Vì sao nhiều dự án điện khí LNG chậm tiến độ?

Dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VIII, được Chính phủ giao cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, quy mô công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đây là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2024-2025. Song hiện nay dự án này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng Giám đốc PV Power, hiện khó khăn lớn nhất trong triển khai dự án LNG Nhơn Trạch 3 và 4 đó là đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), giữa PV Power và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kéo dài và vướng mắc đến thời điểm hiện nay. Dù đã đàm phán PPA hơn 2 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện để ký kết. Vướng mắc chính có thể kể tới là việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc) từ phía EVN.

“PV Power đã chính thức đề xuất mức sản lượng bao tiêu hàng năm là 90%, và thời gian áp dụng là 15 năm kể từ khi nhà máy vận hành thương mại, điều này phù hợp với thời gian trả nợ vay của dự án. Tuy nhiên bên mua điện cho rằng, điều này chưa từng có tiền lệ, phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền. Thực tế thời gian vừa qua có nhiều vấn đề cần tháo gỡ đã làm chủ đầu tư lúng túng, vì không rõ cấp thẩm quyền để kiến nghị” - ông Nguyễn Duy Giang cho biết thêm.

Theo tìm hiểu, các chuyên gia và doanh nghiệp đầu tư dự án điện khí LNG đều cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai các dự án điện LNG hiện nay vẫn là đàm phán giá điện và bao tiêu sản lượng điện hàng năm. Bên cạnh đó, giá nhập khẩu LNG cao cũng là trở ngại để các doanh nghiệp cân nhắc.

Bởi giá LNG tăng mạnh gây khó khăn trong xác định hiệu quả dự án điện khí LNG, đàm phán giá điện để ký hợp đồng mua bán điện là khâu khó nhất. Mặt khác, theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn điện khí LNG đến năm 2030 dự kiến đạt 22.400 MW (14,9%), đồng nghĩa các dự án LNG sẽ phải đối diện với rủi ro nhập khẩu giá cao khi có biến động địa chính trị từ nay tới năm 2030.

Đại diện một doanh nghiệp LNG cho biết, hiện việc triển khai dự án LNG đang gặp phải một loạt khó khăn chưa được tháo gỡ như: khung pháp lý cho LNG chưa hoàn thiện, phê duyệt cơ chế, thu xếp vốn, xử lý chuyển đổi chủ đầu tư và sự bất cập trong việc chuyển bao tiêu LNG nhập khẩu sang sản lượng điện hàng năm, hệ thống đường ống dẫn khí…

Một nỗi lo khác nữa là dự án nguồn điện bị phụ thuộc vào tiến độ đầu tư xây dựng đường dây truyền tải của ngành điện. Có những dự án truyền tải phải xin phê duyệt chủ trương đầu tư do đi qua 2 tỉnh, nên nguy cơ chậm tiến độ là rất cao.

Trong lúc đó, nếu tiến độ đưa đường dây truyền tải vào vận hành chậm so với kế hoạch, thì dự án điện sẽ bị chậm tiến độ hoàn thành, phát sinh nhiều yếu tố rủi ro như chủ đầu tư bị nhà thầu EPC phạt ngược do chậm tiến độ đấu nối; phát sinh chi phí lãi vay, bảo hiểm, tư vấn do kéo dài thời gian xây dựng; nhà máy không giải tỏa được hết công suất phát; không đảm bảo tiến độ cung ứng điện cho hệ thống…

Gỡ vướng từ đâu?

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để tháo gỡ những vướng mắc trên, Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án điện khí LNG trong nước, tạo ra một môi trường đầu tư ổn định và thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng LNG.

Điều này có thể bao gồm các chính sách ưu đãi thuế, cơ chế hỗ trợ vay vốn và quy định rõ ràng về quy trình phê duyệt và xây dựng dự án LNG. Chính phủ có thể hỗ trợ tài chính và vốn cho các dự án hạ tầng LNG thông qua các chương trình tài trợ, quỹ đầu tư hoặc tạo ra các cơ chế hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp. Điều này giúp giảm gánh nặng tài chính ban đầu và tăng khả năng thu hồi vốn đối với các dự án LNG.

Liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc bao tiêu sản lượng, ông Nguyễn Duy Giang cho biết, dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, nên chưa có tiền lệ nào đối với hợp đồng bao tiêu về sản lượng cho loại dự án này.

Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm ban hành khung giá phát điện cho các dự án này; có cơ chế, chính sách cho phép các dự án điện khí LNG được phép chuyển ngang chi phí giá khí sang giá điện, cam kết sản lượng điện phát hàng năm (Qc) dài hạn phù hợp để đảm bảo công tác thu xếp vốn.

Đồng thời, có cơ chế cụ thể để khuyến khích đầu tư các dự án điện LNG phục vụ việc vận hành ổn định lưới điện; sớm hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm của Việt Nam trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG hay xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy điện; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh để thúc đẩy đầu tư.

Phó Tổng Giám đốc PV Power cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu không có bảo lãnh Chính phủ vừa không có bao tiêu điện, doanh nghiệp sản xuất điện khó có thể triển khai các dự án đúng tiến độ và hiệu quả được. Nếu không giải được bài toán trên, không chỉ dự án Nhơn Trạch 3 và 4, các dự án LNG khác cũng không thể triển khai được. Vì vậy, PV Power rất mong được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tạo cơ chế, mở đường cho khái niệm “sản xuất điện từ LNG”.

Quan trọng hơn, những dự án điện từ LNG cũng góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn điện đến năm 2030: Nhiệt điện LNG có tổng công suất 22.400 MW (14,9%). Như vậy, chỉ còn 7 năm nữa để các dự án LNG triển khai và đi vào vận hành, nếu như chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, chắc chắn việc triển khai các dự án LNG sẽ gặp trở ngại rất lớn.

HUY TÙNG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/vi-sao-nhieu-du-an-dien-khi-lng-cham-tien-do-post109820.html