Vì sao 'Nhật ký trong tù' được viết bằng chữ Hán?
PGS.TS Lê Văn Toan, nhà nghiên cứu Hán học chia sẻ, có nhiều lý do để Bác Hồ viết 'Nhật ký trong tù' bằng chữ Hán.
Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) và tròn 80 năm kể từ khi Bác Hồ viết tác phẩm Ngục trung nhật ký (1943-2023), sáng 18/5, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức tọa đàm ra mắt cuốn sách Nhật ký trong tù bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn.
PGS.TS Lê Văn Toan, nhà nghiên cứu Hán học chia sẻ, có 5 lý do để Bác viết Nhật ký trong tù bằng chữ Hán.
Thứ nhất, Bác Hồ từ bé đã học tiếng Hán rất giỏi, năm 12 tuổi, Người từng có câu đối: Chung sơn vượng khí thành kiên cố/ Trắc Lĩnh đa vân thị lão niên (Núi Chung khí vượng nên bền vững, Non Lĩnh nhiều mây ắt lâu đời).
Thứ hai, Bác có 10 năm hoạt động tại Trung Quốc và trong thời gian này luôn dùng chữ Hán. Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc đã tổng hợp được 37 bài thơ chữ Hán, ngoài 133 bài trong tập Nhật ký trong tù, còn có Nguyên tiêu, Báo tiệp… rất nổi tiếng.
Thứ ba, hơn một năm bị giam hãm được hiểu như "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại" (Một ngày trong nhà giam dài bằng nghìn năm ở bên ngoài). Đây cũng là thời gian đất nước trong vòng nô lệ, cần người tài giúp sức mà Bác ở tù, không thể làm gì… nên muốn gửi gắm tâm tư.
Thứ tư, giai đoạn này mọi liên hệ giữa Bác với quê nhà Việt Nam không có, cho nên đây có thể là một nguyên nhân phải bí mật, Bác cần giữ kín tung tích.
Thứ năm, Bác muốn dùng chữ Hán để viết nhật ký, rèn trí nhớ, tư duy bởi mỗi chữ Hán là một bức tranh, ở đó người ta liên tưởng đến mây-nước-trăng-hoa-sông-suối cùng các mối quan hệ khác.
Nhận xét về bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn, PGS.TS. Lê Văn Toan cho rằng: Quách Tấn là một nhà Nho song lại viết chữ Hán. Với bản dịch này, những trang thơ của ông được thể hiện theo lối mới lạ giúp độc giả thêm hiểu và trân trọng tài năng dịch thuật, đặc biệt là tình cảm của thi sĩ Quách Tấn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, sinh thời nhà thơ Quách Tấn từng kể lại với ông lý do dịch Nhật ký trong tù: "Quách Tấn nói: Có một người bạn ở nước ngoài gửi về tập thơ chữ Hán của Cụ Hồ do ngoài Hà Nội in. Tôi đọc kỹ phần dịch ra quốc ngữ do các bậc túc nho phía Bắc dịch, thấy có nhiều điều hay nhưng cũng có điểm chưa thật ưng ý. Với cái thú của người vốn thích dịch thơ Đường nên tôi cất công ngồi dịch lại”.
Tại tọa đàm, các diễn giả đều nhận định, giá trị lịch sử của tác phẩm gắn với thời kỳ đất nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, gắn với con người lịch sử Hồ Chí Minh. Bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn khiến chúng ta học thêm nhiều điều về vẻ đẹp của chữ Hán lâu nay vẫn được ví như bông hoa duyên dáng trong dòng văn học Á Đông.
Nhật ký trong tù là tập thơ gồm 133 bài, viết bằng chữ Hán, ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Tháng 8/1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Hồ Chí Minh với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam sang Trung Quốc công tác. Khi đến Túc Vinh, Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ. Trong những tháng ngày đó (tháng 8/1942-9/1943), Người đã sáng tác tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù).
Mỗi bài thơ là tiếng lòng của tác giả, khắc họa sâu sắc tâm hồn, những suy nghĩ, tình cảm của Bác trong thời gian bị giam cầm nơi đất khách. Đó là lòng yêu nước thiết tha, luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, mong được trở về hòa mình vào cuộc chiến đấu của đồng chí, đồng bào.
Toàn bộ tập thơ toát lên tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ý chí kiên cường, lòng quyết tâm sắt đá của Người. Tác phẩm đã trở thành bảo vật quốc gia được bạn bè quốc tế ngợi ca và dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-sao-nhat-ky-trong-tu-duoc-viet-bang-chu-han-2144690.html