Vì sao nên loại bỏ nhụy hoa loa kèn khi cắm trong nhà?

Loại bỏ phần nhụy khi cắm hoa loa kèn trong nhà là một mẹo nhỏ mang lại nhiều tác dụng mà không phải ai cũng biết.

Hoa loa kèn trắng có nguồn gốc từ Nhật Bản. Với vẻ đẹp sang trọng, hương thơm dịu nhẹ, loại hoa này được trồng phổ biến và trở thành một nét đặc trưng của Hà Nội vào mỗi dịp tháng tư về.

Hoa loa kèn trắng được nhiều người yêu thích bởi vẻ đẹp tinh khôi.

Hoa loa kèn trắng được nhiều người yêu thích bởi vẻ đẹp tinh khôi.

Đặc điểm của hoa loa kèn

Hoa loa kèn cùng họ với hoa ly; nhưng trong khi hoa ly nở quanh năm và có nhiều màu sắc khác nhau thì hoa loa kèn chỉ có màu trắng và nở rộ vào trong khoảng thời gian nhất định, thông thường vào khoảng tháng tư, tháng 5 hàng năm.

Hoa loa kèn có thân cành cứng, cao từ 60 - 100cm. Lá màu xanh đậm, thuôn dài. Hoa thường nở thành chùm từ 3 đến 10 bông, kích thước nhỏ hơn hoa ly. Giống như tên gọi, bông hoa có hình loa kèn với 6 cánh trắng muốt mọc đối xứng nhau, bên trong có nhụy và nhị màu vàng tươi rất đẹp.

Điểm hạn chế của hoa loa kèn là sau khi nở, hoa rất nhanh tàn, thường thì loại hoa này chỉ tươi được vài ngày đầu.

Hoa loa kèn có 6 cánh mọc đối xứng. (Ảnh wiki).

Hoa loa kèn có 6 cánh mọc đối xứng. (Ảnh wiki).

Ở Việt Nam, hoa loa kèn trắng được xem là biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết, trang trọng. Bên cạnh đó, hoa loa kèn cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho sự đoàn tụ, chung thủy, hạnh phúc và những điều tốt lành.

Vì sao nên bỏ nhụy khi cắm hoa loa kèn?

Trước khi cắm hoa loa kèn, bạn nên loại bỏ hết phần nhụy; đây là cách giúp hoa tươi lâu hơn. Việc cắt nhụy hoa loa kèn có tác dụng ngăn quá trình thụ phấn diễn ra, vì hoa sau khi thụ phấn thường rất nhanh tàn héo.

Những người cơ địa dễ bị dị ứng, nhất là người viêm mũi dị ứng, rất dễ gặp vấn đề sức khỏe khi hít phải phấn hoa. Việc loại bỏ nhụy trước khi cắm hoa loa kèn cũng là một cách bảo vệ họ. Mặt khác, các hạt phấn hoa màu vàng của loa kèn rất dễ rơi, nếu chúng bám vào quần áo hoặc khăn trải bàn sáng màu thì không dễ làm sạch.

Nên cắt bỏ nhụy khi cắm hoa loa kèn trong nhà. (Ảnh: Ái Vân)

Nên cắt bỏ nhụy khi cắm hoa loa kèn trong nhà. (Ảnh: Ái Vân)

Thời điểm thích hợp để loại bỏ nhụy hoa loa kèn là khi cánh hoa vừa tách ra. Thời điểm này, nhụy hoa còn cứng, phấn hoa chưa chín hẳn nên công việc này dễ thực hiện hơn. Thêm vào đó, việc loại bỏ nhụy hoa vào thời điểm này sẽ kịp tránh tình trạng phấn hoa rơi vào cánh, khiến hoa nhanh bị héo hơn.

Cách loại bỏ nhụy hoa loa kèn rất đơn giản. Người cắm hoa cần chuẩn bị khăn giấy, dùng nó quấn lấy nhụy hoa và kéo nhẹ ra, cố gắng tránh để phấn hoa rơi ra hoặc làm tổn thương cánh hoa.

Mẹo cắm hoa loa kèn tươi lâu

Ngoài việc loại bỏ nhụy hoa, còn có một số mẹo nhỏ giúp hoa loa kèn tươi lâu hơn. Trước khi cắm hoa vào bình, bạn nên dùng dao sắc để cắt vát chéo cành hoa, không nên cắt ngang. Cách làm này làm tăng diện tích tiếp xúc của cành hoa với nước, giúp hoa hút nước tốt hơn.

Tiếp đến, bạn nên loại bỏ những chiếc lá dập nát để chúng không bị phân hủy trong bình, khiến vi khuẩn sinh sôi và lây lan sang các cành hoa trong bình. Thay nước thường xuyên cũng là biện pháp quan trọng để hoa tươi lâu hơn.

Bạn nên chú ý đặt bình hoa ở chỗ mát mẻ, nhiệt độ ổn định, thoáng đãng, không có ánh sáng mạnh chiếu vào, tránh để nơi nắng nóng, có gió mạnh. Có thể cho các loại thuốc aspirin, B1, vitamin C vào trong nước để hoa tươi lâu.

Minh Phương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-nen-loai-bo-nhuy-hoa-loa-ken-khi-cam-trong-nha-ar936438.html