Vì sao mô hình chuỗi bán xe cũ thoái trào?
Mô hình nhượng quyền, nhân bản thương hiệu chuỗi kinh doanh ô tô cũ từng nở rộ vài năm trước nay đang thoái trào.
Mô hình nhượng quyền, nhân bản thương hiệu chuỗi kinh doanh ô tô cũ từng nở rộ vài năm trước nay đang thoái trào. Mô hình này đòi hỏi vốn lớn, xoay vòng nhanh trong khi thị trường ô tô thời gian qua gặp nhiều bất lợi.
Đóng cửa, thu hẹp quy mô
Dỡ tấm bảng gắn thương hiệu Anycar, anh Hà Văn Quản (Lô BT2, Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Đây gần như là cửa hàng cuối cùng ở đây tạm dừng việc kinh doanh xe cũ. Thị trường khó khăn mà ôm xe cũ hay nhận ký gửi đều không hiệu quả. Khách khứa èo uột, sáng đánh xe ra tối đánh xe vào. Giờ chuyên tâm vào việc chăm sóc, sửa xe và bán linh kiện phụ tùng".
Trước đó, ngày 22/12/2022 Công ty VinFast cũng công bố dừng dịch vụ "Đổi cũ lấy mới - Smart Solution" sau hai năm triển khai chuỗi thu mua bán xe cũ ở Hà Nội và Nghệ An. Theo đó, xe cũ được hãng mua về để bán lại cho người mua khác, nhưng không lấy lãi. Thực chất đây cũng là chuỗi thu mua xe cũ do VinFast lập ra để bán xe mới do hãng sản xuất.
Tại phía Nam, chuỗi bán xe cũ như Easy Car khai trương tháng 4/2021 với 7 địa điểm kinh doanh đặt ở 5 tỉnh, thành phố lớn, hiện cũng gặp khó khăn do lượng giao dịch ít. Các chuỗi xe cũ phía Bắc như Auto Bình An cũng trong tình cảnh xe lưu kho khá lớn dẫn đến tình trạng chôn vốn, trong khi hàng tá chi phí vẫn phải gồng gánh hàng tháng.
Chuỗi bán xe cũ Carpla ra mắt tháng 12 năm ngoái, thời điểm thị trường ô tô bùng nổ vượt ngưỡng 500 nghìn xe mới bán ra. Khi đó, dựa trên khảo sát riêng của công ty, lãnh đạo Carpla nêu con số ước tính thị trường xe cũ tăng trưởng 24% hàng năm với giá trị thị trường lên đến 18 tỷ USD vào năm 2028.
Theo khảo sát được công bố bởi Carpla, tỷ lệ giao dịch xe cũ ở Việt Nam còn thấp so với khu vực, chỉ khoảng 40% so với lượng ô tô mới bán ra. Tức với 500 nghìn xe mới bán ra năm ngoái, lượng xe cũ giao dịch trên thị trường chỉ khoảng 200 nghìn chiếc.
Vì vậy, chuỗi xe cũ Carpla đặt mục tiêu giao dịch 200.000 xe hơi cũ mỗi năm vào năm 2024. Tuy nhiên, một nhân sự Carpla cho hay, năm nay một nửa mục tiêu nói trên chưa chắc đạt được.
Theo ông Phạm Trường An, chủ showroom xe cũ ở đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy, Hà Nội), vài năm trước bản thân các hãng lớn như Ford, Toyota cũng mở chuỗi bán xe cũ dựa trên hệ thống đại lý nhưng đến nay dần khép lại, do ít hiệu quả.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, mô hình nhượng quyền, nhân bản thương hiệu chuỗi kinh doanh ô tô cũ nở rộ ở Việt Nam vào khoảng 2017-2018 nhưng đến thời điểm đại dịch thì gặp khó khăn.
Chuỗi lớn như Anycar trước đây thu hút hàng chục địa điểm kinh doanh ô tô trên cả nước. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi vốn lớn, xoay vòng nhanh, đồng thời gần đây những yêu cầu về pháp lý, mặt bằng kinh doanh ngày càng chặt chẽ khiến nhiều nhà đầu tư nhận nhượng quyền không có lợi nhuận.
Thậm chí, việc chuỗi cho phép mở các địa điểm quá gần nhau trong cùng một quận cũng khiến thị phần co hẹp, người kinh doanh bị chôn vốn vào những chiếc xe cũ.
Xe mới ép giá xe cũ, lo thủ tục phức tạp
Vợ chồng anh Lê Nguyễn Tùng Dương (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đang đắn đo việc mua chiếc Hyundai Tucson 2.0D đời 2021 đã qua sử dụng với giá 765 triệu đồng. Nhưng ngay sau đó anh Dương đã đổi ý khi nghe tin chiếc Mazda CX5 đời 2023 bản tiêu chuẩn chỉ còn giá 750 triệu, lăn bánh khoảng 815 triệu đồng.
Chị Minh Hương, từng làm việc cho hệ thống bán xe cũ Anycar cho hay, so với các showroom đơn lẻ, chuỗi bán xe cũ nào cũng xây dựng quy trình kiểm tra xe 170-180 hạng mục, có hệ thống niêm yết quảng bá trên mạng hoành tráng. Tuy nhiên, thị trường xe cũ không lớn như kỳ vọng. Năm nay lại gặp hai cú sốc lớn tác động, một là chính sách giá, hai là thủ tục sang nhượng.
Theo chị Hương, xe cũ bán được chủ yếu trong khoảng giá từ 400-700 triệu đồng trở lên mới có lãi, trong khi xe mới đang tiệm cận mức giá này. Nhiều xe mới về có giá bán sát với giá xe cũ nên càng khó bán, nhập xe vào là lỗ.
"Hiện tại, các ông chủ chuỗi xe cũ giao chỉ tiêu cho nhân viên phải bán ít nhất từ 2-3 xe mỗi tháng nhưng rất khó đạt KPI. Mặt khác, quy định về biển số định danh áp dụng từ 15/8 siết thủ tục sang tên chuyển nhượng xe cũ. Nhiều khách hàng ngại phải nhờ chủ cũ đi làm thủ tục thu hồi biển số nên chuyển sang chọn mua xe mới", chị Hương lý giải.
Theo một nhân viên kinh doanh của đại lý Toyota, ba nỗi sợ lớn nhất của người mua xe cũ lần lượt là bị ngập nước, bị tua công-tơ-mét và bị ngân hàng siết nợ. Gần đây, có thêm thủ tục thu hồi biển số định danh càng khiến nhiều người ngại mua xe cũ.
Giới chuyên môn nhận định, sang năm 2024 khi sức mua thị trường xe mới tăng trở lại mới hy vọng lôi kéo sự phục hồi của thị trường xe cũ. Đó mới là lúc các ông chủ cửa hàng ô tô quyết định có trở lại thị trường kinh doanh xe cũ hay không.
- Video cận cảnh Hyundai Santa Fe Hybrid 2024. Nguồn: 우유니화이트.