Vì sao khán giả Trung Quốc nói Phương Mỹ Chi có 'giọng hát cá heo'?
So sánh của khán giả Trung Quốc dành cho Phương Mỹ Chi khiến không ít người tò mò.
Sau màn trình diễn Bóng phù hoa trong tập 6 chương trình Sing! Asia, Phương Mỹ Chi lập tức trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội. Với đoạn cao trào được nâng tông và xử lý đầy kỹ thuật, nữ ca sĩ không chỉ khiến khán giả nổi da gà mà còn khiến giới mộ điệu phải gật gù nể phục. Đặc biệt, nốt cao "thần sầu" mà cô thể hiện đã tạo nên một làn sóng tranh luận sôi nổi, không chỉ trong nước mà còn lan sang cả cộng đồng mạng Trung Quốc.
Tại các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, nhiều bình luận ca ngợi giọng hát của Phương Mỹ Chi là “đỉnh cao”, “không tưởng với một ca sĩ trẻ tuổi”. Một số cư dân mạng còn ví von cô có “giọng hát cá heo”, cụm từ lập tức khiến không ít khán giả Việt tò mò: Vì sao giọng hát lại được đem so với... cá heo?

Thực tế, khái niệm “giọng hát cá heo” (dolphin voice) không phải là thuật ngữ học thuật chính thống trong âm nhạc. Đây là cách gọi mang tính hình tượng, phổ biến trong cộng đồng người yêu nhạc pop, dùng để miêu tả những giọng hát sở hữu khả năng lên nốt cực cao, vượt khỏi quãng cao tiêu chuẩn của giọng nữ với âm sắc trong trẻo, sáng rõ và ngân vang như tiếng kêu của cá heo.
Những người có “giọng hát cá heo” thường sở hữu kỹ thuật head voice (giọng đầu) hoặc whistle register (giọng sáo) điêu luyện, hai kỹ thuật vốn rất khó kiểm soát. Khi thực hiện thành công, các nốt cao không chỉ chạm đến đỉnh kỹ thuật mà còn tạo nên cảm giác phiêu bồng, đôi khi khiến người nghe “choáng ngợp” bởi độ chói sáng và vang vọng của âm thanh.
Clip: Diva Mariah Carey nổi tiếng bậc thầy của "giọng hát cá heo".
Thế giới đã ghi nhận nhiều tên tuổi lẫy lừng với danh xưng này, tiêu biểu nhất là Mariah Carey, người được mệnh danh là “nữ hoàng whistle register”, sở hữu khả năng lên tới nốt G7 mà vẫn giữ được âm sắc như tiếng sáo. Sau cô, nhiều nghệ sĩ khác như Ariana Grande, Christina Aguilera (Âu Mỹ), Tát Đỉnh Đỉnh, Trương Lương Dĩnh, Châu Thâm (Trung Quốc), Vitas (Ukraina)... cũng từng được nhắc đến với khả năng “hát như cá heo”.
Clip: Vitas nổi tiếng khắp thế giới với cử âm vượt giới hạn của con người.
Tại Việt Nam, dù chưa có tên gọi phổ biến cho "hiện tượng thanh nhạc" này, nhưng không thiếu những giọng ca từng chạm đến vùng âm vực tương tự. Có thể kể đến Thu Minh, Dương Hoàng Yến, Nhật Thủy, Roise Bảo Yến... Và mới đây, Phương Mỹ Chi nổi lên như một đại diện thế hệ mới có khả năng bứt phá trong kỹ thuật giọng giả thanh.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng đưa ra cảnh báo: Cách hát này nếu không được đặt đúng vị trí âm thanh, luyện tập bài bản và kiểm soát cơ địa thanh quản sẽ dễ gây tổn hại lâu dài đến giọng hát. Chính vì vậy, dù “giọng hát cá heo” có thể trở thành điểm nhấn giúp nghệ sĩ ghi dấu, nó vẫn nên được xem là một lựa chọn kỹ thuật đầy thận trọng, không phải chiêu trò để gây sốc.
Clip: Dương Hoàng Yến khoe giọng giả thanh cao vút trong bản cover Tay trái chỉ trăng.
Với Phương Mỹ Chi, tiết mục Bóng phù hoa không đơn thuần là một lần khoe giọng, mà còn là lời tuyên bố mạnh mẽ về sự trưởng thành trong tư duy âm nhạc. Cô không ngại thách thức bản thân, vượt khỏi vùng an toàn dân ca quen thuộc để thử nghiệm những giới hạn mới. Và dù có được gọi là “cá heo”, “hiện tượng”, hay bất kỳ mỹ từ nào khác, điều rõ ràng nhất là: Phương Mỹ Chi đang không ngừng tiến về phía trước, bằng bản lĩnh và sự đầu tư nghiêm túc trong từng nốt nhạc.
