Vì sao khu công nghiệp đón nhà đầu tư tỉ đô ở Bình Thuận vẫn chưa hoạt động?

Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 1 là nơi dự kiến đặt nhiều nhà máy tỉ đô nhưng sau 3 năm khởi công vẫn chưa thể hoạt động.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, huyện Hàm Tân.

Đây là khu công nghiệp rất quan trọng, đã khởi công từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đi vào hoạt động. Trong khi đó, các “ông lớn” lĩnh vực điện khí đầu tư vào khu công nghiệp này đã ra mắt từ năm 2023.

 Ông Nguyễn Hồng Hải (đứng), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, huyện Hàm Tân. Ảnh: NP

Ông Nguyễn Hồng Hải (đứng), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, huyện Hàm Tân. Ảnh: NP

Giải phóng mặt bằng quá chậm

Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017, tổng diện tích đất phải thu hồi là 1.070 ha. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Hàm Tân chỉ mới thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) được hơn 80 ha và UBND tỉnh đã cho chủ đầu tư thuê hơn 76 ha đất.

Còn lại gần 1.000 ha địa phương đang thực hiện công tác bồi thường, GPMB theo quy định.

Theo đánh giá, việc GPMB tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 là quá chậm trong khi đây là khu công nghiệp dự kiến sẽ đặt các Nhà máy điện Sơn Mỹ I (vốn đầu tư 2,2 tỉ USD); Sơn Mỹ II (2,1 tỉ USD); Kho cảng khí LNG (1,34 tỉ USD)…

 Phối cảnh Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1.

Phối cảnh Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1.

Đáng nói là việc tính tiền thuê đất đối với diện tích ít ỏi, chỉ hơn 76 ha mà UBND tỉnh cho thuê đợt I từ năm 2022, đến nay Chi cục Thuế khu vực XV và Sở Nông nghiệp và Môi trường vẫn chưa thống nhất phương án giải quyết để chủ đầu tư triển khai.

Theo báo cáo, đối với 7 tổ chức kinh tế (diện tích 226,86 ha), UBND huyện Hàm Tân đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và phương án bổ sung. Tuy nhiên, qua làm việc thì 7 doanh nghiệp trên đều không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ đã niêm yết. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã mời nhận tiền nhưng một số công ty không có mặt.

“Hiện UBND huyện Hàm Tân đang rà soát, trả lời đơn khiếu nại của Công ty TNHH TM Đại Thuận Phát và Công ty TNHH Đại Thanh về việc không đồng ý với phương án bồi thường của UBND huyện Hàm Tân” - báo cáo nêu.

Rà soát các kiến nghị của doanh nghiệp

Theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường UBND huyện Hàm Tân ký ngày 20-3-2025, Công ty Đại Thuận Phát sẽ bị thu hồi hơn 8,7 ha đất nuôi trồng thủy sản, tổng số tiền hỗ trợ cho công ty này là 286 triệu đồng bao gồm cả chi phí di chuyển tài sản.

Tuy nhiên, công ty này không đồng ý vì ngoài diện tích đất được giao, công ty còn chuyển nhượng 1,3 ha đất của người dân. Vì vậy, công ty cho rằng quyết định nêu tiền bồi thường về đất 0 đồng là không hợp lý. Cạnh đó, công ty cũng không được bồi thường về chi phí đầu tư rất lớn đã bỏ ra; việc thu hồi làm chấm dứt hoạt động kinh doanh, không được cấp đất sản xuất thay thế… nhưng không được bồi thường hay hỗ trợ là chưa đúng với quy định.

 Lễ ra mắt các nhà đầu tư chuỗi dự án khí - điện Sơn Mỹ vào tháng 8-2023.

Lễ ra mắt các nhà đầu tư chuỗi dự án khí - điện Sơn Mỹ vào tháng 8-2023.

Tương tự, Công ty Đại Thanh cũng bị thu hồi 67 ha. Trong đó, ngoài đất Nhà nước cho thuê, công ty đã sang nhượng của các hộ dân hơn 24 ha nhưng cũng không được bồi thường. Công ty cũng không được bồi thường về chi phí đầu tư, xây dựng, quản lý dự án. Thậm chí hệ thống điện trung thế, trạm biến áp, điện hạ thế mà công ty đã đầu tư cũng không được bồi thường mà chỉ hỗ trợ chi phí di dời trong khi không bố trí địa điểm khác cho công ty hoạt động…

Các doanh nghiệp, tổ chức có đất bị thu hồi trong dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 đều cho rằng họ sẵn sàng chấp nhận bị thu hồi trước thời hạn dù chưa thu hồi được vốn đã đầu tư nhưng việc đền bù phải thỏa đáng và đúng các quy định của Nhà nước…

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hàm Tân phối hợp với chủ đầu tư, các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đền bù, GPMB dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, nhất là khu vực ưu tiên phải thực hiện GPMB trước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Hàm Tân rà soát, tổng hợp kiến nghị của các tổ chức có đất bị thu hồi, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn trả lời cụ thể từng nội dung nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, GPMB dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1…

Theo báo cáo, ngoài những khó khăn trên, hiện việc xử lý bồi thường chậm đối với chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với 19 hộ dân bị thu hồi đất trong dự án cũng vẫn chưa được Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn UBND huyện Hàm Tân thực hiện.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-khu-cong-nghiep-don-nha-dau-tu-ti-do-o-binh-thuan-van-chua-hoat-dong-post850512.html