"Bom nhiệt hạch mạnh nhất B83-1 sẽ được loại biên do nhiều hạn chế về tính năng và chi phí bảo dưỡng tăng cao", Lầu Năm Góc cho biết trong tài liệu Chiến lược Quốc phòng công bố hôm 27/10/2022.
"Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ dựa vào những vũ khí sẵn có để đối phó mục tiêu kiên cố nằm sâu dưới lòng đất", Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
B83-1 là biến thể nâng cấp của dòng bom nhiệt hạch B-83 có thể điều chỉnh sức nổ, được Mỹ phát triển từ cuối thập niên 1970 và đưa vào biên chế năm 1983.
Đây cũng là vũ khí hạt nhân đầu tiên của Mỹ được thiết kế tích hợp nhiều tính năng ngăn chặn nguy cơ vô tình kích nổ.
Mỗi quả B83-1 có sức mạnh tối đa tương đương 1,2 triệu tấn thuốc nổ TNT, là vũ khí hạt nhân mạnh nhất của Mỹ kể từ năm 2011, thời điểm nước này loại biên dòng bom B53.
Bom B83-1 khi kích hoạt có thể sản sinh ra nguồn năng lượng khoảng 5 triệu Jun, tương đương sức công phá của 79 quả bom từng được thả xuống Hiroshima vào năm 1945.
Bom nhiệt hạch B83-1 khi nổ sẽ tạo ra một hố rộng 420 mét và sâu 92 mét
Vụ nổ ngay lập tức sẽ tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ trong phạm vi 5,7km vuông, với nhiệt độ lên đến 83,3 triệu độ C.
Chỉ cần sử dụng 50% năng lượng thôi là nó có thể tạo ra một vùng áp suất khổng lồ, khiến cho tất cả mọi công trình trong bán kính 16,8 kilomet đều bị san bằng.
Tiếp theo, 35% năng lượng của vụ nổ sẽ gây ra phóng xạ nhiệt khiến cho tất cả mọi người trong bán kính 420 kilomet bị bỏng độ 3 (tuy nhiên họ chỉ cảm thấy đau đớn trong một phần nhỏ giây bởi vì mọi dây thần kinh sẽ bị thiêu cháy trong chốc lát).
Bom B83-1 có chiều dài 3,7 m và có đường kính 0,46 m, nặng khoảng 1,1 tấn, được trang bị dù hãm để bảo đảm an toàn cho máy bay khi thả từ độ cao nhỏ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 27/10 công bố phiên bản cập nhật Chiến lược Quốc phòng, Đánh giá Năng lực Hạt nhân và Đánh giá Phòng thủ Tên lửa.
Đây là các tài liệu định hướng chính sách chiến lược quân sự và quốc phòng của Washington, được công bố trong bối cảnh Mỹ đối mặt với kho vũ khí hạt nhân ngày càng hiện đại của Nga và tiến trình phát triển lực lượng hạt nhân nhanh chóng của Trung Quốc.
Trong Đánh giá Năng lực Hạt nhân, chính phủ Mỹ tuyên bố hủy bỏ chương trình phát triển tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm (SLCM-N), bất chấp sự ủng hộ của một số tướng Mỹ với khí tài này.
Được biết chương trình tên lửa này được giới thiệu trong bản đánh giá năng lực hạt nhân năm 2018.
Lầu Năm Góc hoài nghi về giá trị răn đe cũng như chi phí của SLCM-N, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang triển khai các chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân khác.
"Năng lực của chương trình này không xứng đáng với chi phí bỏ ra", Lầu Năm Góc báo cáo quốc hội Mỹ hồi tháng 4/2022.
"không còn cần thiết khi Mỹ đã có hoặc đang phát triển các loại vũ khí hạt nhân khác", Lầu Năm Góc kết luận.
Việt Hùng