Theo thông báo, khinh hạm Dự án 11356 hiện đại hóa của Nga có thể được sản xuất hàng loạt tại Kaliningrad Yantar, thông tin này đặt ra nhiều câu hỏi cần giải đáp.
Khinh hạm Dự án 11356P Burevestnik là tàu hạng 2 của Hải quân Nga, được trang bị tên lửa dẫn đường có khả năng hoạt động ở các vùng biển gần, xa và đại dương. Mục đích chính của chúng là chống lại tàu ngầm và tàu mặt nước của đối phương.
Hạm đội Biển Đen hiện có 3 chiếc - "Đô đốc Grigorovich", "Đô đốc Essen" và "Đô đốc Makarov", mặc dù loạt "đô đốc" này ban đầu được cho là có 6 chiếc, vậy chuyện gì đã xảy ra?
Hãy nhớ lại, việc phát triển khinh hạm hạng 1 đầy hứa hẹn của Dự án 22350 phải đối mặt với vấn đề kỹ thuật lớn khi gặp nhiều khó khăn và thời điểm ra mắt liên tục bị trì hoãn.
Do tính đến sự lão hóa của lực lượng tác chiến bề mặt, Hải quân Nga đã quyết định đóng 6 tàu hộ vệ tên lửa hạng 2 cho giai đoạn chuyển tiếp, đặc biệt đáp ứng nhu cầu của Hạm đội Biển Đen.
Các tàu mạnh mẽ và có công nghệ tiên tiến hơn thuộc Dự án 22350/22350M dự kiến sẽ được trang bị cho các hạm đội phía Bắc và Thái Bình Dương.
Nga kỳ vọng, giải pháp thỏa hiệp như vậy dựa trên sản phẩm xuất khẩu cho Hải quân Ấn Độ, sẽ giúp nhanh chóng hoàn thành loạt 6 chiến hạm theo kế hoạch.
Nga có trong tay toàn bộ cơ sở thành phần của con tàu, ngoại trừ thiết bị chính là động cơ - thiếu sót này cuối cùng đóng vai trò chí mạng trong việc định đoạt số phận loạt tàu "đô đốc" nói trên.
Cả khinh hạm Dự án 22350 và 11356 ban đầu đều được trang bị động cơ Ukraine do Zorya-Mashproekt ở Nikolaev sản xuất. Sau năm 2014, Kyiv đã từ chối cung cấp các động cơ hàng hải cho Nga.
Trước tình hình trên, với Dự án 22350 đầy hứa hẹn, các chuyên gia Nga đã cố gắng thực hiện thay thế nhập khẩu và hoàn thành trong một vài năm, nhưng với Dự án 11356, mọi thứ trở nên khó khăn hơn.
Trước năm 2014, Nga đã có động cơ cho 3 trong số 6 khinh hạm hạng 2 - "Đô đốc Grigorovich", "Đô đốc Essen" và "Đô đốc Makarov", nhưng "Đô đốc Butkov", "Đô đốc Istomin" và "Đô đốc Kornilov" vẫn không có "trái tim" của mình.
Phương án điều chỉnh các turbine khí từ NPO Saturn cho chúng đã được xem xét, nhưng hóa ra các con tàu sẽ phải được làm lại hoàn toàn bên trong. Việc thực hiện thay thế nhập khẩu động cơ từ đầu chỉ vì 3 khinh hạm hạng 2 cũng bị coi là không phù hợp.
Quyết định một lần nữa được coi là sự thỏa hiệp, khi tàu "Đô đốc Butkov" và "Đô đốc Istomin" chưa hoàn thiện đã được bán cho Ấn Độ, New Delhi đã thỏa thuận được với Ukraine về việc mua động cơ cho chúng.
Số phận của tàu cuối cùng trong loạt - "Đô đốc Kornilov", đang trong tình trạng lấp lửng, nhưng triển vọng không mấy xán lạn khi Ukraine giờ đây đã từ chối cung cấp động cơ cho cả những con tàu được Nga bán cho đối tác.
Và bây giờ Cục Thiết kế phương Bắc đã trình bày một cấu hình Burevestnik cập nhật. Các chuyên gia nhận thấy trên đó gồm các tổ hợp phòng không, chống ngầm cũng như tác chiến điện tử tiên tiến hơn.
Vẫn câu hỏi cũ được đặt ra là những con tàu này nên được hạ thủy với động cơ cụ thể nào?
Thực tế là doanh nghiệp Zorya - Mashproekt đã ở trạng thái tiền phá sản và sau khi hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa, họ không thể tham gia một cách hiệu quả vào bản kế hoạch ba bên để cung cấp động cơ cho New Delhi.
Với những gì diễn ra, Dự án 11356 chỉ có thể tiếp tục trong 3 trường hợp. Đầu tiên là công việc thay thế nhập khẩu động cơ cho tàu khu trục hạng 2 ở Nga. Giai đoạn thứ hai liên quan đến việc thiết kế lại chúng để nhận động cơ từ NPO Saturn.
Có lẽ bước đi trên đã được thực hiện bởi Cục thiết kế phương Bắc và thứ ba là việc Nikolaev bao giờ sẽ khôi phục sản xuất. Câu hỏi này không phải là vu vơ vì rất nhiều tàu Nga sử dụng động cơ Ukraine và đang cần sửa chữa, bảo trì.
Câu hỏi còn gây tranh cãi tiếp theo là liệu các tàu khu trục hạng 2 được cập nhật của Hải quân Nga có hữu ích hay không, hay liệu chỉ đáng đặt cược vào Dự án 22350/22350M.
Nhưng trong trường hợp hoàn thiện chiếc chiến hạm Dự án 11356 cuối cùng để xuất khẩu, liệu khách hàng nào sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra mua chúng khi hứng chịu quá nhiều rủi ro?