Vì sao Nga thay đổi thái độ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran?
Cuộc chiến Ukraine đã tạo ra cục diện đối đầu mới giữa Nga và phương Tây. Trong bối cảnh ấy, Nga có điều chỉnh cách đánh giá và tiếp cận đối với thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như quan hệ chiến lược với quốc gia Tây Á này.
Vào cuối tháng 8, Mikhail Ulyanov - Trưởng đàm phán hạt nhân của Nga tại Vienna (Áo), hối thúc Mỹ và Iran “vượt qua các khác biệt cuối cùng càng sớm càng tốt” nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Sự khuyến khích này đối lập với quan điểm của Moscow hồi tháng 3, khi Nga kêu gọi miễn thương mại Nga-Iran khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga như một phần trong thỏa thuận hạt nhân cuối cùng. Yêu cầu của Kremlin khiến đàm phán ngưng lại.
Sáu tháng sau đó, các mối quan ngại của Moscow về ngành năng lượng đã trở nên cấp bách, khi các nước châu Âu đã cam kết tẩy chay năng lượng của Nga vào cuối năm nay.
Năm 2021, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhập 2,2 triệu thùng dầu thô/ngày từ Nga. Bình thường, xuất khẩu dầu của Nga sang EU mang lại cho Moscow ảnh hưởng chính trị đối với EU. Nhưng cuộc tẩy chay nói trên đồng nghĩa với việc các nước EU tìm kiếm nhập khẩu dầu từ các nước khác, bao gồm cả dầu Iran mà thỏa thuận hạt nhân sẽ đưa vào thị trường.
Theo một ước tính của Quỹ Bảo vệ Dân chủ, trong năm đầu tiên của một thỏa thuận được khôi phục, Iran có thể xuất khẩu 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày - khoảng một triệu thùng nhiều hơn so với mức xuất khẩu hiện nay của Iran. Theo Cơ quan Thông tấn Cộng hòa Hồi giáo, 38% xuất khẩu dầu thô của Iran trong năm 2017 là sang châu Âu. Kể từ đó, do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu của Iran bị chính quyền Tổng thống Trump áp đặt lại vào năm 2018, châu Âu chưa mua bất cứ lượng dầu nào từ quốc gia Tây Á này.
Nếu tỷ lệ dầu Iran xuất khẩu sang châu Âu so với tổng dầu xuất khẩu của nước này quay trở lại mức của năm 2017, châu Âu sẽ tiếp cận được 800.000 thùng dầu thô mới mỗi ngày. Kết quả là, thỏa thuận có tiềm năng làm giảm ảnh hưởng của Nga đối với EU và cho phép các nước châu Âu tách khỏi dầu Nga mà ít phải chịu đau đớn trong mùa đông này.
Lý do của sự điều chỉnh từ phía Nga
Dưới ánh sáng của thực tế này, vì sao điện Kremlin thay đổi thái độ đối với thỏa thuận hạt nhân?
Câu trả lời có thể là sự đánh giá của Nga đối với chi phí và lợi ích từ thỏa thuận này đã thay đổi.
Nhưng nếu thỏa thuận hạt nhân Iran làm giảm ảnh hưởng của Nga đối với châu Âu, Moscow vẫn có thể thu lợi từ việc làm hồi sinh thỏa thuận này theo 5 hướng sau:
Thứ nhất, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã giới hạn tiếp cận của Moscow đối với hệ thống ngân hàng quốc tế. Nếu Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp lên Iran, Moscow có thể tiếp cận mạng lưới tài chính quốc tế thông qua Iran. Tehran - một đối tác chính của Moscow, đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đối phó với lệnh trừng phạt, kinh nghiệm này Iran có thể vận dụng để hỗ trợ Moscow.
Thứ hai, việc giảm nhẹ trừng phạt trong bản thỏa thuận đã mở đường cho một hợp đồng trị giá 10 tỷ USD giữa Nga và Iran về xây dựng một cơ sở hạt nhân ở Iran. Thỏa thuận này vẫn chưa kích hoạt do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân mới sẽ cung cấp cho Iran nguồn lực để thanh toán với Nga.
Thứ ba, với lệnh cấm vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran hết hạn, Nga giờ có thể bán cho Iran một loạt các loại vũ khí thông thường có thể trị giá tới hàng tỷ USD. Trong nhiều năm, Iran đã bày tỏ ý định muốn mua các hệ thống vũ khí hiện đại của Nga. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt và việc Iran thiếu nguồn lực tài chính… đã ngăn ngừa các thỏa thuận đó cho tới nay.
Thứ tư, trong vài tháng qua, Tehran và Moscow đã tham gia nhiều cuộc thương lượng để mở rộng hợp tác về năng lượng. Giới chức Iran xác nhận Tehran và Moscow, theo thỏa thuận hạt nhân mới, có thể đổi dầu như một cách để lách qua các lệnh trừng phạt chống Nga. Trên thực tế, công ty Gazprom của Nga đã ký một thỏa thuận dầu khí 40 tỷ USD giai đoạn đầu với Iran vào tháng 7. Mặc dù việc Iran quay trở lại thị trường dầu có thể làm gia tăng áp lực lên Nga, hai bên tìm cách giảm nhẹ các tác động tiêu cực thông qua hợp tác.
Cuối cùng, việc bơm tiền quy mô lớn vào kho bạc của Iran có nghĩa rằng Tehran có thể sẵn sàng giúp đỡ được nhiều hơn cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Tehran đã sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.
Trong cuộc gặp gần đây với Tổng thống Nga Putin, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei bày tỏ ủng hộ dành cho quyết định của Kremlin phát động cuộc chiến với Ukraine. Còn hồi tháng 8, giới chức Mỹ nói rằng Iran đã bắt đầu xuất khẩu nhiều UAV chiến đấu cho Nga để Nga có thể sử dụng trong xung đột quân sự đó.
Nga, Iran và lực lượng dân quân Shiite của Iran đã chiến đấu sát cánh bên nhau ở Syria. Quan hệ chiến lược gia tăng giữa Moscow và Tehran đồng nghĩa với việc Iran tiếp cận hàng tỷ USD và có thể can thiệp mạnh mẽ hơn vào Ukraine. Khi Nga càng bị phương Tây cô lập thì Moscow có thể thấy sự ủng hộ như thế từ phía Iran là vô giá./.