Vì sao Khánh Hòa dừng phát hành trái phiếu địa phương?

Tỉnh Khánh Hòa quyết định không tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024 để giảm chi phí lãi vay.

HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua nghị quyết không tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024.

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo, đề nghị HĐND tỉnh xem xét không phát hành trái phiếu chính quyền địa phương như trên để đảm bảo nguồn vốn ngân sách địa phương được sử dụng hiệu quả, đồng thời giảm chi phí lãi vay.

 Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được thi công Ảnh: XUÂN HOÁT

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được thi công Ảnh: XUÂN HOÁT

Đề nghị trên của UBND tỉnh Khánh Hòa được đưa ra sau khi xem xét thực tế, căn cứ ý kiến của Bộ Tài chính.

Trước đó, hồi tháng 12-2023, HĐND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt đề án sơ bộ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tỉnh năm 2024 với giá trị 855,6 tỉ đồng cho bảy dự án trọng điểm.

Bảy dự án gồm đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh dự kiến (100 tỉ đồng), đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa (gần 286 tỉ đồng), nâng cấp mở rộng cải tuyến tỉnh lộ 1B và chỉnh trị hạ lưu sông Tắc giai đoạn 2 (100 tỉ đồng).

Dự án di dời, tái định cư khu vực đông đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Vạn Giã (100 tỉ đồng), đầu tư nâng cấp quốc lộ 26 B kết nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đến cảng Nam Vân Phong (120 tỉ đồng).

Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (50 tỉ đồng).

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đến nay hai dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư là nâng cấp quốc lộ 26 B và xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa; năm dự án còn lại đã có chủ trương đầu tư.

Khánh Hòa giải ngân đầu tư công vẫn chậm

Ngày 15-7, một nguồn tin xác nhận Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa có kết luận, yêu cầu Ban cán sự UBND tỉnh tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2023-2025.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu UBND tỉnh quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, xem xét thành lập tổ công tác của thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh làm việc trực tiếp với các địa phương, chủ đầu tư chậm giải ngân để kịp thời chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan.

Dự án CCSEP có vốn vay ODA có vướng mắc nhiều năm qua. Ảnh: XUÂN HOÁT

UBND tỉnh được yêu cầu phải thường xuyên theo dõi, kiểm soát chặt chẽ về cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, quyết tâm giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2024, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực.

Chỉ đạo đôn đốc, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, nhất là các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa, tiến độ giải ngân đầu tư công tại tỉnh này vẫn còn chậm so với chỉ tiêu Trung ương giao.

Theo đó, năm 2024 Thủ tướng giao tỉnh Khánh Hòa hơn 8.269 tỉ đồng; trong đó đã phân bổ kế hoạch vốn 7.078 tỉ đồng, chưa phân bổ hơn 1.190 tỉ đồng.

Đến nay tỉ lệ giải ngân vốn năm 2024 theo kế hoạch Thủ tướng giao chỉ mới 22,5%. So với kế hoạch vốn được UBND tỉnh Khánh Hòa giao thực tế chỉ mới 26% kế hoạch giải ngân.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nguyên nhân giải ngân đầu tư công còn chậm là nguồn vốn trái phiếu chính quyền địa phương chưa phát hành 855,6 tỉ đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng theo Luật Đầu tư công, các dự án khởi công mới năm 2024 được giao kế hoạch vốn hàng năm sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

Theo đó, dự án phải thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, thời gian thường kéo dài 7- 9 tháng. Đồng thời, phải phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình, lựa chọn nhà thầu… Do vậy, việc giải ngân kế hoạch vốn của các dự án thường bắt đầu từ quý 3 trở đi.

Tỉnh Khánh Hòa cũng xác định nguồn lực cấp huyện dành cho công tác bồi thường, giải tỏa tại các dự án trọng điểm còn thiếu, yếu so với nhu cầu thực tế. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng chậm.

Cùng với đó là vướng mắc của các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát vốn vay lại Chính phủ, như dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án TP Nha Trang sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát và vốn vay lại Chính phủ…

Xuân Hoát

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-khanh-hoa-dung-phat-hanh-trai-phieu-dia-phuong-post800563.html