Vì sao người lao động tự do không mặn mà với bảo hiểm xã hội?
'Lao động phi chính thức phần lớn có thu nhập bấp bênh, công việc không ổn định... là một trong những nguyên nhân khiến họ không mặn mà tham gia BHXH', ông Trần Dũng Hà nhìn nhận.
Ngày 9/6, tại tọa đàm “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức” do báo Kinh tế và Đô thị cùng Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tổ chức ở TP.HCM, ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay rất thấp.
Năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc mà BHXH TP.HCM phát triển được khoảng 2,6 triệu người, người tham gia BHXH tự nguyện là 61.000 người. Tính đến tháng 5, lao động bắt buộc tham gia BHXH khoảng 2,5 triệu người, trong khi số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ 31.000 người. “Trong khi chỉ tiêu BHXH Việt Nam phát triển BHXH tự nguyện tại TP.HCM là 61.000 người, nhưng đã đến giữa năm 2023 chỉ mới đạt 31.000 người. Con số rất thấp”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, lý do khiến nhiều lao động khu vực phi chính thức không mặn mà với BHXH tự nguyện bởi vì thời gian đóng BHXH kéo dài, sau khi đóng đủ năm phải chờ đến đủ tuổi để được nhận lương hưu.
Bên cạnh đó, để có thể tham gia BHXH tự nguyện, lao động phải có nguồn tài chính vừa đủ đảm bảo nhu cầu sống vừa phải dư một khoản để đóng BHXH. Bên cạnh đó, nhiều người không nhận thức được tầm quan trọng khi tham gia BHXH tự nguyện. Chính những lý do này khiến lao động khu vực phi chính thức chưa mặn mà với BHXH.
Giải pháp để nâng cao người tham gia BHXH tự nguyện, ông Hà nói rằng đây là vấn đề khó. “Để đạt được hiệu quả trong việc nâng cao tỷ lệ lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện cần kết hợp nhiều yếu tố như: chính sách, thu nhập và nhận thức. Nếu 3 yếu tố này kết hợp sẽ giúp số người tham gia BHXH tăng lên đáng kể”, Phó giám đốc BHXH TP.HCM chia sẻ.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy hiện nay cả nước có tổng số gần 18 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng bảo BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào. Điều này dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ người lao động.
Ông Phạm Anh Thắng, Phó chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết lao động khu vực phi chính thức hiện giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo.
Hiện nay, nhiều hình thức kinh tế mới ra đời (kinh tế tuần hoàn, kinh tế chuyển đổi, kinh tế chia sẻ, kinh tế số…) kéo theo lực lượng giao hàng công nghệ, bán hàng online xuất hiện nhiều. Làm sao để đưa lực lượng này vào lao động chính thức là vấn đề cần được đặt ra.
Về giải pháp, ông Thắng nói đầu tiên vẫn là nâng cao nhận thức của người lao động phi chính thức; khuyến khích chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với người lao động và để người lao động ý thức được vị thế của mình. Tăng cường giám sát thực hiện việc đóng BHXH tại cơ sở, doanh nghiệp; có chế tài xử lý mạnh hơn về việc trốn đóng BHXH. Giải pháp căn cơ là phải tăng cường đào tạo tay nghề, để người lao động tham gia thị trường lao động bền vững.
Uyên Phương/Tiền Phong