Vì sao nhiều nam giới Thái Lan tham gia các khóa tu 'ngắn hạn'?

Vào một thời điểm nào đó trong đời, nhiều nam thanh niên ở Thái Lan trở thành nhà sư. Dù hầu hết không muốn ở lại chùa suốt đời, nhưng họ đều tự nguyện và rất nghiêm cẩn tham gia các khóa tu ngắn hạn.

Con đường báo hiếu ở xứ sở chùa Vàng

Sau khi tốt nghiệp đại học, Palath Dilokloetthanakorn, khi đó 22 tuổi, đã làm điều mà nhiều thanh niên Thái Lan khác làm trước khi bắt đầu sự nghiệp: Anh đăng ký tham gia khóa tu tại một ngôi chùa.

 Trở thành nhà sư, dù chỉ trong một thời gian ngắn, được coi là một cách báo hiếu ở Thái Lan. Ảnh: Reuters

Trở thành nhà sư, dù chỉ trong một thời gian ngắn, được coi là một cách báo hiếu ở Thái Lan. Ảnh: Reuters

“Tôi cảm thấy đó giống như một truyền thống mà tôi phải làm cho cha mẹ mình, đặc biệt là với tư cách là con trai cả của họ” - anh nói, đồng thời lưu ý rằng cha mẹ anh đã rất vui mừng vào ngày anh xuất gia.

Palath đã dành một tháng tại một ngôi chùa ở địa phương ngay sau lễ tốt nghiệp của mình. Ở Thái Lan, đây được coi là một nghi thức chuyển giao, và nhiều nam giới khác cũng chọn vào ở trong chùa hoặc thiền viện sau khi tốt nghiệp đại học, khi họ vẫn chưa tìm được việc làm và chưa có thời gian rảnh rỗi.

Uthit Siriwan, một học giả về Phật giáo Thái Lan, cho biết: “Đó là một cách để thể hiện lòng biết ơn đối với gia đình vì đã nuôi dạy họ vì người ta tin rằng việc xuất gia sẽ mang lại công đức to lớn cho cha mẹ của bạn”.

Đời sống xuất gia như thế nào?

Những người đàn ông quyết định tôn vinh truyền thống này phải chuyển đến ở trong một ngôi chùa hoặc thiền viện, cạo đầu và lông mày và đi chân trần qua các đường phố vào lúc bình minh ló dạng trong bộ áo choàng màu cam sáng để nhận thức ăn từ người dân trong cộng đồng địa phương.

Phật giáo tại Thái Lan phần lớn thuộc hệ phái Theravada, tức Tiểu thừa hoặc Nam tông theo cách gọi của người Việt. Phật giáo Theravada quan niệm rằng nhà sư không thể tự nấu ăn. Họ chỉ có thể ăn thức ăn đã được dâng tặng.

Đó chỉ là một trong hơn 227 giới luật nghiêm ngặt làm nên đời sống của một nhà sư. Những giới luật khác bao gồm tuyệt đối không quan hệ tình dục và không mưu cầu tiền bạc.

“Những người đã xuất gia đã rèn luyện bản thân về thể chất và tinh thần, họ có tinh thần tự giác, trách nhiệm và ý thức tốt hơn những người chưa xuất gia,” học giả Uthit Siriwan nói với phóng viên DW trong một phóng sự mà tờ báo Đức này dành để khám phá Phật giáo tại Thái Lan.

Đi tu để “làm mới tâm trí”

Kể lại câu chuyện của mình, chàng thanh niên Palath Dilokloetthanakorn thừa nhận rằng thời gian làm tu sĩ ở độ tuổi 20 của anh chủ yếu dành để giúp đỡ xung quanh tu viện hơn là tập trung vào giáo lý Phật giáo.

Điều này cuối cùng đã khiến anh ấy đi tu lần thứ hai khi đã 35 tuổi - một động thái mà nhiều người Thái coi là bất thường.

 Các nhà sư Thái Lan theo hệ phái Tiểu thừa đang đi khất thực để nhận đồ ăn dâng tặng từ người dân. Ảnh: AP

Các nhà sư Thái Lan theo hệ phái Tiểu thừa đang đi khất thực để nhận đồ ăn dâng tặng từ người dân. Ảnh: AP

Nhưng quay trở lại tu viện có lợi thế của nó. Uthit nói: “Nhiều người xem việc xuất gia là một trong những sự kiện trọng đại chỉ xảy ra một lần trong đời. Nhưng ngày nay, được xuất gia nhiều lần cũng giống như tham gia một khóa học để củng cố và làm mới tâm trí của bạn, đồng thời nhận được sự khích lệ và cảm hứng”.

Không có khoảng thời gian ấn định nào cho những lễ xuất gia tạm thời này - nó có thể ngắn nhất là chỉ một ngày hoặc dài nhất là vài tháng.

Cảm giác có cơ hội để làm giàu bản thân và tinh thần cũng là một trong những lý do khiến Nattapong Chaosangket, 29 tuổi, bắt đầu cuộc sống xuất gia của mình.

Ở độ tuổi của anh, việc đi tu dường như là quá muộn đối với nhiều người ở Thái Lan, nơi đàn ông xuất gia vào khoảng 20 tuổi và trước khi kết hôn. Nhưng Nattapong Chaosangket nói rằng anh là một "đứa trẻ rắc rối" ở tuổi thiếu niên và đầu những năm 20 tuổi, trước khi được làm bố.

“Giờ mới là lúc tôi nhận thấy mình cần tĩnh tâm và giác ngộ về cuộc sống. Nếu xuất gia sớm hơn, tôi có lẽ chẳng thấm được điều gì”, Nattapong Chaosangket chia sẻ.

Chuộc lại lỗi lầm và sự sám hối

Không phải tất cả những thanh niên tham gia các khóa tu đều xuất gia để làm vui lòng cha mẹ, để chiêm nghiệm về cuộc sống hoặc vì lý do tâm linh. Một số làm điều đó để thể hiện trách nhiệm đạo đức và chuộc lại lỗi lầm của mình.

Tháng trước, sau khi một cuộc diễn tập chữa cháy tại một trường học ở Bangkok khiến một học sinh thiệt mạng, ba lính cứu hỏa có liên quan đã chọn con đường xuất gia tạm thời để sám hối về vụ tai nạn.

Trong khi những người này muốn bày tỏ sự ăn năn, học giả Uthit Siriwan chỉ ra rằng một số người quy y trong giới tu sĩ và sử dụng địa vị của họ để bảo vệ bản thân khỏi những hậu quả do hành động của họ gây ra.

“Xã hội Thái Lan coi các tu viện là một lĩnh vực của sự tha thứ” - Uthit nói và cho biết thêm rằng bằng cách ở lại một ngôi chùa, những người phạm lỗi sẽ được xã hội tha thứ. Với khoảng 95% dân số Thái Lan theo đạo Phật, các nhà sư ở quốc gia Đông Nam Á này rất được kính trọng.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-nhieu-nam-gioi-thai-lan-tham-gia-cac-khoa-tu-ngan-han-post258279.html