Vì sao khó chặn thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường?

Triển khai 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm' năm 2024, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ các vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại nhiều địa phương. Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về chất lượng thực phẩm.

Liên tiếp bắt giữ các vụ thực phẩm bẩn

Ngày 3/5, Đội QLTT số 11 (Cục QLTT TP Hà Nội) phối hợp với Đội 7 PC 03 Công an TP Hà Nội kiểm tra hộ kinh doanh thực phẩm tại thôn Kỳ Thủy, xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Cục QLTT Hà Nội và Công an TP Hà Nội kiểm tra, thu giữ 1.520kg thực phẩm là nầm lợn, lườn, đùi vịt không có giấy tờ, hóa đơn, chứng từ tại một hộ kinh doanh tại xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai).

Cục QLTT Hà Nội và Công an TP Hà Nội kiểm tra, thu giữ 1.520kg thực phẩm là nầm lợn, lườn, đùi vịt không có giấy tờ, hóa đơn, chứng từ tại một hộ kinh doanh tại xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai).

Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 1.520 kg thực phẩm là nầm lợn, lườn vịt, đùi vịt các loại. Làm việc với đoàn kiểm tra chủ cơ sở đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số thực phẩm trên. Ngoài ra, cơ sở này cũng chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Đội QLTT số 11 đã tạm giữ toàn bộ số thực phẩm trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 5/5, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Quảng Ninh phối hợp Đội Kiểm soát Hải quan số 1 và Chi cục Hải Quan cửa khẩu Móng Cái phát hiện có 1.870 kg xúc xích, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được đóng trong các bao tải dứa màu xanh, tập kết trên thùng xe đang trong tình trạng chảy nước có dấu hiệu hư hỏng. Lái xe khai nhận đã mua gom toàn bộ số xúc xích trên, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, đang tập kết để đưa vào nội địa tiêu thụ.

Rất nhiều hàng hóa là nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ được lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.

Rất nhiều hàng hóa là nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ được lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong dịp lễ 30/4 – 1/5, Đội QLTT số 3 phối hợp cùng Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hồ Chí Minh) và Công an phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa trên địa bàn phường Bình Chiểu.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng đã phát hiện 7.800 kg thực phẩm đông lạnh các loại là nội tạng động vật chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, không ghi hạn sử dụng, không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa đúng theo quy định. Theo đó, đơn vị tiến hành kiểm tra, tạm giữ 7.800 kg thực phẩm đông lạnh không rõ xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ trị giá hơn 550 triệu đồng.

Đại diện Cục QLTT TP Hà Nội cho biết, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Để che giấu cơ sở sản xuất, các đối tượng buôn bán hàng giả chỉ kinh doanh online trên các trang mạng xã hội và ứng dụng thương mại điện tử. Tận dụng triệt để các mạng lưới giao hàng nhanh cũng như thường xuyên thay đổi địa chỉ kho hàng để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Với xu thế mua sắm online của phần lớn người dân hiện nay rất dễ bị các đối tượng gian thương lợi dụng.

Cách nào ngăn chặn, đẩy lùi?

Phân tích về tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn ra phổ biến, nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính là do ý thức yếu kém trong chấp hành pháp luật, đạo đức kinh doanh của chính những người tham gia khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản đến chế biến dẫn đến nguy cơ gây mất ATTP. Người sản xuất, kinh doanh đều sẵn sàng vi phạm pháp luật, coi nhẹ tính mạng sức khỏe của người khác chỉ vì lợi nhuận.

Đáng nói, một lượng không nhỏ người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của mình và gia đình, chỉ chú ý đến những thực phẩm bắt mắt, có giá rẻ. Lợi dụng nhu cầu đó, các đối tượng đã vận chuyển hàng nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển, sẵn sàng đăng quảng cáo bán hàng mà không yêu cầu truy xuất nguồn gốc cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách còn nhiều bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Việc xử lý còn gặp những khó khăn về nhân lực, về cơ chế phối hợp, về phương tiện vật chất kỹ thuật, về xác định hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), để đấu tranh với hành vi vi phạm quy định về ATTP cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp phòng ngừa, bao gồm: chính sách pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nhân lực quản lý, đạo đức công vụ, đạo đức kinh doanh. Đặc biệt là giải pháp về phương tiện vật chất kĩ thuật, cơ chế giám sát, cơ chế phối hợp trong công tác xử lý và tuyên truyền về chế tài.

Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh nhìn nhận, công tác chống thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết “nóng”. Để hạn chế và từng bước đẩy lùi được nguy cơ mất ATTP ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành, tổ chức, cơ quan truyền thông cùng chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.

Về phía người dân cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATTP.

Nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của người dân tại các thành phố lớn rất cao. Lợi dụng tình hình này, không ít đối tượng vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân đã cố tình tuồn ra thị trường các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, ảnh hưởng an toàn sức khỏe, gây nguy hiểm tới tính mạng của người sử dụng. Do đó, lực lượng QLTT cả nước luôn tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường nhằm ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực ATTP.

Tổng cục trưởng Tổng Cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vi-sao-kho-chan-thuc-pham-ban-tuon-ra-thi-truong.html