Vì sao ông Trump muốn 'khai tử' phí tắc đường tại New York?
Quy định thu phí tắc đường sau nhiều tranh cãi, tạm hoãn cuối cùng chính thức áp dụng tại New York kể từ ngày 5/1. Dù vậy, tân Tổng thống Donald Trump lại đang muốn chấm dứt quy định này.
Giảm ùn tắc rõ rệt
Sau hơn 1 tháng triển khai, quy định thu phí tắc đường đầu tiên tại Mỹ đã bước đầu cho thấy hiệu quả giảm ùn tắc.

Ùn tắc giao thông từng là vấn nạn kinh niên của TP New York. Ảnh: Bloomberg.
Theo Cơ quan Giao thông Đô thị New York (MTA), lượng phương tiện đi vào khu vực trung tâm Manhattan của New York trong tháng 1/2025 đã giảm tới 1,2 triệu phương tiện, tương đương giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian di chuyển qua các cầu, đường hầm dẫn vào khu vực Manhattan đã giảm tới 30% trong giờ cao điểm. Thời gian lái xe trên đường 34, trục đường chính tại trung tâm New York, đã giảm gần 50%.
Mặc dù số lượng ô tô giảm nhưng trái với dự báo ban đầu, số lượng người đến các địa điểm kinh doanh ở Manhattan lại tăng cao.
Theo đó, khoảng 36 triệu lượt khách đã đến những địa điểm kinh doanh tại khu vực này vào tháng 1/2025, tăng khoảng 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Số người tham dự chương trình biểu diễn nghệ thuật Broadway nổi tiếng tại New York cũng tăng 17% trong tháng 1, bất chấp những dự đoán ban đầu cho rằng việc thu phí tắc đường sẽ gây tổn hại cho chuỗi sự kiện, chương trình nghệ thuật này.
Trong các cuộc khảo sát của Morning Consult, hầu hết người dân TP New York đều công nhận quy định thu phí tắc đường đã giúp việc đi lại nhanh hơn, giảm ùn tắc rõ rệt.
Trong số những người ủng hộ việc thu phí, đa phần là chính những người thường xuyên lái xe. Số liệu cho thấy 66% tài xế ra vào khu vực Manhattan nhiều lần mỗi tuần đều ủng hộ thu phí tắc đường.
Phí tắc đường được áp dụng tại New York kể từ ngày 5/1/2025 sau nhiều năm trì hoãn, đưa New York trở thành địa phương đầu tiên ở Mỹ thu phí tắc đường.
Trong đó, tài xế sẽ phải trả 9 USD (khoảng 220.000 đồng) vào giờ cao điểm hoặc 2,25 USD (khoảng 60.000 đồng) vào ban đêm để vào phạm vi thu phí của Manhattan, trung tâm New York.
Đối tượng thu nhập thấp sẽ trả mức phí thấp hơn và một số đối tượng được miễn trả phí.
Khoản tiền phí thu được sẽ dùng để cải thiện hệ thống giao thông công cộng, triển khai biện pháp giảm ô nhiễm không khí và cải thiện an toàn đường phố.
"Kẻ hủy hoại doanh nghiệp"
Dù quy định thu phí tắc đường bước đầu cho thấy hiệu quả, nhưng chính sách này đang đứng trước nguy cơ bị Tổng thống Donald Trump "khai tử".

