Vì sao Pakistan im lặng trước hành động của Israel dù sở hữu vũ khí hạt nhân?
Là quốc gia Hồi giáo duy nhất có trong tay vũ khí hạt nhân, Pakistan được nhiều bên trông mong sẽ phản ứng mạnh mẽ trước hoạt động quân sự quyết đoán của Israel tại Gaza. Nhưng thực tế không như vậy.
Phản ứng của Pakistan đối với Israel
Pakistan không chỉ là quốc gia thành lập Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) mà còn là thành viên chủ chốt của tổ chức này, nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong nhóm.
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng của đại đa số các thành viên OIC về cách thức phản ứng với Israel, Pakistan vẫn giữ lập trường thụ động với các chính sách liên quan đến Israel.
Pakistan được cho là răn đe Ấn Độ bằng vũ khí hạt nhân. Nhưng Pakistan lại im hơi lặng tiếng khi Israel tuyên bố sẽ không ngừng tấn công quyết liệt vào dải Gaza. Nhiều người đặt ra câu hỏi vai trò của Pakistan ở đâu trong khi người Hồi giáo đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng ở Gaza.
Trong khi đó, Iran - một thành viên tích cực của OIC và có thái độ kịch liệt chống lại Israel, thì từ lâu cho rằng Pakistan chỉ tuyên bố hùng hồn chứ chưa thực sự sở hữu năng lực hạt nhân đáng sợ.
Có lẽ đây là lý do tại sao Iran lại mạnh mẽ theo đuổi mục tiêu đạt được năng lực hạt nhân bất chấp sự cản phá của Israel.
Điều lạ là mặc dù Israel vẫn kiên trì vô hiệu hóa năng lực hạt nhân của Iran (trước đó Israel cũng đã phá hủy nỗ lực của Iraq và Syria theo đuổi năng lực hạt nhân), nước này lại chưa từng đe dọa Pakistan bằng hành động trừng phạt nào khi Islamabad tiến dần tới chỗ sản xuất được bom hạt nhân. Ngay cả Mỹ cũng dường như làm ngơ trước chương trình hạt nhân của Pakistan.
Điều này cho thấy chương trình hạt nhân của Pakistan chủ yếu là nhằm định hướng vào Ấn Độ và chương trình đó không vấp phải trở ngại từ cả Washington và Tel Aviv. Chính vì thế, Ấn Độ đã tiến hành thử hạt nhân trong sự bí mật cao độ, trong khi Pakistan không đến mức phải như vậy.
Mối quan hệ ngoài lạnh trong ấm giữa Pakistan và Israel
Hai quốc gia này có sự hiểu biết chặt chẽ về nhau, ít được thế giới bên ngoài, kể cả OIC biến đến.
Tờ Middle East Monitor ngày 3/8/2023 có bài viết với nội dung khẳng định các cơ quan tình báo Pakistan đang sử dụng phần mềm gián điệp của Israel.
Truyền thông Israel trước đó đưa tin, “Cơ quan Điều tra liên bang Pakistan và các đơn vị cảnh sát khác nhau trong nước này đã sử dụng các sản phẩm do hãng công nghệ mạng Cellebrite của Israel sản xuất kể từ ít nhất là năm 2012”.
Điều kỳ lạ là dù như vậy, Pakistan không có quan hệ ngoại giao nào với Israel. Tờ Haartez khẳng định rằng phần mềm đó được mua ở Singapore. Phần mềm Cellebrite cho phép các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện hoạt động pháp y kỹ thuật số dựa trên xâm nhập điện thoại di động và sao chép toàn bộ dữ liệu được lưu trữ.
Phải nói rằng ngoài Pakistan còn có những thành viên quốc gia khác trong tổ chức OIC duy trì các kênh tương tác công khai hoặc bí mật với Israel.
Một ví dụ điển hình là quan hệ giữa Nhà nước Israel và Vương quốc Jordan.
Theo tờ Middle East Monitor ngày 15/4, trước Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, nhà vua Jordan (cùng với Thủ tướng Ziad Rifai) đã được đưa bằng trực thăng tới tòa nhà cơ quan tình báo Mossad ở ngoại ô Tel Aviv. Tại đây, ông đã thông báo cho các quan chức Israel, bao gồm cả Thủ tướng Golda Mreir, về kế hoạch tấn công của Syria và sự ủng hộ của Ai Cập.
Một nhà quan sát độc lập người Jordan giấu tên tiết lộ với tờ Middle East Monitor rằng “Iran là kẻ thù chứ không phải Israel”.
Chiến tranh Hamas làm trệch hướng bình thường hóa quan hệ
Trước khi nổ ra cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, nhiều hoạt động thầm lặng đã diễn ra trên nhiều cấp độ nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và khối Arab.
Tại quốc gia Nam Á Pakistan, một cuộc tranh luận đã liên tục nổ ra trên các kênh truyền hình chính thống quốc gia và các nền tảng truyền thông xã hội về việc liệu Islamabad có nên xem xét lại lập trường của mình đối với Israel hay không.
Hai nước đã tổ chức các cuộc họp bí mật về các vấn đề liên quan đến an ninh kể từ khi ngoại trưởng của hai quốc gia gặp mặt công khai vào năm 2005. Cuộc thảo luận đã đạt được những tín hiệu tích cực vào tháng 3/2024 khi ông Fishel Benkhalid, một người Do Thái Pakistan ở thành phố Karachi, tiết lộ thông qua nền tảng mạng xã hội của mình, rằng ông đã xuất khẩu thành công chuyến hàng thực phẩm đầu tiên của mình đến Jerusalem và Haifa.
Các quan chức Pakistan cho biết việc xuất khẩu được thực hiện thông qua một nước thứ ba và là sáng kiến của Benkhalid, đồng thời không gửi đi tín hiệu nào về trạng thái quan hệ thương mại với Israel. Thế nhưng lực lượng Hamas đã làm trệch hướng những nỗ lực bình thường hóa.
Malaya Lodhi - cựu Đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc, cho rằng thời điểm này chưa thực sự chín muồi để tiến hành các cuộc đàm phán về chủ đề này. Bà cho biết: “Pakistan là nước ủng hộ kiên định cho chính nghĩa của người Palestine. Chúng tôi muốn thấy xung đột giảm leo thang.”
Pakistan có mối quan hệ chặt chẽ với Saudi Arabia. Khi ngọn lửa giao tranh ở Trung Đông lắng xuống, Saudi Arabia sẽ khôi phục sứ mệnh bình thường hóa quan hệ với Israel, điều này sẽ khuyến khích Pakistan công khai thiết lập quan hệ bình thường với Israel.