Vì sao phải tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách cho 'đầu tàu' TP.HCM?
Các chuyên gia kinh tế lý giải với VietTimes về lý do cần tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho 'đầu tàu' kinh tế TP.HCM và khẳng định sẽ không đủ so với nhu cầu đầu tư phát triển hiện tại.
Tại cuộc họp hôm 13/5 giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo TP.HCM và cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cử tri thành phố ngày 14-15/5, hai nhà lãnh đạo đều đồng tình rằng TP.HCM cần được giữ lại mức ngân sách lớn hơn, cụ thể là mức 23% như lãnh đạo thành phố đề xuất lâu nay so với mức 18% hiện tại.
Hiểu cho đúng về con số 23%
Trong khi nhiều ý kiến lãnh đạo và chuyên gia ủng hộ việc điều tiết thêm số thu ngân sách cho TP.HCM thì không ít người cho rằng tỷ lệ 23% là quá lớn và TP.HCM “làm ít, hưởng nhiều”.
Trao đổi với VietTimes, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng dư luận hiểu chưa đúng thực chất tỷ lệ 23% này. Luật Ngân sách Nhà nước quy định rõ nguồn thu ngân sách nhà nước tại bất cứ địa phương nào cũng có 3 nhóm: nhóm thu hộ cho trung ương (tạm gọi nhóm 1); nhóm thu bao nhiêu hưởng bấy nhiêu (nhóm 2) và nhóm thu rồi ăn chia với Trung ương (nhóm 3).
Dựa vào các quy định trên, ở nhóm 1, TP.HCM thu đồng nào, nộp đồng đó về cho Trung ương, ví dụ các loại thuế xuất nhập khẩu trên địa bàn Thành phố.
Nhóm 2: thu đồng nào hưởng đồng đó, ví dụ các khoản thu lệ phí môn bài, trước bạ, tiền sử dụng đất…; năm 2019, tổng thu ngân sách Tp.HCM là 411.202 tỷ đồng thì nhóm 2 thu được 43.302 tỷ đồng (10,5%/tổng thu).
Nhóm 3: giữ lại 18%, nộp về trung ương 82%. Nhóm này gồm 5 nhóm thuế: VAT, thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt (không tính thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng nhập khẩu); thuế bảo vệ môi trường (không tính thuế bảo vệ môi trường từ hàng hóa nhập khẩu)…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam.
Ví dụ: năm 2020, Tp.HCM thu được 103 nghìn tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp, phải nộp về trung ương 85 nghìn tỷ và giữ lại trên 18 nghìn tỷ.
Như vậy, năm 2020, tổng thu ngân sách của TP.HCM là 411.202 tỷ đồng nhưng chỉ được giữ lại 77.952 tỷ đồng khoản thu nhóm 2 và 3, chiếm 19%.
Nói cách khác, tỷ lệ tăng thêm 5% điều tiết ngân sách áp dụng đối với nhóm 3, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, thực chất chỉ tương đương khoảng 10 nghìn tỉ đồng tăng thêm. “Con số này chỉ đủ cho Thành phố đầu tư vào 1-2 dự án phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Nguyễn Xuân Thành giải thích.
Ngân sách eo hẹp, cái khó bó cái khôn
Ngay cả khi tỷ lệ giữ lại ngân sách cho TP.HCM được nâng lên 23% thì theo các chuyên gia, đây vẫn là tỷ lệ thấp nhất cả nước. Tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội đã tăng từ 30% lên 35%, Bình Dương (36%), Đồng Nai (47%), Vĩnh Phúc (53%), Bà Rịa-Vũng Tàu (64%), Quảng Ninh (65%), Đà Nẵng (68%), Hải Phòng (78%).
Trong suốt 20 năm qua, tỷ lệ ngân sách giữ lại cho Thành phố đầu tư phát triển ngày càng giảm, từ mức 33% năm 2000 giảm còn 25% rồi 18% trong giai đoạn 2017-2021, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ ngân sách được giữ lại của các địa phương. TP.HCM ở chót bảng.
Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của cả nước, thể hiện ở tất cả các chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng GDP và tỷ lệ đóng góp của Thành phố vào ngân sách cả nước.
Giai đoạn 2011 – 2019, kinh tế thành phố chiếm bình quân 22% kinh tế cả nước và đóng góp 27,5% cho ngân sách nhà nước.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đang chậm lại so với bình quân cả nước. Nếu giai đoạn 2001-2010 con số này bằng 1,6 lần cả nước, thì đến giai đoạn 2011-2019 chỉ bằng 1,2 lần.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo các chuyên gia, là do ngân sách quá eo hẹp, không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu thường xuyên của Thành phố, chứ chưa nói đến nhu cầu đầu tư bảo đảm nhu cầu cơ sở hạ tầng cứng – đặc biệt là giao thông.
Bằng chứng là TP.HCM liên tục bội chi ngân sách trong suốt thời kì 2017 – 2020. Trong đó, năm 2017, Tp.HCM bội chi 2.900 tỷ đồng; năm 2018 bội chi hơn 4.880 tỷ đồng; 2019 bội chi gần 3.560 tỷ đồng.
