Vì sao ngập úng ở Phan Rí Thành, Phan Hòa kéo dài khi mưa?
Do sông Đồng đoạn hạ nguồn bị xâm lấn thu hẹp dòng chảy và không được nạo vét, mở rộng nên chậm thoát nước, ảnh hưởng việc sản xuất của Phan Hòa, Phan Rí Thành mỗi khi mùa mưa.
Ngập úng
Phan Rí Thành và Phan Hòa là 2 xã phía bắc huyện Bắc Bình tiếp giáp nhau nằm dọc theo sông Đồng. Với Phan Rí Thành có tổng diện tích đất tự nhiên 2.287,52 ha. Trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn phân nửa, trải đều trên địa bàn xã bao gồm dọc sông Đồng, giáp ranh đất sản xuất của xã Phan Hòa, nơi có tổng diện tích đất nông nghiệp 2.120 ha. Khu vực giáp ranh này thường xuyên xảy ra nạn ngập úng vào mỗi mùa mưa. Trận mưa tuần qua Phan Hòa và Phan Rí Thành ước sơ bộ ngập khoảng 700 ha lúa 5 – 20 ngày tuổi. Phó Chủ tịch UBND xã Phan Rí Thành - Phạm Trọng Tùng cho biết sau trận mưa ngừng trút nước một ngày, ước tính diện tích bị ngập úng của xã khoảng 300 ha, chúng tôi đang chờ nước rút đi mới đánh giá được mức độ thiệt hại.
Ngập úng nhiều diện tích lúa ở thượng nguồn xã Phan Hòa, Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình.
Việc ngập úng này không phải chuyện hôm nay mà như đã trở thành muôn thuở của 2 xã mỗi mùa mưa. Nhất là xã Phan Hòa, nơi thượng nguồn nếu dòng chảy của con sông không thoát nước kịp. “Trước kia cứ mưa xuống là ngập, có khi cả tuần nước mới rút hết. Hiện nay chỉ khoảng 3 – 4 ngày nước đã rút do đoạn sông Đồng ở phía thượng nguồn cũng như đoạn khu vực địa phận xã đã được dọn dẹp, nạo vét khơi thông dòng chảy, nhờ nguồn vốn của dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận, do Vương quốc Bỉ tài trợ”, Chủ tịch UBND xã Phan Hòa - Bá Hoàng Anh Tuân cho biết.
Dự án trên là một phần trong Hợp tác phát triển của Bỉ, hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau suốt 4 thập kỷ qua. Trong đó đã lựa chọn Bình Thuận và Ninh Thuận là 2 trong số các địa phương ở khu vực Nam Trung bộ hỗ trợ trong lĩnh vực hệ thống hồ chứa và kênh thủy lợi, cải thiện điều kiện vệ sinh và bảo vệ môi trường và nay là quản lý nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Từ nguồn vốn của dự án này các ngành có liên quan đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng, nạo vét khơi thông nhiều sông, ngòi, kênh, rạch, trong đó có đoạn đầu nguồn sông Đồng, xã Phan Hòa được khơi thông dòng chảy vào năm 2018. Hiện còn đoạn hạ nguồn của con sông, đến nay chưa được khơi thông mở rộng dòng chảy.
Cần phải khơi thông
Con sông Đồng đang như một chiếc chai mà đoạn hạ nguồn đổ ra biển là “cổ chai” bị cây cối, bụi rậm, hoạt động nuôi tôm thu hẹp lại. Thực trạng diễn ra nhiều năm qua, UBND xã Phan Hòa, nơi bị ngập lụt nặng nề nhất đã kiến nghị với ngành chức năng nhưng chưa được giải quyết. “Ngập lụt ở đây do hạ nguồn sông Đồng không được khơi thông, tình trạng nuôi tôm, bụi rậm 2 bên sông ảnh hưởng lớn đến dòng chảy. Chúng tôi kiến nghị, UBND huyện đã ghi nhận, nhưng đến nay chưa làm được, vì muốn làm phải phối hợp với huyện Tuy Phong”, ông Tuân cho biết.
Dòng chảy con sông bị thu hẹp.
Vì thế, ngập lụt ngày càng trầm trọng hơn trên những thửa ruộng canh tác của xã Phan Hòa, Phan Rí Thành khi hiện nay đang có thêm vấn nạn xâm lấn bãi sông kè bờ bồi đất nền. Đây là một thực tế tại đoạn ven sông gần cầu Nam ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy, chưa kể các hộ nuôi tôm và chướng ngại vật khác. Chủ tịch UBND xã Hòa Minh (huyện Tuy Phong) Huỳnh Đoàn Thanh Trí cho biết, Hòa Minh có diện tích nuôi tôm khoảng 20 ha, nhưng phần lớn người dân không trực tiếp làm mà cho các hộ ở nơi khác đến thuê. Vấn đề liên quan tắc nghẽn dòng chảy của con sông Đồng, nếu nạo vét khơi thông, huyện Tuy Phong phối hợp với huyện Bắc Bình thực hiện”.
Theo đó, các xã giáp ranh, nhất là 2 xã Phan Hòa và Phan Rí Thành đang trông chờ vào ngành chức năng xem xét khơi thông đoạn hạ nguồn. Nếu được thì đây cũng là một phần trong nỗ lực ứng phó thiên tai giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ. “Ngập úng là một trong những vấn đề bức xúc nhất của chúng tôi, đề nghị các sở, ban ngành, địa phương có liên quan sớm giải quyết để mỗi mùa mưa không ảnh hưởng đến việc sản xuất của 2 xã”, cử tri Bá Minh – Trưởng Ban thanh tra xã Phan Hòa kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và huyện trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
Sông Đồng, gọi theo tiếng đồng bào Chăm Phan Hòa, bắt nguồn từ những con suối trên thượng nguồn xã Phan Hòa, chảy xuống hạ nguồn, nơi có 3 xã gồm Phan Rí Thành, Hòa Minh, Phan Rí Cửa của 2 huyện Bắc Bình và Tuy Phong, ngăn cách bởi cây cầu Nam, trước khi đổ ra biển.