Vì sao người Kurd hoàn toàn 'bất lực' trước các đòn không kích của Thổ Nhĩ Kỳ?
Trong chiến dịch không kích mới đây nhất tại khu vực Đông Bắc Syria, các phi cơ chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công mà không gặp phải sự phản kháng nào đáng kể. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, các lực lượng người Kurd luôn chật vật tìm cách tăng cường phòng thủ trên không.
Các phi cơ chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm 9/10 vừa qua đã càn quét các thị trấn mà người Kurd kiểm soát, trong khi bộ binh của Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai dọc biên giới giữa nước này với Syria. Cuộc không kích, pháo kích cùng nhiều đòn tấn công khác đã khiến ít nhất 23 người Kurd thiệt mạng trong đó gồm nhiều thành viên của lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria (SDF) mà Mỹ hậu thuẫn cùng 9 thường dân.
Đáng chú ý, đòn không kích của Thổ Nhĩ Kỳ không gặp phải bất kỳ sự phản kháng nào đáng kể. Điều này là do người Kurd không có một hàng phòng không hiệu quả. Trong lúc mà bom trút xống như mưa, giới chức người Kurd đã phải đề nghị Mỹ thiết lập vùng cấm bay ở khu vực biên giới.
“Chúng tôi yêu cầu lập vùng cấm bay ở khu vực của mình” – ông Sinam Mohamad, đồng chủ tịch Hội đồng Dân chủ Syria, nhánh chính trị của SDF, nói trước báo giới – “Ít nhất chúng tôi sẽ không hứng chịu tổn thất sinh mạng của thường dân”.
Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối bảo vệ SDF – bên đã mất hàng nghìn chiến binh trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà Mỹ phát động ở Syria. Rất nhiều chiến binh SDF cũng là thành viên của nhóm vũ trang YPG mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.
Ông Trump đã phản bác lại lời kêu gọi giúp đỡ người Kurd chống lại đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ mà đảng Cộng hòa đưa ra. “Họ không hề giúp đỡ chúng ta trong Thế chiến II” – ông Trump nói về người Kurd.
Không có yểm trợ trên không của Mỹ, người Kurd ở miền Bắc Syria gần như không có chút sức phòng thủ nào trước phi cơ và trực thăng chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 12/2016, SDF từng chính thức đề nghị Mỹ cung cấp cho họ các loại tên lửa đối không như Stinger. Kể từ đó đến nay phía Mỹ vẫn không đoái hoài tới đề nghị này, thay vào đó họ cung cấp cho SDF nhiều phương tiện, súng máy và rocket chống tăng... Những thứ vũ khí này sẽ là mối đe dọa cho lực lượng bộ binh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng người Kurd cũng từng cố gắng mua về các tên lửa vác vai chống không SA-18 do Nga chế tạo. Tháng 5/2016, SDF từng công bố một đoạn video có cảnh các chiến binh của họ sử dụng SA-18 để bắn hạ một trực thăng chiến đấu Cobra của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến nay vẫn chưa ai biết được tên lửa SA-18 từ đâu mà có. Các tổ chức vũ trang ở Syria thường nhận được vũ khí từ nhiều chính phủ nước ngoài, mua từ “chợ đen” hoặc đánh cắp từ kho vũ khí của phe phái đối lập… Trong những năm 1990, Đảng Lao động người Kurd (PKK) đã có trong tay nhiều tên lửa vác vai SA-7, và dù chưa từng được sử dụng nhưng có khả năng là giờ không còn tồn tại nữa.
Do không có các loại tên lửa chống không, người Kurd buộc phải sử dụng các loại súng máy hạng năng để diệt máy bay. Vào ngày 10/2/2018, các chiến binh của nhóm này ở Afrin đã bắn hạ một trực thăng T129 của Thổ Nhĩ Kỳ bằng súng máy.
Nhưng không chỉ có người Kurd mới gặp phải vấn đề trong phòng không, khi mà gần như tất cả các phe phái nổi dậy trên khắp Syria đều không sức phản kháng trước đòn không kích của chính phủ.
Zeyad Haaj Abayed – một cựu quan chức trong lực lượng không quân Syria – từng đào ngũ để gia nhập nhóm nổi dậy Quân đội Giải phóng Syria (FSA). Ngày nay, FSA đang chiến đấu sát cánh với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Và kinh nghiệm chiến đấu của ông Abayed hoàn toàn phù hợp với một đạo quân được trang bị hạng nhẹ như SDF.
“Tôi biết cách nhắm bắn một chiếc phi cơ khi nó đến tấn công mục tiêu” – ông Abayed nói trong năm 2013 – “Phải chờ tới khi máy bay quay đi sau một đòn tấn công, và bắn ngay vào đuôi của nó”.
Nhưng ông Abayed nói chiến thuật phòng không tốt nhất vẫn là tấn công vào các căn cứ không quân của địch và diệt hết các máy bay đang đậu, phá hủy đường băng hoặc tập kích các máy bay trực thăng khi chúng vừa hạ xuống. Các nhóm nổi dậy Syria cũng thành công trong việc sử dụng các tên lửa vốn dùng để chống tăng để bắn hạ nhiều máy bay của chính phủ.
Các đòn tấn công mặt đất nhằm vào các căn cứ không quân từng là một lựa chọn khả thi với người Kurd khi họ chiến đấu chống chính quyền Syria, bởi các căn cứ này nằm ở trong nước. Tuy nhiên, lựa chọn này lại không thể khi đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ bởi các căn cứ không quân của họ nằm bên phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Bởi vậy mà các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tiếp tục hoành hành, và con số thương vong dưới mặt đất sẽ tiếp tục tăng.