Vì sao nói 'thà làm chân kiến còn hơn làm miệng chim sẻ'?

Cổ nhân để lại vô vàn câu thành ngữ sinh động dùng lối ví von sâu sắc, chứa đầy nội hàm triết lý nhân sinh, khuyên bảo con người sống có chuẩn mực, trong đó có câu 'Thà làm chân kiến còn hơn làm miệng chim sẻ'.

Thà làm chân kiến

Kiến là một loài động vật nhỏ bé đến mức nếu chúng ta không chú ý thì hoàn toàn không thể nhìn thấy sự tồn tại của chúng, thậm chí chỉ cần hơi động tay động chân là đã làm tổn thương chúng.

Con kiến yếu ớt như vậy, tại sao chúng ta lại làm chân kiến?

Dù ở môi trường nào, kiến đều có thể dựa vào đôi chân của mình để tìm kiếm thức ăn, cố gắng sống sót. Do đó, kiến trở thành biểu tượng của sự cố gắng và chăm chỉ.

Thứ hai, loài kiến cũng có đặc tính kiên trì, câu “đê dài ngàn dặm bị vỡ bởi tổ kiến” cũng mô tả tinh thần cố gắng và kiên nhẫn của chúng. Dự án xây đê ngàn dặm là một công trình khổng lồ, trong khi kiến lại là một loài động vật rất nhỏ bé. Nhưng qua thời gian dài, với sự kiên trì không ngừng, chúng có thể phá hủy con đê ngàn dặm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ ba, loài kiến tuy nhỏ nhưng sức mạnh đoàn kết và sự cố gắng của chúng khiến cho chúng trở nên vô cùng mạnh mẽ.

Ví dụ, con gián có kích thước lớn hơn nhiều so với kiến, nhưng dưới sự hợp tác của một đàn kiến, chúng vẫn có thể mang con gián về tổ. Quá trình phối hợp vận chuyển diễn ra rất ăn ý, phân công công việc rõ ràng. Điều này khiến người ta ngưỡng mộ tinh thần đồng đội của bầy kiến.

Không học theo miệng chim sẻ

Chim sẻ là sinh vật có đặc tính rất tham ăn. Bạn đã từng dùng lồng bẫy chim sẻ hay chưa? Sau khi chuẩn bị thanh trúc chống đỡ chiếc lồng sắt, rồi buộc sợi dây vào lồng và đặt thức ăn bên trong bẫy ở khu vực có chim sẻ, bạn núp ở một chỗ và quan sát. Lúc đầu chim sẻ khá đề phòng, nhưng khi ăn miếng mồi trong lồng thì chúng không còn đề phòng nữa, cuối cùng đã bị dính bẫy.

Thứ hai, chim sẻ, không ngừng kêu rộn ràng trên cây, khiến người ta cảm thấy rất phiền, tượng trưng cho những người chỉ biết nói mà không biết làm.

Ví dụ, trong làm việc nhóm, có những người làm việc chăm chỉ, âm thầm đóng góp, trong khi có những người chỉ biết chỉ đạo bằng miệng hoặc lên giọng chỉ trích, những người như vậy sẽ để lại ấn tượng xấu trong mắt người khác. Khi chọn đối tượng để hợp tác trong tương lai, mọi người sẽ tránh chọn những người như vậy.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ ba, chim sẻ rất thích trộm thức ăn, chúng tận dụng mọi cơ hội để ăn cắp thành quả lao động của nông dân. Do đó, chim sẻ cũng tượng trưng cho những người lười biếng và chỉ thích ăn nhờ vào công sức của người khác. Những người này không muốn làm bất kỳ công việc nào mà họ coi là không đáng làm, họ không có nhiều năng lực và không muốn bắt đầu từ tầng dưới cùng. Người này cứ nói rằng họ không tìm được công việc phù hợp nhưng thực ra là do tính lười biếng cản trở.

Nhiều người trẻ ngày nay cũng vậy, không thể thành công ở mục tiêu cao nhưng lại không chịu làm công việc ở cấp độ thấp. Do không tìm được công việc mà họ mong muốn, họ dần dần trở thành những người “ăn bám” không làm việc gì.

Kiến chạy khắp nơi, làm việc chăm chỉ suốt đời, hợp tác đoàn kết, đạt được sự khen ngợi từ con người; còn chim sẻ thì không thể kiểm soát được miệng của chính mình, vì chiếm lấy thức ăn mà chết, chỉ biết nói chứ không làm, hơn nữa còn rất lười biếng.

Câu thành ngữ này là bài học về cách đối nhân xử thế mà người xưa đã truyền lại cho chúng ta, nhất định phải chịu khó, chăm chỉ và phối hợp ăn ý, không nên tham lam, lười biếng, chỉ nói suông mà không làm gì.

T. Linh (Theo Secret China)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/vi-sao-noi-tha-lam-chan-kien-con-hon-lam-mieng-chim-se-d195234.html