũng vượt mức “kỷ lục” 55.300 lượt hồi tháng 4.2019.
Theo khảo sát, tháng 3 và tháng 4 hàng năm là thời điểm mùa hoa anh đào ở Nhật Bản nở rộ, thu hút đông đảo du khách quốc tế tới tham quan, trong đó có khách du lịch từ Việt Nam.
Đặc biệt, mùa hoa năm nay càng đón lượng khách tới Nhật Bản đông hơn vì đây được xem như cột mốc đánh dấu sự trở lại sau 3 năm đóng cửa vì dịch Covid-19.
Chi phí cao nhưng trải nghiệm đáng giá
Thu Hương cho biết, sở dĩ cô du lịch Nhật Bản nhiều lần không chán vì nhiều lý do như cách Hà Nội chỉ 4 giờ bay, thiên nhiên và văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú, cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện đại, văn minh.
Bên cạnh đó, môi trường sống trong lành, sạch đẹp và ý thức của người dân trong việc ứng xử nơi công cộng, chấp hành luật giao thông ở Nhật Bản cũng là những điểm gây ấn tượng mạnh với nữ du khách đến từ Việt Nam.
Theo Hương, người Việt du lịch Nhật Bản thường chọn lịch trình vào thời điểm mùa lá vàng, lá đỏ hay mùa hoa anh đào. Tuy nhiên, những dịp này chi phí đắt, lượng khách đông, dịch vụ bị quá tải. Trong khi đó, các thời điểm và tuyến khác cũng đáng để trải nghiệm với chi phí phù hợp hơn.
“Du lịch Nhật Bản vào mùa đông cũng rất thú vị, lại tránh được cảnh quá tải. Bạn có thể tham quan nhiều làng cổ, ngắm khung cảnh tràn ngập trong tuyết trắng hay trải nghiệm các hoạt động mùa đông như trượt tuyết, câu cá trên sông băng, tắm khoáng nóng onsen,…”, 9X kể.
Đồng quan điểm, Thế Anh bày tỏ, Nhật Bản mang một vẻ đẹp riêng, sở hữu nền văn hóa rất khác so với những quốc gia mà anh từng đặt chân đến.
Dù là nước có chính sách khó bậc nhất trong khu vực châu Á và giá cả rất đắt đỏ nhưng Nhật Bản vẫn thu hút khách Việt vì cảnh quan đẹp, đồ ăn ngon và có nhiều dịch vụ chất lượng.
“Cả trang phục truyền thống như Kimono hay Jukata của người Nhật cũng rất đẹp, tinh tế và phong phú, khiến du khách muốn mặc nhiều lần và đến đây nhiều lần”, Thế Anh nói.
Đại diện một số đơn vị lữ hành outbound chuyên thị trường Nhật đánh giá, sở dĩ quốc gia này là điểm đến được nhiều khách Việt yêu thích vì liên tục có các hoạt động hợp tác du lịch, xúc tiến quảng bá chất lượng; giảm giá đồng Yên, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài chi trả khi đến Nhật Bản. Ngoài ra, thời điểm cuối đông đầu xuân ở Nhật cũng trùng với kỳ nghỉ Tết ở Việt Nam nên thuận lợi về thời gian…
Bên cạnh đó, du lịch xứ Phù Tang sau dịch COVID-19 cũng có nhiều điểm mới, nổi bật là việc hình thành "hành trình kim cương" (gồm 4 điểm đến là Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Tokyo), bên cạnh "cung đường vàng" truyền thống.