Vì sao OpenAI không thể đăng ký thành công nhãn hiệu ChatGPT?
Khi ChatGPT không thể trở thành một nhãn hiệu thuộc OpenAI, thuật ngữ kỹ thuật GPT tiếp tục được các công ty đi sau dùng để miêu tả sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo mà họ phát triển.
Cái tên ChatGPT hay GPT đã trở thành quen thuộc với rất nhiều người, không chỉ giới hạn trong giới công nghệ. Với tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer, ChatGPT là một chatbot có chức năng hỗ trợ người dùng tìm kiếm thông tin, giải đáp thắc mắc vô cùng nhanh chóng và có thể trò chuyện như con người.
ChatGPT thuộc sở hữu của Công ty OpenAI, một công ty khởi nghiệp chuyên về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), thành lập năm 2015 bởi Sam Altman, Elon Musk và một số tên tuổi nổi bật khác như Peter Theil (người đồng sáng lập Paypal), Ilya Sutskever... Ban đầu ChatGPT được tạo ra chỉ với mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ khách hàng nhưng khi AI đứng sau chương trình này có những phát triển đột phá thì ChatGPT trở nên vô cùng nổi tiếng và vượt xa cả mong đợi ban đầu.
Vấn đề của ChatGPT
Khi cái tên ChatGPT vượt xa sự mong đợi, Công ty OpenAI không thể bỏ lỡ cơ hội khai thác sự nổi tiếng toàn cầu này. OpenAI đã nộp đơn đăng ký nhãn hiện “ChatGPT” và “GPT” tại Mỹ vào tháng 12-2022 dựa vào điều khoản 1 (b) của Luật về Nhãn hiệu của Mỹ (Trademark Act hay còn gọi là Lanham Act) về dự định sử dụng nhãn hiệu (intent to use application). Theo luật của Mỹ, dựa trên điều khoản này, người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có thể xin bảo hộ nhãn hiệu ngay trước khi sử dụng nó trong hoạt động thương mại.
Đây là cách để chủ sở hữu “dự phòng” việc bảo hộ nhãn hiệu, cho phép ngăn chặn người khác đăng ký nhãn hiệu này để lợi dụng sự nổi tiếng của dấu hiệu ChatGPT. Ngược lại, trong trường hợp đã sử dụng dấu hiệu trước đó để phân biệt hàng hóa dịch vụ trong thương mại, thì chủ sở hữu sẽ cần nộp đơn đăng ký trên cơ sở điều khoản về “sử dụng thực tế” (actual use). Để đáp ứng điều kiện của điều khoản nói trên, OpenAI đã đưa ra bằng chứng sẽ sử dụng dấu hiệu ChatGPT trong thương mại kể từ tháng 3-2023.
Một khi OpenAI có độc quyền sử dụng nhãn hiệu ChatGPT hay GPT, thì các công ty khác sẽ không thể sử dụng thuật ngữ này để miêu tả sản phẩm công nghệ AI mà bản thân họ phát triển. Điều này có thể có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của công nghệ nói chung.
Luật của Mỹ quy định rằng để có thể đăng ký nhãn hiệu, dấu hiệu đăng ký phải đáp ứng các điều kiện gồm “có tính phân biệt”, “phi chức năng” (dấu hiệu không được chấp thuận nếu chỉ đơn thuần thể hiện chức năng của sản phẩm dịch vụ) và “sử dụng trong thương mại”.
Chính vì thế, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (United States Patent and Trademark Office - USPTO) đã từ chối đăng ký nhãn hiệu “ChatGPT” và “GPT”, cho rằng hai dấu hiệu này chỉ “miêu tả đơn thuần một tính chất, chức năng hoặc đặc điểm” của ChatGPT.
Nhà thẩm định của USPTO kết luận rằng người tiêu dùng sẽ nhìn nhận dấu hiệu này như “tương đương với một từ miêu tả đơn thuần” sản phẩm mà nó đại diện (tức chatbot), và từ “ChatGPT” không tạo ra một nghĩa mới, duy nhất hay không mang tính miêu tả. Dấu hiệu này rõ ràng là làm cho người tiêu dùng nghĩ ngay đến bản chất của dịch vụ chatbot - một chatbot hoạt động dựa trên công nghệ GPT (GPT có nghĩa là bộ chuyển đổi đã được tiền huấn luyện có tính tạo sinh). Vì thế, nếu muốn đăng ký thành công nhãn hiệu ChatGPT, OpenAI cần phải sửa đổi đơn đăng ký.
