Vì sao nhiều bệnh viện ở Bình Thuận nợ hàng chục tỷ đồng?

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết, Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong đang nợ hàng chục tỷ đồng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chưa quyết toán

Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận nợ hơn 31 tỷ đồng. Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã đề nghị ngân sách nhà nước cấp bù do phần cơ cấu tiền lương, phụ cấp trong giá dịch vụ kỹ thuật chưa đủ để chi lương.

Sở Y tế cũng đang phối hợp cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận rà soát, tính toán cho phù hợp, chính xác với số thực tế phát sinh trước khi tham mưu cấp thẩm quyền xem xét giải quyết, vì cơ cấu tiền lương được tính cho từng danh mục dịch vụ y tế, nên cần phải bóc tách tỷ lệ tiền lương trong từng danh mục kỹ thuật để tính toán, tổng hợp với số tiền gần 15 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận nợ hơn 31 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận nợ hơn 31 tỷ đồng.

Số tiền vượt dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2019 chưa được Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Thuận thanh toán là 1.049.856.630 đồng. Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Thuận đang xin ý kiến Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét, giải quyết cấp bổ sung.

Mua thuốc điều trị cho các đối tượng thuộc diện chăm sóc đặc biệt của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Bình Thuận trong năm 2019 - 2021 với hình thức mua trực tiếp không qua đấu thầu nên chưa thanh toán được là 64.217.200 đồng.

Tiền ăn của bệnh nhân F0 (bệnh nhân mắc COVID-19) Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đã chi trả nhưng không được phòng Lao động Thương binh và Xã hội TP. Phan Thiết chấp nhận thanh toán do thiếu chữ ký bệnh nhân theo mẫu quy định với số tiền 306.935.000 đồng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đang kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét cấp bù khoản chi phí này do nguyên nhân khách quan trong tình hình dịch bệnh phức tạp, khó kiểm soát.

Số tiền chi phí vượt trần, vượt quỹ, kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán không được Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Thuận chấp nhận thanh toán, đã được bệnh viện ghi nhận giảm doanh thu từ năm 2016 - 2022 là 14.989.853.422 đồng. Sở Y tế đang chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dẫn đến Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Thuận xuất toán.

Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận còn có 42.586.475 đồng thất thoát do nguyên nhân khách quan.

Trung tâm Y tế Tuy Phong còn nợ là 9.495.676.593 đồng.

Trung tâm Y tế Tuy Phong còn nợ là 9.495.676.593 đồng.

Riêng Trung tâm Y tế Tuy Phong còn nợ là 9.495.676.593 đồng. Theo báo cáo của trung tâm, nếu được cấp bổ sung 10.899.114.683 đồng thì mới trả hết nợ.

Trung tâm Y tế Tuy Phong muốn Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Thuận thanh toán các khoản vượt nguồn, vượt định mức kinh tế kỹ thuật, tiền giường… 4.945.986.146 đồng; khoản chi cho bệnh nhân COVID-19 là 16.833.537 đồng chưa làm thủ tục thanh toán; ngân sách nhà nước cấp bù do phần cơ cấu tiền lương, phụ cấp trong giá dịch vụ kỹ thuật chưa đủ để chi lương, phụ cấp 5.936.295.000 đồng.

Không thể đối chiếu?

Tại Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết, các khoản nợ kéo dài nhiều năm, qua nhiều lần thay đổi lãnh đạo cũng như các cá nhân phụ trách công tác kế toán nên số liệu báo cáo tài chính chưa thống nhất, chi tiết. Sở Y tế Bình Thuận cho biết, việc rà soát các số liệu hết sức khó khăn, chưa thể xác định được nên muốn tiến hành thanh, kiểm tra để làm rõ vấn đề thì phải kiểm toán độc lập.

Sở Y tế Bình Thuận đã chỉ đạo Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết xác định cụ thể các nội dung và giai đoạn cần kiểm toán độc lập, xây dựng dự toán kinh phí để báo cáo Sở Tài chính trình UBND tỉnh Bình Thuận cấp kinh phí thực hiện.

Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết có các khoản nợ kéo dài nhiều năm.

Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết có các khoản nợ kéo dài nhiều năm.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán độc lập, Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, giải quyết.

Sở Y tế Bình Thuận khẳng định, hằng năm đều có tổ chức xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước của các đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, việc xét duyệt quyết toán dựa trên cơ sở số liệu báo cáo, hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế toán đơn vị cung cấp.

Tổ xét duyệt quyết toán không có điều kiện đối chiếu, xác minh các chứng từ thanh toán; công nợ phải thu, phải trả, tạm ứng, kiểm kê quỹ tiền mặt... thủ trưởng và kế toán đơn vị chịu trách nhiệm về tính trung thực, hợp pháp của số liệu kế toán, quyết định chi và chứng từ kế toán được quy định tại Điều 66, Điều 67 Luật Ngân sách nhà nước.

Sở Y tế Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại số nợ còn tồn đọng, số tiền đề nghị ngân sách nhà nước cấp bù do phần cơ cấu tiền lương, phụ cấp trong giá dịch vụ kỹ thuật chưa đủ để chi lương, phụ cấp và khả năng thanh toán các khoản nợ báo cáo về Sở Y tế để tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, giải quyết.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-nhieu-benh-vien-o-binh-thuan-no-hang-chuc-ty-dong-post1608204.tpo