Vì sao người dân dần xa rời các bến xe khách liên tỉnh?
Lượng xe khách cố định liên tỉnh vào các bến xe và lượng khách qua các bến xe khách trên địa bàn Hà Nội giảm mạnh trong vài năm trở lại đây. Cá biệt, có bến xe lớn như Gia Lâm lượng khách giảm đến 72%.
Bến xe dần vắng khách do xe hợp đồng trá hình?
Thông tin tại tọa đàm “Vì sao hành khách chưa quay trở lại bến xe” do báo Giao thông tổ chức vào 24/4, ông Trần Hoàng, Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội thông tin, kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, xe khách liên tỉnh tuyến cố định và lượng khách đến các bến xe do Công ty quản lý, vận hành giảm rất mạnh.
Cụ thể, năm 2023 tại các bến xe của CP Bến xe Hà Nội (Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm) giảm 300.000 lượt/3 bến, chiếm 28%. Trong đó, tùy theo từng bến, có bến Mỹ Đình giảm trên 30%; Bến xe Giáp Bát giảm 25% còn Bến Gia Lâm giảm gần 50%.
Về hành khách, mức độ ảnh hưởng trầm trọng hơn, số lượng giảm trên toàn công ty là 52%, trong đó Bến Gia Lâm giảm gần 70%. Cùng đó là các vấn đề sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là con số rất đáng lo ngại.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm, trước dịch Covid-19 ngày thường bến xe đón khoảng 600-700 lượt xe, riêng dịp lễ tết là trên 900 lượt nhưng nay chỉ còn 250-300 lượt xe/ngày. Riêng trong tháng 3-4 này là trên 400 lượt xe/ngày, tỉ lệ giảm gần 50%.
Về nguyên nhân khiến lượng hành khách vào bến xe sụt giảm mạnh ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã quy định rõ các điều kiện cho các loại hình kinh doanh vận tải.
Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư 58 quy định xe kinh doanh vận tải phải có màu biển số riêng.
Theo ông Hùng, số lượng xe hợp đồng gia tăng so với xe tuyến cố định lên đến hàng chục nghìn xe, chưa kể còn xuất hiện loại hình xe ghép, xe tiện chuyến cũng đang cạnh tranh không công bằng với xe tuyến cố định. Những xe này thậm chí còn không đổi màu biển số theo quy định. Những loại hình vận tải này cùng lúc hoạt động, gây xung đột với nhau.
Trong khi đó, nhu cầu người dân tăng cao, điều kiện quản lý xe hợp đồng lỏng lẻo khi không phải đăng ký xin vào nốt, không đăng ký luồng tuyến, lái xe không bị kiểm soát, văn phòng đại diện mọc khắp nơi như một bến xe thu nhỏ.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp xe hợp đồng trá hình tổ chức đón khách, bán vé, lập các văn phòng đón/trả khách gây ra sự hỗn loạn, không thể quản lý được.
"Tôi đồng ý là cần phải hướng đến những gì người dân yêu thích, ưa chuộng sử dụng nhưng vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện, do đó, cần phải quản lý các loại phương tiện trên, đồng thời giải pháp đảm bảo quyền lợi, hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp và người dân", ông Hùng kiến nghị.
Xe khách liên tỉnh và bến xe cũng cần phải thay đổi
Trao đổi về vấn đề này, ông Lập cho rằng, trước dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải không bỏ bến ra ngoài. Nhưng sau đại dịch, khách không vào bến xe nữa, trong khi lượng xe hợp đồng trá hình tăng. Như vậy, có thể nhận định bến xe vắng vẻ là do hoạt động vận tải trá hình gia tăng mạnh. Loại xe này đến tận nhà đón khách mang tới sự tiện lợi. Nếu doanh nghiệp vận tải tuyến cố định làm được việc đón khách tận nơi sẽ rất tốt.
Thực tế, hầu hết doanh nghiệp xe hợp đồng trá hình hiện nay đều tách ở doanh nghiệp tuyến cố định ra. Đây là do công tác quản lý xe trá hình chưa đến nơi đến chốn nên nhóm này mới lôi kéo được khách từ bến xe.
Nêu khó khăn trong kiểm tra, xử lý, ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, để chứng minh hành vi vi phạm của xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe limousine "lách luật" hoạt động trái phép không dễ và mất nhiều thời gian.
Hiện đã có nhiều quy định về việc các xe hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình, phải gửi hợp đồng trước khi thực hiện chuyến đi tới cơ quan chức năng để cơ quan quản lý giám sát.
"Chúng ta đang thực hiện những quy định này, song có doanh nghiệp tìm nhiều cách né tránh... Để xác định vi phạm, phải kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp, văn phòng đại diện mới xác định được hành vi vi phạm", ông Hiệp nói.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà vào bến không phải vì họ không muốn vào mà do bến xe có rất nhiều điều kiện chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng như của hành khách.
“Nói về vận tải, chúng ta mới nhìn một góc bến xe và doanh nghiệp nhưng ở góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi nhìn nhận tổ chức vận tải là bài toán tổng thể của phát triển đô thị”- bà Hiền nêu quan điểm.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng, chúng ta cũng cần tìm cách để làm sao việc tổ chức vận tải liên tỉnh thu hút hơn. Xe tuyến cố định có tính ưu việt như thế, ta cần làm rõ vì sao lại bị xe hợp đồng trá hình cạnh tranh? Các đơn vị tuyến cố định phải nhìn nhận lại mình vì khách hàng có quyền lựa chọn.
"Chúng tôi đã họp với các đơn vị bến xe, doanh nghiệp vận tải để bàn về việc thu hút hành khách trở lại bến, thu hút thêm khách hàng mới. Nhiều đơn vị vận tải hiện nay không quảng bá hình ảnh thì khách không thể biết tới.
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu app cho xe trung chuyển đến các bến xe để thời gian tới có thể thực hiện công tác quản lý, tăng cường hiệu quả hơn", ông Tuyển thông tin.
Theo thống kê từ Sở GTVT Hà Nội, mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ kết nối từ Hà Nội đi 41 tỉnh với 897 tuyến vận tải, 502 đơn vị vận tải, 3.303 phương tiện, 3.556 chuyến/ngày. Trong đó, có 52 đơn vị vận tải thuộc Hà Nội với 730 xe từ 6 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa và Sơn Tây và Nước Ngầm.