Không đồng tình với kết luận này OpenAI đã phản bác vào tháng 11-2023 rằng ChatGPT là một dấu hiệu có tính phân biệt vì cách sử dụng dấu hiệu một cách độc quyền của OpenAI, sự nổi tiếng trên truyền thông của ChatGPT, cũng như các hành vi sao nhái dấu hiệu vô cùng phổ biến trên toàn cầu.
Tuy nhiên, vào tháng 2-2024, USPTO đã ra kết luận cuối cùng khẳng định rằng dấu hiệu ChatGPT không thể được đăng ký nhãn hiệu vì thiếu khả năng phân biệt và đề nghị OpenAI đăng ký ChatGPT trên cơ sở điều khoản 2(f) của Luật Nhãn hiệu Mỹ, cho phép đăng ký các dấu hiệu đạt được điều kiện “có tính phân biệt” nhờ vào hoạt động thương mại của chủ đơn đăng ký.
“Bài học mẫu” cho giới công nghệ
Việc OpenAI đang gặp khó khăn khi đăng ký nhãn hiệu cho ChatGPT cho thấy sự cần thiết khi chọn lựa dấu hiệu đại diện khi tung ra thị trường một sản phẩm mới. Cho dù ChatGPT vô cùng nổi tiếng trên toàn cầu, OpenAI cũng vẫn khó khăn trong việc đảm bảo việc sử dụng độc quyền dấu hiệu này.
Quyết định của USPTO có tác động quan trọng đến cộng đồng công nghệ. Các công ty này cần càng phải chú trọng đến việc quản lý khai thác nhãn hiệu trong bối cảnh công nghệ thay đổi vô cùng nhanh chóng. Rõ ràng là OpenAI cần bảo hộ dấu hiệu ChatGPT và GPT để bảo vệ thương hiệu của công ty. Là công ty tung ra sản phẩm chatbot này, OpenAI có đủ lý do để ngăn chặn người khác sử dụng dấu hiệu này mà không có sự cho phép của OpenAI. Nguy cơ người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm dịch vụ là hoàn toàn tồn tại, và điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của OpenAI.
Trong khi đó, cũng có thể hiểu được quyết định của USPTO. ChatGPT và GPT là những thuật ngữ kỹ thuật được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng công nghệ, thể hiện một lĩnh vực công nghệ cụ thể. Nếu cho phép OpenAI đăng ký nhãn hiệu ChatGPT và GPT, điều này có thể dẫn đến hậu quả là OpenAI sở hữu độc quyền thuật ngữ kỹ thuật nói trên. Trong trường hợp này, các công ty công nghệ khác sẽ nằm trong “thế yếu” khi cạnh tranh với OpenAI, vì một khi OpenAI có độc quyền sử dụng nhãn hiệu ChatGPT hay GPT, thì các công ty khác sẽ không thể sử dụng thuật ngữ này để miêu tả sản phẩm công nghệ AI mà bản thân họ phát triển. Rõ ràng là điều này có thể có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của công nghệ nói chung.
Một số ví dụ có thể được đưa ra ở đây để minh họa cho trường hợp này. Trước đây, “aspirin” là một nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty Bayer AG cho một loại thuốc giảm đau, hạ sốt. Vào thời điểm đó, khi nhắc đến aspirin thì mọi người đều hiểu rõ đây là sản phẩm của Bayer nhưng dần dần thuật ngữ “aspirin” được sử dụng nhiều tới mức người ta mặc định đây là từ để chỉ thuốc giảm đau, hạ sốt có chứa acid salicylic.
Vì “aspirin” đã trở thành một thuật ngữ chung, Công ty Bayer đã mất quyền nhãn hiệu ở nhiều quốc gia. Đây cũng là trường hợp tương tự đối với từ “escalator” vốn là nhãn hiệu bảo hộ của Công ty Otis Elevator Company, nhưng dần trở thành thuật ngữ chung chỉ sản phẩm thang cuốn.
Quyết định của USTPO cho thấy sự cần thiết trong việc tìm ra sự cân bằng giữa bảo hộ nhãn hiệu và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty, điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế. Trong khi nhãn hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu và đầu tư của các công ty, thì những thuật ngữ chung không thể thuộc về độc quyền của doanh nghiệp, vì sẽ gây ra hậu quả là ngăn cản đổi mới công nghệ và cạnh tranh lành mạnh. Từ chối đăng ký thuật ngữ ChatGPT hay GPTO, USPTO đã thể hiện rõ lập trường khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy phát triển công nghệ tại Mỹ.