Vì sao không thể cứu, khi người bị nạn có mặc áo phao cứu sinh?

Trên thực tế, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường thủy nhưng chưa bao giờ có số người tử vong cao như vụ chìm tàu du lịch xảy ra vào đầu giờ chiều 26-2-2022 trên biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) làm 17 người chết. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần phải xem xét, đánh giá lại những quy chuẩn về loại phương tiện này để tránh những vụ việc tương tự xảy ra...

Ca nô được đóng theo tiêu chuẩn SI (mui trần, sử dụng mái che).

Ca nô được đóng theo tiêu chuẩn SI (mui trần, sử dụng mái che).

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam), cho biết: Trước đây, TP Hội An loại ca nô mui trần, làm tạm mái che phía trên (theo tiêu chuẩn SI) để làm du lịch. Loại ca nô này có nhược điểm chở ít người (khoảng 15 người), khách thường bị ướt khi gặp sóng lớn. Từ năm 1996 đến nay, khi ngành Giao thông vận tải công bố quy chuẩn mới SB, có sức chứa, tải trọng lớn (chở khoảng 40 người), khoang chứa hành khách chỉ chừa 2 cửa ra vào, còn lại bịt kín. Với ca nô đóng theo tiêu chuẩn này có vận tốc cao, chịu đựng cấp sóng lớn hơn và nhìn bề ngoài cũng đẹp hơn. Tuy nhiên, khi gặp sự cố dù tất cả khách đều mặc áo phao cứu sinh song do không có cửa để thoát ra ngoài nên tỷ lệ gây thiệt hại về người cao hơn loại ca nô theo quy chuẩn SI (mui trần).

Theo ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An: Năm 2011, cũng chính vị trí ca nô bị nạn lần này đã từng xảy ra vụ chìm tàu tương tự. Lúc đó tàu gỗ 60 CV của tiểu đoàn 70 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam chở 35 người từ Cù lao Chàm vào đất liền, bị chìm. Trong số 35 người trên tàu chỉ có 6 người chết. Nguyên nhân dẫn đến tử vong là do trong hành trình di chuyển từ Cù lao Chàm vào bờ, 6 người này bị say sóng, hoặc nằm ngủ dưới ca-bin, hầm tàu.

Tất cả những người trên boong tàu đều thoát nạn là nhờ nổi trên mặt biển và được cứu vớt kịp thời.Với sự cố chìm tàu xảy ra ngày 26-2-2022, tôi không bàn về nguyên nhân gây tai nạn nhưng thực tiễn cho thấy tàu QNa-1125 bị bịt kín từ mũi đến đuôi, khi gặp nạn hành khách khó thoát ra ngoài, không nổi trên biển nên không thể cứu nạn kịp thời. Vì thế, đề nghị xem lại quy định tàu chở khách phải có mui, khoang kín như hiện nay.

Tàu du lịch QNa-1125 được đóng theo tiêu chuẩn SB (toàn thân đóng kín, chỉ có 2 cửa ra vào ở cuối tàu) nên khó thoát hiểm khi gặp sự cố.

Tàu du lịch QNa-1125 được đóng theo tiêu chuẩn SB (toàn thân đóng kín, chỉ có 2 cửa ra vào ở cuối tàu) nên khó thoát hiểm khi gặp sự cố.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Đỗ Văn Viên-nguyên cán bộ công tác tại nhà máy đóng tàu Sông Thu (Đà Nẵng) cho biết: Hiện nay, trong công nghệ đóng tàu vật liệu composite nền polymer (bao gồm gốc epoxy là nhựa vinylester, polyeste) và cốt sợi thủy tinh được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, tùy vào mục đích sử dụng là biển hay sông để sử dụng vật liệu đóng cho phù hợp. Cụ thể, đối với phương tiện vận tải trên biển, vật liệu dùng để đóng tàu phải có độ chịu lực cao để chịu đựng trước sự va dập của sóng biển. Ngoài ra, cũng cần xem xét kỹ là loại tàu nào chịu đựng được cấp gió bao nhiêu... để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Tuy nhiên, với những ngư dân lão luyện trên ngư trường miền Trung, yếu tố thời tiết, thời điểm con nước lên hoặc xuống tại các cửa biển là rất quan trọng. Vì nó là yếu tố quyết định sự dịch chuyển của hải lưu và tạo ra những cơn sóng lừng (sóng ngầm dưới mặt nước-p.v) cực kỳ nguy hiểm cho những phương tiện đang hoạt động trên biển. Có thể, vào thời điểm tàu du lịch QNa-1125 gặp nạn là lúc ngoài biển Cửa Đại đang diễn ra những cơn sóng ngầm có cường độ mạnh nhưng thuyền trưởng không phát hiện kịp thời. Có mặt tại hiện trường vào ngày27-2-2022, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu: ngoài việc hỗ trợ tối đa cho các gia đình có người thiệt mạng và bị thương, các cơ quan chức năng cần sớm tìm nguyên nhân cốt lõi gây ra vụ tai nạn và tập trung khắc phục hậu quả. Các cấp, ngành liên quan tổng rà soát tất cả phương tiện ca nô, tàu du lịch, luồng lạch... để tránh lặp lại sự cố tương tự, nhất là khi Quảng Nam đang bắt đầu vào mùa du lịch.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nguyên nhân chính dẫn đến lượng người tử vong tăng cao trong vụ tai nạn xảy ra tại biển Cửa Đại là do trần tàu đóng kín, không có lối thoát khi sự cố xảy ra. Vì thế, ngành chức năng cần điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, đồng thời cần xem xét lại quy chuẩn nào cho tàu du lịch là phù hợp với điều kiện tại Việt Nam hiện nay nhằm tránh những sự cố đau lòng tương tự xảy ra.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_257437_vi-sao-khong-the-cuu-khi-nguoi-bi-nan-co-mac-ao-p.aspx