Vì sao máy bay tiêm kích F-16 khó thay đổi cục diện xung đột Nga - Ukraine?
Chính quyền Ukraine khát khao sở hữu tiêm kích F-16 nhằm thay đổi cục diện xung đột với Nga theo hướng có lợi cho họ. Nhưng có nhiều yếu tố khiến điều này rất khó hiện thực hóa.
Tiêm kích F-16 vẫn là một vũ khí lợi hại. Nhưng vấn đề là có quá ít máy bay như thế dành cho Ukraine. Đã vậy, quá ít phi công Ukraine làm chủ máy bay này trong ngắn hạn, và không quân Ukraine còn đối diện nhiều yếu kém về chiến thuật và hậu cần. Chưa kể, các biện pháp đối phó của Nga đối với loại máy bay này tỏ ra rất hiệu quả.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Zelensky viếng thăm cả Hà Lan và Đan Mạch - hai nước hứa hẹn cung cấp máy bay F-16 cho không quân Ukraine. Những người ủng hộ chính quyền Kiev ca ngợi loại tiêm kích đa nhiệm này như nhân tố tiềm tàng “thay đổi được cuộc chơi”. Nhưng có nhiều nguyên nhân khiến máy bay đó khó đảo ngược được tiến trình xung đột quân sự Nga - Ukraine.
Hy vọng mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Ukraine
Tổng thống Zelenksy nói rằng quyết định trao F-16 cho Ukraine là “mang tính lịch sử và truyền cảm hứng cho chúng tôi”.
Tuy nhiên, quá trình để đưa máy bay này vào hoạt động và tham chiến ở Ukraine không đơn giản chút nào. Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen nói rằng “hy vọng” 6 tiêm kích F-16 sẽ được bàn giao cho Ukraine trước cuối năm 2023 này, thêm 8 chiếc nữa vào năm 2024 và số còn lại vào năm 2025.
Thủ tướng Hà Lan Rutte không nêu số lượng F-16 mà nước ông sẽ đóng góp cũng như thời điểm diễn ra việc bàn giao. Ông chỉ nói, sẽ cung cấp máy bay này khi “khi điều kiện cho việc chuyển giao đã được đáp ứng”. Ông Rutte không nói cụ thể điều kiện đó là gì.
Mặc dù vậy, Tổng thống Zelensky tuyên bố việc mua các máy bay tiêm kích này sẽ có tác động đáng kể lên cuộc xung đột vũ trang với Nga.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, máy bay F-16 “sẽ chắc chắn đem lại năng lượng mới, sự tự tin và động lực cho các chiến binh” Ukraine. Ông nói mình chắc chắn điều đó sẽ “đem lại các kết quả mới cho Ukraine và toàn châu Âu”.
Nhưng đấy là hy vọng của cá nhân ông Zelensky. Còn thực tế lại là chuyện khác. Thậm chí, sẽ khác biệt một cách đáng kể.
Liên tiếp vũ khí khủng nhưng tiềm năng thay đổi cục diện đến đâu?
Hồi đầu xung đột, phương Tây đã cung cấp cho Ukraine các tên lửa phòng không Stinger, tên lửa chống tăng Javelin và các hệ thống máy bay không người lái (UAV) chiến thuật. Rồi đến các gói lựu pháo M777 155mm - khi ấy được Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine gọi là công cụ “thay đổi cuộc chơi”.
Sau đó liên tiếp các vũ khí “thay đổi cuộc chơi” mới được cung cấp cho Ukraine, như bệ phóng pháo phản lực cơ động cao HIMARS, hệ thống phòng không IRIS-T, rồi xe tăng Challenger, xe tăng Leopard-2 của Đức, xe chiến đấu bộ binh Bradley và xe chiến đấu Stryker của Mỹ, và cả hệ thống phòng không Patritot nổi tiếng.
Nhưng cho tới nay, không có thứ vũ khí nào trong số trên, cả riêng lẻ lẫn tập thể, tạo ra hiệu ứng “thay đổi cuộc chơi” thực sự.
Việc có được F-16 có lẽ cũng không thoát khỏi xu hướng đó. Lý do như sau:
Thứ nhất, F-16 đã vận hành trong hơn nửa thế kỷ, lần đầu được đưa vào sử dụng vào năm 1979. Đã vậy phiên bản F-16 dự kiến cung cấp cho Ukraine không phải là loại mới nhất, được hiện đại hóa nhiều nhất mà nằm trong số cổ lỗ nhất của dòng máy bay này. Chẳng hạn, Hà Lan sẽ chuyển giao các máy bay F-16 mà bản thân họ coi là lạc hậu và bắt đầu loại biên dần (trước khi nâng cấp lên máy bay F-35).
Thứ hai, ngoài các vấn đề về đào tạo phi công, F-16 còn đòi hỏi đáng kể sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nhân lực bảo dưỡng trình độ cao, việc bảo dưỡng cơ bản sau mỗi lần tác chiến (đòi hỏi có sẵn nhiều linh kiện) và việc xây dựng các đường băng đặc biệt. Tất cả các yêu cầu này đều ngốn tiền bạc và cần nhiều thời gian.
Thứ ba, F-16 chỉ phát huy đầy đủ tiềm năng khi hoạt động trong khuôn khổ của một hệ thống phòng không và không quân tích hợp. Ngoài ra, máy bay F-16 tỏ ra yếu kém trước các hệ thống phòng không Nga, như S-300 hoặc S-400, và bất lợi trước máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.
Do vậy, tuy F-16 sẽ vẫn hiệu quả ở một chừng mực nào đó nhưng xét về tổng thể, nó sẽ khó thay đổi cán cân sức mạnh hoặc thay đổi được kết quả của cuộc xung đột.
Theo cây bút Daniel Davis (cựu trung tá Mỹ), chiến tranh được tiến hành và chiến thắng nhờ trước hết vào nhân tố con người chứ không phải công nghệ. Ông cho rằng, dù các quân nhân Ukraine đã cố gắng nhưng sau khi hứng chịu các tổn thất nặng nề sau 18 tháng chiến sự, năng lực tác chiến của họ đã suy giảm mạnh. Điều này cộng với việc sở hữu ít máy bay sẽ khiến Ukraine khó lòng thay đổi được cục diện xung đột quân sự với Nga. Và đó là thời điểm để cả Washington và Kiev ghi nhận thực tế khắc nghiệt trên chiến trường.