Vì sao ngày càng nhiều người trẻ mắc mỡ máu cao mà vẫn tưởng mình khỏe?

Nếu bạn cho rằng mỡ máu cao là bệnh của người trung niên, cao tuổi thì hãy nghĩ lại vì ngày càng nhiều người trẻ, thậm chí mới ngoài 20-30 tuổi, đang phải đối mặt với căn bệnh này mà không hề hay biết.

Mỡ máu cao đang âm thầm tấn công cả người trẻ tuổi, dân văn phòng và những người tưởng như rất khỏe mạnh. (Ảnh: iStock)

Mỡ máu cao đang âm thầm tấn công cả người trẻ tuổi, dân văn phòng và những người tưởng như rất khỏe mạnh. (Ảnh: iStock)

Rối loạn mỡ máu, hay còn gọi là tăng lipid máu, đang ngày càng trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng trong xã hội hiện đại. Một báo cáo mới nhất từ Điều tra Quốc gia các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam cho thấy tình trạng rối loạn mỡ máu đang diễn biến theo chiều hướng rất đáng lo ngại.

Cụ thể, tỷ lệ người dân có cholesterol máu cao (cholesterol toàn phần từ 5,0 mmol/L trở lên hoặc đang sử dụng thuốc hạ mỡ máu) đã tăng nhanh từ 30,2% lên 44,1% chỉ trong vòng vài năm gần đây.

Con số này báo động một thực trạng đáng chú ý: mỡ máu cao không còn là căn bệnh của riêng người cao tuổi mà đang âm thầm tấn công cả người trẻ tuổi, dân văn phòng và những người tưởng như rất khỏe mạnh.

Thống kê từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương và một số bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội trong 5 năm gần đây cho thấy số ca bị mỡ máu cao ở người dưới 40 tuổi tăng khoảng 15-20% mỗi năm. Đáng lo hơn, không ít bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe hoặc cấp cứu vì đột quỵ sớm.

 Nhiều bệnh nhân không hề biết mình bị mỡ máu cho đến khi làm xét nghiệm. (Ảnh minh họa; iStock)

Nhiều bệnh nhân không hề biết mình bị mỡ máu cho đến khi làm xét nghiệm. (Ảnh minh họa; iStock)

Sự gia tăng nhanh chóng này đồng nghĩa với việc gần một nửa dân số Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh tim mạch nguy hiểm như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt và hiệu quả, gánh nặng bệnh tật do rối loạn mỡ máu và các biến chứng tim mạch sẽ ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và hệ thống y tế.

Vì sao nhiều người trẻ mắc mỡ máu cao?

Thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn

Đồ ăn nhanh, trà sữa, thực phẩm chiên rán, snack mặn ngọt đang trở thành món khoái khẩu của giới trẻ thành thị. Tuy nhiên, những món này chứa nhiều chất béo bão hòa và transfat - thủ phạm chính khiến cholesterol xấu tăng cao trong máu.

Một khảo sát về thói quen ăn uống của thanh niên Việt Nam năm 2024 cho thấy 64% người trẻ ăn đồ chiên rán từ 2-3 lần/tuần và tiêu thụ đồ uống ngọt gần như mỗi ngày.

Lối sống ít vận động, ngồi nhiều

Với đặc thù công việc văn phòng, dân công nghệ hay học sinh, sinh viên ngày nay dành trung bình hơn 8 tiếng/ngày ngồi một chỗ. Ít vận động khiến quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể chậm lại, tăng tích tụ mỡ nội tạng và mỡ máu.

Stress, thức khuya và rối loạn đồng hồ sinh học

Áp lực công việc, học tập cùng thói quen ngủ muộn, dậy trễ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan - cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp và chuyển hóa cholesterol. Căng thẳng và thiếu ngủ kéo dài làm tăng cortisol, kích thích gan sản xuất nhiều cholesterol xấu hơn.

Uống rượu bia, hút thuốc lá sớm

 (Ảnh minh họa: iStock)

(Ảnh minh họa: iStock)

Dù WHO đã cảnh báo, nhưng tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ hút thuốc và sử dụng rượu bia đang ở mức cao nhất Đông Nam Á. Chất cồn và nicotine không chỉ làm rối loạn mỡ máu mà còn khiến mạch máu tổn thương, thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa sớm.

Hậu quả của mỡ máu cao ở người trẻ

Điều đáng nói, mỡ máu cao ở người trẻ rất khó phát hiện vì hầu hết không có triệu chứng rõ rệt. Khi bệnh kéo dài mà không kiểm soát, người trẻ sẽ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm. Đó là:

Tăng nguy cơ xơ vữa động mạch sớm, dễ dẫn đến đột quỵ não, nhồi máu cơ tim khi mới ngoài 30-40 tuổi

Gây gan nhiễm mỡ, tiểu đường type 2 - những bệnh lý vốn tưởng chỉ gặp ở người lớn tuổi

Rối loạn chuyển hóa và béo phì kéo theo loạt hệ lụy về huyết áp, tim mạch, sức khỏe sinh sản.

 Mỡ máu cao kéo dài dễ dẫn tới rối loạn chuyển hóa và béo phì. (Ảnh minh họa: iStock)

Mỡ máu cao kéo dài dễ dẫn tới rối loạn chuyển hóa và béo phì. (Ảnh minh họa: iStock)

Một báo cáo tại Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận trong các ca nhồi máu cơ tim cấp nhập viện dưới 40 tuổi, có tới 72% bệnh nhân có mỡ máu cao mà không biết trước.

Nhận diện sớm để kiểm soát từ bây giờ

Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo người trẻ không nên chủ quan với mỡ máu cao. Dù không có triệu chứng, nhưng nếu bạn nằm trong số những người thường xuyên ăn đồ chiên rán, đồ ngọt; ít vận động; thừa cân, béo bụng; thường xuyên stress, thức khuya hoặc có người thân từng đột quỵ, tim mạch sớm thì nên đi kiểm tra mỡ máu định kỳ bắt đầu từ năm 25 tuổi.

Ngoài ra, cần điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, tăng cường rau xanh, cá béo, hạt dinh dưỡng và duy trì vận động 30 phút/ngày sẽ giúp kiểm soát cholesterol tốt hơn.

Rối loạn mỡ máu hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu được phát hiện sớm và kiểm soát đúng phương pháp. Một chế độ ăn uống cân bằng, tập luyện hợp lý và khám sức khỏe định kỳ, sẽ giúp người trẻ xây dựng được nền tảng sức khỏe vững chắc cho tương lai, đảm bảo một cuộc sống chất lượng và bền vững./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-ngay-cang-nhieu-nguoi-tre-mac-mo-mau-cao-ma-van-tuong-minh-khoe-post1039273.vnp