Vì sao mua, bán vàng buộc phải có hóa đơn điện tử?
Một số đơn vị kinh doanh vàng bạc cho biết đã chấp hành nghiêm quy định về xuất hóa đơn điện tử, để làm minh bạch thị trường vàng.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 160/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng.
“Cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch. Xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật”, thông báo nêu.
Liên quan đến việc xuất hóa đơn cho khách hàng khi mua bán vàng, sáng 13-4, trao đổi với PLO, bà Lê Thúy Hằng – Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết: “Công ty SJC là đơn vị 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP. HCM, cho nên trong suốt 36 năm hoạt động từ khi thành lập đến nay, chúng tôi luôn tuân thủ việc xuất hóa đơn đỏ cho bất cứ sản phẩm nào khi giao dịch.
Trước khi xuất hóa đơn, chúng tôi còn yêu cầu khách hàng cung cấp số điện thoại, địa chỉ, CCCD. Tất cả số lượng bán ra đều đã được báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước và hàng hóa đầu vào – đầu ra đều cân đối, ăn khớp với nhau 100%.
“Nhiều khi khách hàng đến bán vàng, thấy vỏ bao bị rách nhưng sản phẩm vàng bên trong không bị móp méo, chúng tôi sẽ không trừ bất cứ đồng nào mà thâu vào theo đúng giá niêm yết tại thời điểm giao dịch. Còn với những miếng vàng SJC bị móp méo, sẽ thu phí 30.000 đồng/lượng – theo đúng quy định của Nhà nước, ngoài ra không thu thêm bất cứ loại phí gì khác.
Thậm chí, khi giá cả trên thị trường biến động quá mạnh, có những tiệm vàng “đóng cửa” chờ giá cao mở cửa giao dịch, nhưng riêng SJC, chỉ cần còn hàng thì chúng tôi vẫn mua – bán như bình thường”, bà Hằng nhấn mạnh.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua bán, vàng.
Thực tế từ cuối tháng 12-2022, ngành thuế đã chính thức triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho các ngành có tần suất phát hành hóa đơn lớn như trung tâm thương mại, siêu thị, dược phẩm, kinh doanh vàng bạc…
Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục rà soát các doanh nghiệp, cá nhân đang kinh doanh lĩnh vực vàng, bạc, đá quý để đưa vào diện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Qua đó góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Một số đơn vị kinh doanh vàng bạc cho biết đã chấp hành nghiêm quy định về xuất hóa đơn điện tử, để làm minh bạch thị trường vàng. Đồng thời việc xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh vàng cũng sẽ giúp hạn chế được các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới, các hành vi trục lợi đầu cơ tháo túng giá vàng để đảm bảo thị trường ổn định, minh bạch.
Tuy nhiên, chủ một tiệm kinh doanh vàng tại TP.HCM chia sẻ: "Một khi Nhà nước yêu cầu phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng thì chắc chắn các tiệm vàng cũng sẽ phải tuân thủ theo. Nhưng hiện tại, tôi thấy gần như không có tiệm vàng nào thực hiện xuất hóa đơn điện tử cả.
Hiện nay, nếu tiệm vàng nào xuất hóa đơn, chỉ là hóa đơn nội bộ của doanh nghiệp xác nhận một số thông tin như tên sản phẩm, tuổi vàng, số lượng món hàng, đơn giá và thành tiền.
Việc cung cấp các hóa đơn nội bộ cũng chỉ áp dụng đối với vàng trang sức, còn với vàng nhẫn 9999 thì cứ giao tiền là nhận hàng. Bởi vàng nhẫn 9999 đã được đóng dấu tên doanh nghiệp, hàm lượng vàng trên sản phẩm rồi", vị đại diện tiệm vàng nói.
Hiện nay, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đang chỉ đạo các Đội QLTT tiến hành rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vàng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các Đội QLTT đã kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn một số quận, huyện. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp kinh doanh vàng xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân theo quy định. Tuy nhiên, lực lượng QLTT cũng phát hiện một số vi phạm như vàng trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn hàng hóa.
THÙY LINH
Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-mua-ban-vang-buoc-phai-co-hoa-don-dien-tu-post785316.html