Vì sao Nhật dùng giường bìa cứng, huy chương tái chế ở Olympic Tokyo?
Từ giường làm bằng bìa cứng đến huy chương đúc từ kim loại của thiết bị di động đã qua sử dụng, Nhật Bản đã chứng minh nỗ lực bảo vệ môi trường tại Thế vận hội Tokyo 2020.
Theo Reuters, tại Olympic Tokyo 2020, huy chương vàng, bạc, đồng rèn đúc từ kim loại của điện thoại di động và nhiều thiết bị điện tử khác đã qua sử dụng được người dân đóng góp từ năm 2017.
Bục nhận huy chương của các vận động viên được làm từ chất thải nhựa. Vận động viên, quan chức và nhà báo di chuyển bằng 500 xe điện chạy bằng pin nhiên liệu hydro.
Tại làng Olympic, các vận động viên ngủ trên giường làm bằng bìa cứng. Ngôi làng này sẽ được biến thành khu chung cư sau khi Thế vận hội kết thúc, và cũng sẽ sử dụng một phần điện từ pin nhiên liệu hydro.
Trong số 43 địa điểm tổ chức Olympic Tokyo 2020, 25 địa điểm đã xây dựng từ trước đó và 10 địa điểm xây dựng tạm thời. Các công trình được làm bằng gỗ tái chế sẽ được tháo dỡ khi Olympic kết thúc, tránh tình trạng bỏ trống nhiều sân vận động hậu thế vận hội giống nhiều thành phố từng đăng cai khác.
Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 ước tính sự kiện này có thể tạo ra khoảng 2,73 triệu tấn carbon. Con số đó giảm khoảng 12% nhờ vào việc cấm khán giả xem thi đấu vì đại dịch Covid-19.
Ban tổ chức sẽ công bố số liệu phát thải cuối cùng sau Thế vận hội.
Theo phân tích công bố trên tạp chí Nature Sustainability vào tháng 4, các biện pháp có tính bền vững ngày càng ít được chú trọng trong suốt 16 thế vận hội mùa đông và mùa hè được tổ chức từ năm 1992 đến năm 2020.
Olympic Salt Lake City 2002 đứng đầu bảng, trong khi Olympic Rio de Janeiro 2016 và Olympic Sochi 2014 xếp cuối danh sách trong thực hiện các biện pháp bền vững bảo vệ môi trường.
Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) kêu gọi ban tổ chức các thế vận hội thu mua gỗ, giấy, các sản phẩm từ biển và dầu cọ để sử dụng tại sự kiện thể thao này.