Vì sao Liên hợp quốc kêu gọi Ấn Độ và Pakistan 'kiềm chế tối đa'?
Ngày 25-4, binh sĩ Ấn Độ và Pakistan đã đấu súng dữ dội dọc đường Ranh giới kiểm soát phân chia khu vực Kashmir nằm giữa hai nước. Căng thẳng song phương đang leo thang nghiêm trọng khiến Liên hợp quốc kêu gọi hai bên 'kiềm chế tối đa' để tránh đẩy tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Lực lượng an ninh Ấn Độ ở khu vực biên giới Kashmir
Quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang căng thẳng sau vụ tấn công khủng bố tại Pahalgam, khu vực Jammu và Kashmir ngày 22-4 vừa qua, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng. Quân đội Ấn Độ đã phát động chiến dịch “truy lùng và tiêu diệt” quy mô lớn, triển khai thêm máy bay không người lái giám sát và tăng quân trên toàn thung lũng Kashmir. Chiến dịch truy bắt 3 nghi phạm đang được tiến hành, gồm 1 công dân Ấn Độ và 2 người Pakistan. Ngày 24-4, cảnh sát khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã công bố 3 phần tử khủng bố nghi có liên quan đến vụ tấn công, trong đó 2 đối tượng là công dân Pakistan. Vụ tấn công tại Pahalgam là một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi Điều 370 (quy định về quyền tự trị đặc biệt cho Jammu và Kashmir) bị bãi bỏ năm 2019 đã khiến căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng vốn nhiều lần rơi vào xung đột, nay càng trở nên gay gắt.
Chính phủ Ấn Độ tuyên bố đã thu thập “bằng chứng rõ ràng về sự tiếp tay từ bên kia biên giới”. Một nhóm tự xưng là “Mặt trận kháng chiến” đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công, nhưng giới chức Ấn Độ khẳng định nhóm này chỉ là bình phong cho tổ chức khủng bố Lashkar- e-Taiba hoặc một nhóm tương tự có trụ sở tại Pakistan. Sau cuộc họp Ủy ban Nội các về an ninh Ấn Độ (CCS) do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì tối 23-4, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một loạt biện pháp mạnh mẽ. Trong đó, Ấn Độ tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với Pakistan và đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn, trục xuất các tùy viên quân sự Pakistan, đóng cửa ngay lập tức cửa khẩu biên giới Attari - một trong những tuyến giao thương then chốt giữa hai nước.
Đáp trả, Islamabad đã phủ nhận mọi liên quan và cáo buộc New Delhi “chưa đưa ra được bằng chứng xác đáng”. Pakistan cũng đã quyết định đóng cửa biên giới, hủy bỏ các hoạt động thương mại và đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không do Ấn Độ sở hữu hoặc điều hành, đồng thời phản đối việc New Delhi đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn được ký từ năm 1960 - vốn được coi là biểu tượng hiếm hoi của sự hợp tác song phương giữa hai nước. Văn phòng Thủ tướng Pakistan cũng nêu rõ, các tùy viên quốc phòng, hải quân và không quân của Ấn Độ tại Thủ đô Islamabad là những người không được hoan nghênh và được yêu cầu rời khỏi Pakistan ngay lập tức. Ngoài ra, thị thực đã cấp cho công dân Ấn Độ cũng bị hủy bỏ, ngoại trừ những người hành hương Ấn Độ viếng thăm đền thờ đạo Sikh tại Pakistan. Ngoài ra, Pakistan cảnh báo rằng mọi hành động của Ấn Độ nhằm cắt nguồn cung cấp nước từ sông Ấn sẽ bị coi là “hành động khiêu chiến”.
Ngày 25-4, Liên hợp quốc đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan thể hiện “sự kiềm chế tối đa” để tình hình không bị đẩy đi quá xa. Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho rằng mọi vấn đề giữa hai nước cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại có ý nghĩa.
Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng vũ trang hạt nhân ở Nam Á đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, với việc Ấn Độ cáo buộc Pakistan ủng hộ “khủng bố xuyên biên giới” sau khi các tay súng mở cuộc tấn công nhằm vào dân thường tồi tệ nhất trong hơn 25 năm qua tại vùng tranh chấp Kashmir đa số theo đạo Hồi. Chính phủ Ấn Độ đang duy trì mức cảnh giác cao và cam kết sẽ đưa những kẻ thực hiện vụ tấn công ra trước công lý, đồng thời truy cứu trách nhiệm những tổ chức đứng sau hành vi tài trợ khủng bố. Giới quan sát cho rằng, một phản ứng quân sự của Ấn Độ là hoàn toàn có thể xảy ra, tương tự vụ không kích Pakistan vào năm 2019 sau vụ tấn công ở Pulwama khiến 41 binh sỹ thiệt mạng đẩy hai nước tới bờ vực chiến tranh. Kashmir đã bị chia cắt giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi hai nước giành độc lập năm 1947, với cả hai bên tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng lãnh thổ nhưng thực tế lại kiểm soát những phần riêng biệt.