Giao thông đông đúc trên đại lộ Madison ở trung tâm New York. Ảnh: CNN.
Trong cuộc phỏng vấn với báo New York Post, ông Trump đã công khai chỉ trích chính sách trên, gọi đây là thảm họa đang hủy hoại New York.
Thực tế, ngay từ chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đã gọi quy định thu phí tắc đường là "kẻ hủy hoại doanh nghiệp" và cam kết sẽ xóa bỏ chương trình thu phí ngay trong tuần đầu tiên nắm quyền.
Ngay sau khi nhậm chức, ông tiếp tục tuyên bố sẽ thông qua Bộ Giao thông vận tải Mỹ "khai tử" quy định thu phí.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý nhận định rằng, ông Trump không có đủ thẩm quyền để bãi bỏ chính sách.
Bởi lẽ, quy định thu phí tắc đường đã được thành phố New York thông qua thành luật, được chính phủ liên bang xem xét kỹ lưỡng và phê duyệt, cũng như được tòa án duy trì hiệu lực.
Ông Trump cũng từng gợi ý sẽ "khai tử" phí tắc đường bằng cách cắt giảm ngân sách liên bang dành cho Cơ quan Giao thông đô thị New York (MTA).
Cần Quốc hội phê duyệt
Tuy nhiên, ông Michael Gerrand, Giám đốc Trung tâm Luật Biến đổi khí hậu tại Đại học Columbia cho biết, Tổng thống Trump vẫn cần Quốc hội phê duyệt thì mới có thể hành động.

Biển báo Khu vực giảm tắc nghẽn trên đại lộ 2, trong đó thông báo cụ thể mức phí tắc nghẽn.
Ông Gerrand nói thêm, nếu chính quyền Trump gửi thư chỉ đạo MTA dừng chương trình thu phí, vấn đề này sẽ nhanh chóng được đưa ra tòa.
Tuy nhiên, tòa án đã từng khẳng định MTA có quyền hạn pháp lý để tiếp tục thực hiện quy định thu phí chống tắc đường.
Thống đốc bang New York Kathy Hochul đã hai lần trao đổi với ông Trump về việc thu phí tắc đường, trong đó bà vẫn giữ vững lập trường ủng hộ chính sách này.
Hơn nữa, việc thu phí tắc đường đã cho kết quả tích cực, giúp giảm tắc nghẽn ở trung tâm Manhattan, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng và đi bộ, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các cửa hàng. Hiệu quả của chương trình đã thay đổi quan điểm của nhiều người tại New York.
"Rất nhiều người ngoài kia đã thay đổi quan điểm kể từ khi chương trình thu phí tắc đường có hiệu lực.
Ông Trump là một người New York và tôi nghĩ ông ấy hoàn toàn hiểu tình hình giao thông đã từng khó khăn như thế nào", bà Juliette Michaelson, lãnh đạo tại MTA, chia sẻ.
Năm 2019, sau nhiều năm kêu gọi thu phí tắc đường ở TP New York, bang New York đã thông qua luật, bắt buộc MTA triển khai chương trình thu phí, hứa hẹn tạo ra 15 tỷ USD đầu tư, hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng hơn 100 năm tuổi tại đô thị lớn nhất nước Mỹ.
Năm 2023, sau quá trình xem xét kéo dài, Cục Quản lý đường cao tốc Liên bang Mỹ đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, mở đường cho chương trình thu phí.
Việc thu phí tắc đường vốn ban đầu dự định triển khai từ đầu năm 2024 với mức phí 15 USD (khoảng 380.000 đồng), nhưng Thống đốc Hochul đã đình chỉ kế hoạch vô thời hạn trước cuộc bầu cử năm 2024.
Bà Hochul phủ nhận quyết định này có động cơ chính trị mà cho rằng mức phí 15 USD là quá đắt, dù trước đó bà nằm trong số những người ủng hộ mạnh mẽ chương trình.
Ngay sau cuộc bầu cử tháng 11, bà Hochul đã khởi động lại việc thu phí tắc đường nhưng với mức phí thấp hơn là 9 USD, có hiệu lực trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Trước đó, mô hình tương tự đã được thực hiện tại nhiều thành phố trên khắp thế giới. Một số địa phương áp dụng thu phí giảm ùn tắc, ô nhiễm giao thông từ rất sớm như London (Anh) từ năm 2003 hoặc Stockholm (Thụy Điển) từ năm 2007.