Vì sao nhiều người giàu Mỹ thích ngân hàng Thụy Sĩ?
UBS được coi là ngân hàng bí mật quy mô hàng đầu của Thụy Sĩ. Sau thương vụ mua lại Credit Suisse, nhà băng này sẽ quản lý khối tài sản trị giá 5.000 tỷ USD.
Theo CNBC, với việc mua lại Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD, nhà băng Thụy Sĩ UBS đã sẵn sàng leo lên hàng ngũ của những ngân hàng lớn nhất toàn cầu.
UBS không xa lạ gì với những thương vụ sáp nhập bom tấn. Ngân hàng đã thâu tóm hơn 370 công ty, bao gồm cả các nhà băng đối thủ trong nước. Trong khi đó, Thụy Sĩ vẫn nổi tiếng với sự ổn định, trung lập và là nơi trú ẩn an toàn cho giới nhà giàu toàn cầu.
Quản lý hàng nghìn tỷ USD tài sản
Giờ đây, trọng tâm kinh doanh của UBS là quản lý tài sản quốc tế. Sau thương vụ mua lại Credit Suisse, ngân hàng đang quản lý khối tài sản trị giá 5.000 tỷ USD. Hơn một nửa khách hàng của UBS đến từ Mỹ.
Luật pháp Thụy Sĩ đã mang lại lợi thế cho các ngân hàng tại đây. Chủ nhà băng ở nước này buộc phải bảo vệ thông tin của khách hàng, ngay cả khi bị những chính phủ nước ngoài thúc ép.
"Các vị có thể tiếp cận hoạt động kinh doanh của họ ở Singapore, New York hay những khu vực khác. Nhưng nhìn chung, họ sẽ không bị tác động về mặt chính trị vì chính phủ Thụy Sĩ đang để họ yên", CNBC dẫn lời ông Nicolas Véron - thành viên cấp cao của cả Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Washington) và tổ chức tư vấn Bruegel (Brussels) - nhận định.
Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã tạo sức ép cho cả UBS và Credit Suisse trong việc ngăn chặn các hoạt động kinh doanh đáng ngờ. Chẳng hạn, trong thập niên 2010, UBS bị phát hiện hàng nghìn sai phạm trong một cuộc điều tra thao túng lãi suất quốc tế.
Những thách thức sau khi tiếp quản Credit Suisse
Còn với Credit Suisse, ông Andrew Kenningham tại Capital Economics mô tả nhà băng này là mảnh ghép yếu nhất trong hệ thống ngân hàng châu Âu.
Với hàng loạt quyết định sai lầm, Credit Suisse đã phải trả giá bằng hàng tỷ USD và thay máu đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Trong một thập kỷ qua, ngân hàng đã bị xử phạt vì trốn thuế và các vấn đề khác.
Vào năm 2014, Credit Suisse đã nhận tội cho phép một số khách hàng tại Mỹ trốn thuế. Ngân hàng trả 2,6 tỷ USD cho chính phủ liên bang và các cơ quan quản lý tài chính New York để dàn xếp.
Danh tiếng của ngân hàng cũng bị tổn hại nghiêm trọng sau bê bối kế toán của Luckin Coffee. Credit Suisse đóng vai trò bên bảo lãnh phát hành khi công ty Trung Quốc này lên sàn Nasdaq vào năm 2019. Luckin Coffee - từng được mệnh danh là "Starbucks Trung Quốc" - phải rời sàn Mỹ sau bê bối khai khống doanh thu.
Sự sụp đổ của quỹ đầu tư Archegos Capital cũng khiến Credit Suisse gánh lỗ 5,5 tỷ USD và hủy hoại hoàn toàn danh tiếng của nhà băng này. Một cuộc điều tra sau đó đã phát hiện ra Credit Suisse cho phép Archegos Capitol chấp nhận những "rủi ro lớn, có thể trở thành thảm họa".
Suốt nhiều năm, các cơ quan giám sát toàn cầu e ngại rằng những ngân hàng như UBS đang trở nên "quá lớn để sụp đổ". Khi các khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi Credit Suisse, nỗi sợ đó đã trở thành sự thật.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã cam kết hỗ trợ thanh khoản hơn 100 tỷ USD để UBS nhanh chóng tiếp quản Credit Suisse. Theo thỏa thuận, các cổ đông của Credit Suisse dự kiến phải đổi 22,48 cổ phiếu của ngân hàng lấy 1 cổ phiếu UBS. Một số trái chủ đang tìm cách phản đối thỏa thuận tại tòa án.
"Nhìn chung, chính phủ Thụy Sĩ đang đẩy thiệt hại về phía chủ nợ và cổ đông của Credit Suisse", ông Véron bình luận.
UBS Group AG cho biết sau thương vụ, khả năng cạnh tranh của ngân hàng trên toàn cầu sẽ gia tăng, và nhà băng này đã sẵn sàng để đối phó với những rắc rối trong và sau quá trình thâu tóm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-giau-my-thich-ngan-hang-thuy-si-post1436772.html