Vì sao Mỹ điều tiêm kích tàng hình F-35 tới Trung Đông răn đe Iran?

Tiêm kích tàng hình F-35 cùng những khí tài hạng nặng cực mạnh khác đã được Mỹ tăng cường tới Trung Đông, động thái được cho là nhằm răn đe Iran.

Quân đội Mỹ thông báo triển khai thêm một tàu chiến cùng tiêm kích tàng hình F-35 và F-16 tới Trung Đông để ngăn Iran bắt tàu tại Vùng Vịnh. Động thái được đưa ra sau khi Tehran bắt giữ một số tàu dầu tại khu vực này.

"Bộ Quốc phòng Mỹ đang tăng cường hiện diện quân sự, năng lực giám sát eo biển Hormuz cùng các vùng biển xung quanh nhằm đối phó với mối đe dọa thường trực, cũng như cải thiện khả năng phối hợp với các đồng minh cùng đối tác", phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh ngày 17/7/2023 thông báo.

Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh

Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh

Bà Sabrina Singh cũng kêu gọi Iran "lập tức chấm dứt hành động gây bất ổn cho dòng chảy thương mại tự do trên tuyến đường thủy chiến lược" tại Vùng Vịnh. Chưa rõ vị trí triển khai của tiêm kích tàng hình F-35, F-16 mà Mỹ điều thêm tới Trung Đông và thời gian chúng đóng quân tại đây.

Mỹ quyết định điều thêm một khu trục hạm cùng tiêm kích tới Trung Đông sau khi hải quân Iran tìm cách bắt hai tàu dầu trên eo biển Hormuz và vịnh Oman ngày 5/7. Quân đội Mỹ khi đó điều khu trục hạm USS McFaul cùng một số phương tiện trinh sát can thiệp và ngăn các vụ bắt tàu.

Vụ bắt tàu gần nhất Iran thực hiện ngày 6/7 với cáo buộc buôn lậu dầu và khí đốt của nước này.

Mỹ cho biết Iran quấy rối hoặc bắt khoảng 20 tàu hàng nước ngoài trong hai năm qua trên Vùng Vịnh, gọi đây là hành vi "đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải khu vực và kinh tế toàn cầu".

Tiêm kích tàng hình F-35

F-35 Lightning II là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 thứ 2 của Mỹ, sau F-22 Raptor. Dòng chiến đấu cơ tàng hình này được coi là xương sống trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu tương lai của Mỹ nhờ cơ chế tàng hình tiên tiến. Tiêm kích tàng hình này còn thể hiện sự lợi hại với khả năng tiếp liệu trên không, giúp mở rộng tối đa phạm vi hoạt động. Dù là dòng tiêm kích một động cơ nhưng khả năng mang vác vũ khí rất đáng nể, khi ở chế độ tàng hình chúng có thể mang theo 2,5 tấn, nhưng khi không ở chế độ tàng hình chúng có thể mang tối đa tới 10 tấn vũ khí.

Trong tập trận đối đầu với những tiêm kích thế kệ thứ 4 nổi tiếng như F-15 của Mỹ, Rafale của Pháp và Typhoon của Châu Âu, "chiến thần" F-35 thường thắng ở thế áp đảo. Trong thực chiến tại Afghanistan và đặc biệt tại Syria, chiến đấu cơ F-35 Lightning II cũng chứng minh đây là dòng chiến đấu cơ đáng gờm. Hiện đã có khoảng1.000 chiếc F-35 Lightning II với các biến thể khác nhau đã được sản xuất, hiện chúng vẫn đang được các quốc gia tiếp tục đặt mua.

Theo AFP, Military Today

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-my-dieu-tiem-kich-tang-hinh-f-35-toi-trung-dong-ran-de-iran-post546264.antd