Vì sao loạt cổ phiếu bất động sản tăng bất thường?
Hàng loạt mã cổ phiếu của các doanh nhiệp địa ốc tăng một cách phi mã trong thời gian qua như CEO, DIG, QCG, HQC, PTL, SCR, ITA… trong lúc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bị thanh tra.
Nếu như ở ngày 1/9, Đáng chú ý, trong tháng 11, CEO chỉ có 3 phiên giảm điểm, còn lại là tăng kịch trần. Còn từ đầu tháng 12 đến nay, cũng chỉ có 5 phiên giảm điểm.
Đáng nói, cổ phiếu CEO bật tăng mạnh trong lúc C.E.O Group liên tục thua lỗ và dòng tiền âm hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 của C.E.O Group cho thấy, doanh thu giảm phân nửa chỉ còn 124 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn CEO lãi gộp 14 tỷ đồng, giảm mạnh và chỉ còn vỏn vẹn 1/8 so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính cũng giảm, trong khi chi phí tăng. Khấu trừ, CEO lỗ sau thuế 59 tỷ đồng, cùng kỳ có lãi 7 tỷ. Quý 3/2021 cũng là quý thứ 3 liên tiếp CEO thua lỗ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng, giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, CEO lỗ sau thuế 224 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, CEO đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. Đáng chú ý, CEO Group làm ăn trì trệ khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ cũng chuyển từ dương 112 tỷ sang âm hơn 144 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư tài chính cũng âm 81 tỷ. Theo đó, dòng tiền thuần trong kỳ của CEO đang âm hơn 169 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản CEO vào mức 7.012 tỷ đồng, giảm so với đầu kỳ, trong đó tiền mặt công ty giảm đáng kể.
Tương tự, QCG đặt mục tiêu năm 2021 sẽ có doanh thu 1.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 100 tỷ đồng, lần lượt giảm 46% và 22% so với kết quả trong năm 2020.
Sau 9 tháng đầu năm, QCG đã đem về 774 tỷ đồng doanh thu và 53 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện hơn 77% và 53% kế hoạch. Như vậy để hoàn thành mục tiêu đề ra, QCG cần có doanh thu ít nhất 226 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 47 tỷ đồng trong quý cuối năm. Con số 47 tỷ đồng tương đối thách thức nếu nhìn vào kết 8 quý gần đây đều không vượt quá 40 tỷ đồng.
Chưa kể, hàng tồn kho tiếp tục chiếm phần lớn tổng tài sản của QCG. Trong đó, hàng tồn chủ yếu là ghi nhận tại các bất động sản dở dang, nhất là dự án Phước Kiển. Tính đến đến tháng 4/2019, công ty đã nhận được chấp thuận đầu tư hạ tầng nhưng từ khi nhận được chấp thuận đến nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đến đầu tháng 7/2021, QCG đã thông qua quyết định giải thể Công ty Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển, dù chưa ghi nhận hoạt động doanh thu.
Cùng với đó, QCG cũng đã đâm đơn khởi kiện Công ty CP Đầu tư Sunny Island liên quan đến tranh chấp liên quan đến hợp đồng với đối tác là tại dự án Phước Kiển ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và đã được thụ lý. Sự việc này đang được QCG ghi nhận là nợ tiềm tàng trên báo cáo tài chính soát xét bán niên, kiểm toán cũng nhấn mạnh khoản nợ tiềm tàng này. Hiện, QCG đang ghi nhận khoản phải trả cho Đầu tư Sunny Island gần 2.900 tỷ đồng.
Theo QCG, đây là khoản tiền công ty nhận từ đối tác từ nhiều năm trước nhưng chưa thể triển khai dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, Tp.HCM) do các thủ tục pháp lý thay đổi. Hiện, QCG đang yêu cầu Sunny Island hoàn trả toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ đền bù nhận tại BIDV, toàn bộ hồ sơ đền bù đang nắm giữ.
Hồi đầu tháng 8/2021, cổ phiếu HQC giao dịch quanh mức 3.000 đồng/cổ phiếu thì hiện tại lên tới 9.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu tăng mạnh, những cổ đông lớn của HQC đua nhau bán ra để chốt lãi. Cụ thể, Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Quân bán ra 27 triệu cổ phiếu HQC của Công ty Địa ốc Hoàng Quân trong tổng số hơn 30 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,31%). Trước đó ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HQC cũng đã bán ra 24 triệu cổ phiếu HQC từ 27/10 đến 3/11/2021, thu về 90-100 tỷ đồng.
Cổ phiếu HQC tăng mạnh trong lúc doanh thu và lợi nhuận lao dốc. Theo báo cáo tài chính quý 3, HQC ghi nhận doanh thu thuần đạt 29 tỷ đồng, giảm 77% so cùng kỳ; lãi gộp gần 9 tỷ đồng, giảm 67%. HQC lý giải, do tình hình COVID-19 trong nước diễn biến phức tạp, khách hàng cũng như nhà đầu tư hạn chế giao dịch, dẫn đến doanh thu không đạt như kỳ vọng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của HQC đạt 206 tỷ đồng và lãi ròng 3,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 55% và 64% so cùng kỳ.
Ngoài ra, cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp khác cũng tăng một cách phi mã trong thời gian qua như DIG, HHS, TCH, HAG, PTL, SCR, ITA, CII, NBB, nhiều mã chốt phiên trong trạng thái “trắng bảng bên bán”.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, không phải cổ phiếu bất động sản nào tăng mạnh cũng có thể giải ngân, bởi có nhiều mã đã tiến đến gần vùng kháng cự ngắn hạn thiết lập trước đó. Vì vậy, nếu nhà đầu tư lựa chọn mua đuổi ở thời điểm này thì rủi ro cổ phiếu quay đầu điều chỉnh là khá cao.
“Tôi cũng không thể hiểu được vì sao nhiều mã cổ phiếu tăng mạnh trong lúc quỹ đất ít ỏi, làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp đang bị thanh tra”, ông Hoàng nói.
Chuyên gia này khuyến nghị, chiến lược đầu tư cổ phiếu bất động sản là chờ tín hiệu vượt đỉnh rõ ràng của các cổ phiếu ra khỏi vùng kháng cự, hoặc tìm kiếm cổ phiếu vừa thoát khỏi vùng kháng cự gần nhất và cách vùng đỉnh một khoảng nhất định, khi đó có thể xem xét mua vào.