Vì sao nông dân Bình Thuận chưa mặn mà với thanh long hữu cơ?
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, thân thiện môi trường, hướng đến giá trị gia tăng và xuất khẩu, tỉnh Bình Thuận xác định thanh long là cây lợi thế. Tuy nhiên, hiện việc sản xuất thanh long hữu cơ còn gặp khó khăn.
Giá thành cao nhưng đầu ra không đảm bảo

Người nông dân thu hoạch thanh long.
Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Võ Thanh Minh (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, để sản xuất thanh long hữu cơ, cần có công ty bao tiêu sản phẩm, ký hợp đồng bình ổn giá và đảm bảo tiêu chuẩn dư lượng.
Tuy nhiên, tại địa phương, quy trình sản xuất thanh long hữu cơ chưa được phổ biến, người dân chủ yếu sản xuất thanh long sạch mà không có hợp tác bao tiêu đầu ra. Do đầu ra khó khăn, nông dân vẫn chuộng sản xuất theo quy trình thông thường, phục vụ thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ.
Đại diện Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ (huyện Hàm Thuận Bắc) cũng cho biết, hiện nay HTX làm thanh long theo hướng GlobalGAP. Nếu làm theo hướng hữu cơ thì đầu ra không có. Có một hợp tác xã khác làm theo hướng hữu cơ nhưng lỗ hơn hơn 1 tỷ đồng.
Hiện nay, HTX Hòa Lệ đã liên kết với các công ty xuất nhập khẩu có uy tín xuất khẩu thanh long sạch sang các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn độ và một số nước Trung Đông. Bên cạnh đó, HTX đang đẩy mạnh xuất khẩu các thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản,…

Người dân đang chăm sóc một vườn thanh long ở tỉnh Bình Thuận.
Trao đổi với PV, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận thông tin, đối với sản xuất thanh long hữu cơ tại tỉnh Bình Thuận được thực hiện theo 3 hình thức: sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn hữu cơ của quốc tế.
Hình thức này phổ biến ở các trang trại diện tích tương đối lớn và có liên kết với các doanh nghiệp để xuất khẩu.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận.
Sản xuất thanh long được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, hình thức này phổ biến ở các hợp tác xã. Phổ biến hơn là hình thức sản xuất theo hướng hữu cơ, người dân chủ động sản xuất và tuân thủ các quy trình sản xuất hữu cơ.
Trong đó, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cuờng sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng các dung dịch thảo mộc, biện pháp vật lý (bẫy, bã), biện pháp sinh học (bọ rùa, kiến vàng, nấm đối kháng….) để kiểm soát sinh vật gây hại.
Hình thức này thường tập trung ở các vườn thanh long nhỏ lẻ, các hợp tác xã, các trang trại sản xuất để xuất khẩu sang các thị trường khó tính (châu Âu).
Tuy nhiên, ông Tấn cũng nhìn nhận, phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Đây là hướng đi mới với yêu cầu nghiêm ngặt, nên việc áp dụng và mở rộng còn hạn chế.
Số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ vẫn còn ít, đặc biệt là các mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Nguồn cung vật tư đầu vào như phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế và có giá cao hơn so với sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư lớn khiến giá thanh long hữu cơ luôn ở mức cao, dẫn đến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và thiếu ổn định.

Trang trại thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc nhìn từ trên cao.
600ha sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ
Theo đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu mở rộng sản xuất thanh long hữu cơ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, ông Phan Văn Tấn cho biết, thanh long là cây lợi thế của tỉnh. Với nền tảng sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP tạo tiền đề cho việc áp dụng quy trình hữu cơ nghiêm ngặt hơn.
Nhờ đó, người trồng đã quen thuộc với các tiêu chuẩn canh tác an toàn. Tỉnh phấn đấu đạt 60 ha thanh long hữu cơ vào năm 2025 và 1.250ha vào năm 2030.

Một vựa thanh long ở Bình Thuận.
Theo ông Phan Văn Tấn, để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong việc sản xuất thanh long hữu cơ, tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện các chính sách tín dụng; các chính sách khuyến khích; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp.
Tỉnh xác định các vùng sản xuất thanh long có tiềm năng thế mạnh về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân có nhu cầu đầu tư vào sản xuất.
"Để đạt được chỉ tiêu nêu trên, trong thời gian đến, tỉnh Bình Thuận tập trung thực hiện đẩy mạnh công tác triển khai xây dựng các mô hình sản xuất thanh long hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm hữu cơ kết hợp với du lịch nông thôn, nông nghiệp sinh thái.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm thanh long hữu cơ ra thị trường trong và ngoài nước", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn cho hay.
Cuối năm 2024, diện tích cây thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt 25.800ha, năng suất đạt 218 tạ/ha, sản lượng đạt 560.000 tấn. Đến nay có 124,5ha thanh long chứng nhận hữu cơ; trong đó 120ha thanh long được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (Mỹ, Canada, Châu Âu), 4,5ha thanh long chứng nhận theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Ngoài ra, diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GlobalGAP đạt khoảng 453ha, đạt tỉ lệ 1,76 % so với tổng diện tích, diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP đạt khoảng 8.541,2ha, đạt tỉ lệ đạt 33,1 % so với tổng diện tích.