Vì sao ngồi nhiều gây đau lưng, có nguy hiểm không?
Hình ảnh nhân viên văn phòng làm việc trước màn hình máy tính suốt 8 tiếng mỗi ngày đã trở nên quá quen thuộc. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng chính thói quen làm việc này đang là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là đau lưng.
Nhiều người trẻ hiện nay thường xuyên gặp phải những cơn đau âm ỉ vùng lưng dưới, mông và đùi. Cơn đau khởi phát từ sâu bên trong, tăng dần mỗi khi ngồi lâu hoặc sau một ngày làm việc căng thẳng.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy – cựu bác sĩ Đội tuyển Quốc gia và U23 Việt Nam, nhà sáng lập Trung tâm Y học thể thao Starsmec cho biết đây là hậu quả của việc cơ thể bị giữ trong trạng thái bất động quá lâu, khiến hệ cơ – xương – khớp suy yếu, giảm chức năng nâng đỡ dễ dẫn đến tổn thương cấu trúc cột sống.
“Cơ thể con người được sinh ra để vận động. Khi bạn ngồi lì trước máy tính suốt nhiều giờ, toàn bộ vùng cơ bụng, cơ lưng bị tê liệt, mất khả năng kiểm soát và trở nên yếu đi. Điều này khiến cột sống phải gồng lên để chống đỡ toàn bộ sức nặng phần trên cơ thể, dẫn đến đau nhức và về lâu dài là thoái hóa”, bác sĩ Thủy lý giải.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy – cựu bác sĩ Đội tuyển Quốc gia và U23 Việt Nam, nhà sáng lập Trung tâm Y học thể thao Starsmec
Không chỉ ngồi nhiều, việc ngồi sai tư thế cũng là yếu tố nguy hiểm thường bị bỏ qua. Theo quan sát của bác sĩ Thủy, phần lớn bệnh nhân không duy trì được tư thế làm việc chuẩn. Nhiều người thường gù lưng, cúi đầu sát màn hình, hoặc dùng bàn ghế không phù hợp khiến cơ thể luôn trong trạng thái “gồng”, tạo áp lực liên tục lên vùng thắt lưng.
Thêm vào đó, thói quen không vận động, không nghỉ giữa giờ, làm việc trong môi trường kín thiếu ánh sáng cũng khiến hệ cơ – xương – khớp bị "bỏ đói", không được phục hồi.
Tình trạng đau lưng nếu kéo dài không đơn thuần là biểu hiện cơ học. Nhiều người đến khám trong tình trạng đau nhức lan từ vùng thắt lưng xuống hông và chân, tê bì các ngón chân, mất ngủ kéo dài. Khi thăm khám kỹ hơn, bác sĩ phát hiện nguyên nhân đến từ các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, đau dây thần kinh tọa, hay thậm chí là thoái hóa sớm.
Đặc biệt, có đến 60 – 70% các ca đau lưng do ngồi lâu được xác định bắt nguồn từ tình trạng thoát vị đĩa đệm khi lớp nhân nhầy giữa các đốt sống bị vỡ, chèn ép vào dây thần kinh, gây đau lan và tê buốt kéo dài.
Thoái hóa cột sống cũng là một bệnh lý đáng lo ngại, thường gặp ở người làm việc trong tư thế tĩnh tại, ít vận động. Theo bác sĩ Thủy, không ít bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đã xuất hiện dấu hiệu thoái hóa như đau âm ỉ vùng thắt lưng, cứng khớp sau khi ngồi lâu hoặc khi thời tiết thay đổi.
Một số khác lại bị đau thần kinh tọa, cơn đau bắt đầu từ lưng dưới rồi lan xuống mông, đùi, thậm chí cả bàn chân, khiến việc đi lại, vận động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Làm thế nào để nhận biết tình trạng đau lưng nguy hiểm?
Theo khuyến cáo từ bác sĩ Thủy, nếu các cơn đau xuất hiện nhiều lần, không thuyên giảm khi nghỉ ngơi, kèm theo cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ hoặc tê liệt một phần cơ thể, người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa để xác định chính xác nguyên nhân.
“Bệnh nhân thường được khám lâm sàng kết hợp với chụp X-quang, CT hoặc MRI để phát hiện tổn thương ở xương, đĩa đệm hay dây thần kinh. Một số trường hợp đặc biệt còn được chỉ định xét nghiệm chuyên sâu như đo điện cơ, mật độ xương hoặc xét nghiệm viêm”, bác sĩ Thủy cho biết.

Ảnh minh họa
Đau lưng do ngồi nhiều điều trị thế nào?
Việc điều trị đau lưng do ngồi nhiều không thể chỉ dừng lại ở việc uống thuốc giảm đau.
Bác sĩ Thủy nhấn mạnh: “Cần xem xét toàn diện từ nguyên nhân cơ học đến thói quen sinh hoạt của người bệnh. Điều chỉnh lại tư thế ngồi, chọn ghế có lưng tựa đúng chuẩn, dành thời gian nghỉ giữa giờ và thực hiện các bài tập vận động đơn giản tại chỗ là những bước đầu tiên cực kỳ quan trọng”.
Ngoài ra, các phương pháp trị liệu chuyên sâu như massage, chườm nóng, vật lý trị liệu bằng sóng siêu âm hoặc kéo giãn cơ học giúp giảm viêm và thư giãn vùng cơ bị căng cứng cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, tại Starsmec, nhiều bệnh nhân được áp dụng phương pháp nắn chỉnh cột sống (Chiropractic) – một kỹ thuật phổ biến tại Mỹ và châu Âu, giúp đưa cấu trúc đốt sống trở về đúng vị trí, giải phóng chèn ép mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật.
Tập luyện thể chất đúng cách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và phòng ngừa đau lưng. Các bài tập như tư thế rắn hổ mang, con mèo, cây cầu,… được bác sĩ khuyến nghị thực hiện mỗi ngày, giúp tăng sức bền vùng lưng dưới và giảm áp lực cho cột sống. Đồng thời, việc bổ sung dưỡng chất cần thiết như canxi, vitamin D3 và magiê cũng góp phần cải thiện sức khỏe xương khớp.
“Đau lưng không còn là chuyện của người lớn tuổi. Với lối sống hiện đại, dân văn phòng cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe cột sống ngay từ khi còn trẻ. Chỉ cần thay đổi vài thói quen nhỏ mỗi ngày, bạn đã có thể bảo vệ được hệ cơ – xương – khớp khỏi những tổn thương không đáng có”, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy khuyên.