“Rõ ràng, nguồn lực dành cho TP.HCM trong giai đoạn qua khá thấp. Trong gần ba thập niên qua, chi tiêu ngân sách của cả Việt Nam khoảng 25%-30% GDP, trong khi con số này với TP.HCM chỉ là 6%-8% - tương đương mức 1/4 cả nước”, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, chuyên gia có nhiều nghiên cứu về chi tiêu ngân sách và phát triển cho hay.
Theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Huỳnh Thế Du về việc hình thành các siêu đô thị trong khu vực (Seoul, Thượng Hải, Manila, Jakarta và TP.HCM), có một xu hướng nổi lên rất rõ: Tại các thành phố mang lại cơ hội phát triển cao cho người dân, mức chi ngân sách trên GDP đều trên 10%, mà thường trong khoảng 15% - 20% GDP của thành phố đó.
Chẳng hạn, Bắc Kinh và Thượng Hải được đầu tư lớn trong hơn ba thập kỷ qua, nên hai thành phố này có tốc độ phát triển nhanh. Trong khoảng 20 năm qua, mức chi ngân sách của Trung Quốc trong khoảng 23% GDP, nhưng Bắc Kinh và Thượng Hải được chi khoảng 21% trong mức GDP của mình. Nếu quy đổi ra giá trị thực thì con số này lớn hơn nữa.
Nếu nhìn tốc độ phát triển của hai đô thị này so với TP.HCM, thì TP.HCM chỉ được khoảng 1/3, và nằm trong cùng nhóm so sánh gồm Jakarta, Manila, Bangkok. Nghĩa là chi ngân sách không đủ đáp ứng những nhu cầu và bức thiết trước mắt nên phần đầu tư cho tương lai, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố là rất khiêm tốn.
Để hình dung ra được khả năng đáp ứng của nguồn vốn của TP.HCM là vô cùng nhỏ so với nhu cầu để Thành phố có thể phát huy hết năng lực của mình, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đưa ra ví dụ:
Bình quân một năm, mức đầu tư của TP.HCM cho giao thông chỉ có khoảng trên dưới 1 tỉ USD. Trong khi đó, vốn đầu tư cho tuyến metro số 1 dài gần 20 km đã tốn hơn 2 tỉ USD.
Vậy giả sử Thành phố dồn toàn bộ ngân sách dành cho phát triển giao thông để xây dựng 160 km (toàn tuyến metro), tương đương tối thiểu 16 tỉ USD thì phải mất 16 năm mới xong mục tiêu này.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam
“Đề xuất về tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM được giữ lại từ 18% lên 23% thực ra chỉ là để làm nhẹ tình hình thiếu ngân sách của Thành phố mà thôi, chứ không đủ động lực để giải quyết tận gốc rễ vấn đề”, chuyên gia đến từ Đại học Fulbright nhận định.
Khi “chiếc bánh” ngân sách to lên, ai cũng được hưởng lợi
Cạnh tranh giữa các quốc gia ngày nay, thực chất là cạnh tranh của các đô thị trung tâm mà chúng là nền tảng cho năng suất và giá trị gia tăng cao của nền kinh tế và để thu hút các doanh nghiệp đến tổ chức hoạt động kinh doanh, lực lượng lao động có kỹ năng, nhất là các tài năng đến làm việc và những người khá giả đến ở.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Việt Nam đang bị “chảy máu” hai nhân tố như sau. Với cách thức phân bổ ngân sách hiện tại, hai đô thị trung tâm của Việt Nam, đặc biệt là TP. HCM đang thất thế trong cuộc đua với các đô thị lớn trong khu vực trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của hai đô thị này vốn đã rất thấp.
Như thể hiện trong biểu đồ dưới đây, TP. HCM ở sau rất xa so với các thành phố khác. Hà Nội, thậm chí, còn không có trong hầu hết các xếp hạng cạnh tranh hiện nay.
Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh và chất lượng sống của một số thành phố trong khu vực. Nguồn: TS. Huỳnh Thế Du
Do vậy, mức ngân sách giữ lại lớn hơn không phải là chỉ cho riêng TP. HCM. Bản chất trọng tâm chính là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và củng cố vị thế của Việt Nam.
“Chúng ta cần đưa TP.HCM có vị thế tốt hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, để đây là nơi sẽ tạo ra “chiếc bánh” lớn hơn, năng lực cạnh tranh lớn hơn cho quốc gia; từ đó dẫn đến kết quả là năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng lên.
Khi chiếc bánh to lên, thì những người được chia tỷ lệ nhỏ vẫn thực nhận phần nhiều hơn. Còn nếu chúng ta cố gắng phân chia đồng đều, thì những nơi có tiềm năng và lợi thế, có năng lực phát triển, sẽ không nhận đủ nguồn lực.
Nếu chiếc bánh nhỏ lại, tất cả đều thiệt. Đó là triết lý cho sự phát triển”, chuyên gia kinh tế này nêu quan điểm.
(Còn tiếp)