Vì sao ngành cơ khí Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng?

Cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất. Cơ hội phát triển đối với ngành này vẫn đang rộng mở, thế nhưng thực tế, các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.

Ngành cơ khí trong nước còn rất nhiều cơ hội để phát triển, nhưng còn nhiều bất cập "kìm" chân doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Ngành cơ khí trong nước còn rất nhiều cơ hội để phát triển, nhưng còn nhiều bất cập "kìm" chân doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Cơ hội lớn nhưng bất cập vẫn “kìm” chân doanh nghiệp

Bà Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) - nhận định: Doanh nghiệp cơ khí đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp cơ khí có ưu thế hơn khi xuất khẩu, mở rộng thị trường đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào.

Theo báo cáo của VAMI, cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.

Thực tế cho thấy, cơ hội cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển để cạnh tranh không phải không có, nhưng, hàng loạt các vướng mắc, bất cập vẫn đang “kìm” chân doanh nghiệp. Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu trên dưới 40 tỷ USD các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng.

Bên cạnh đó, ngành cơ khí nội địa Việt Nam không có được nhiều thị phần, bởi phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường chưa hoàn thiện. Đồng thời, ngành này chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác, dẫn đến cơ khí nội địa bị thua thiệt ngay trên sân nhà.

Ngoài ra, trên thực tế chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của một số doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Đồng thời thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt.

Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ tới ngành cơ khí. Trong khi đó, trình độ cơ khí chế tạo, nhất là cơ khí chính xác - trụ cột của sản xuất công nghiệp vẫn lạc hậu so với nhiều nước. Nhiều doanh nghiệp gặp không ít thách thức trong cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng…, để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Quan trọng nhất với doanh nghiệp cơ khí là thị trường

Thực tế cho thấy, ngành cơ khí là ngành xương sống của đất nước, nhưng các cơ chế để khuyến khích ngành này còn chưa đạt như kỳ vọng.

Bà Trương Thị Chí Bình nhận định, muốn ngành cơ khí trong nước phát triển phải có được thị trường, nhưng để làm được điều này đòi hỏi Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước theo hướng nếu những thiết bị nào trong nước đã sản xuất được thì kiên quyết không cho nhập khẩu.

Một số chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu theo hướng nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế. Điều này vừa tạo thị trường, vừa giúp nâng cao năng lực và sự liên kết của các doanh nghiệp cơ khí trong nước.

Ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Hà Nội bày tỏ, quan trọng nhất đối với doanh nghiệp cơ khí là thị trường. Bộ Công Thương cần định hình cho doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng, phân chia thị trường như thế nào để có cơ hội cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa. Sau đó mới mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất và cạnh tranh để từ đó tham gia chuỗi cung ứng.

Ông Nam đưa ra đề xuất mong muốn Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ sớm xây dựng chiến lược, quy hoạch để phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong thời gian sắp tới; cơ chế chính sách hỗ trợ sớm ban hành và đi vào thực tế hơn để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, mở rộng hợp tác và chia sẻ thị trường, mang lại sự phát triển bền vững.

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam, TS. Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ tịch VAMI - cho biết, trong thời gian tới, VAMI định hướng sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương để đề xuất điều chỉnh chiến lược phát triển cơ khí phù hợp giai đoạn mới; xây dựng các sản phẩm cơ khí chủ lực; đề xuất các cơ chế, chính sách để ngành cơ khí có thể cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế, quản lý dự án cũng như cung cấp máy móc thiết bị cho các dự án trọng điểm quốc gia.

Bên cạnh đó, tăng cường sự kết nối của các doanh nghiệp trong hiệp hội để phản ánh tốt nhất yêu cầu về cơ chế, chính sách; làm việc với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp.

VAMI cũng sẽ tập trung đề xuất với Chính phủ có cơ chế, chính sách nội địa hóa các sản phẩm mà đất nước có nhu cầu thị trường lớn trong giai đoạn tới như điện gió, điện khí, giao thông đường sắt, nhà ga hàng không, cảng biến, máy nông nghiệp… Đề xuất lộ trình nội địa hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, trên cơ sở đó giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực, làm chủ thị trường nội địa, tạo đà cho xuất khẩu.

Cục Công nghiệp cũng đưa ra giải pháp, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.

Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng./.

Theo Báo Kiểm toán

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/vi-sao-nganh-co-khi-viet-nam-van-chua-phat-trien-nhu-ky-vong.html