Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 6/1/2024 thông báo Triều Tiên đã khai hỏa pháo binh vào vùng biển xung quanh đảo Yeonpyeong, phía tây bán đảo Triều Tiên, vào khoảng 16-17h.
Hàn Quốc không ghi nhận thiệt hại và các quả đạn rơi xuống vùng biển phía bắc đường Giới tuyến phía Bắc (NLL).
Đây được coi là đường phân định thực tế lãnh hải Triều Tiên với Hàn Quốc, do Liên Hiệp Quốc vẽ ra sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Bình Nhưỡng luôn từ chối công nhận hiệu lực của ranh giới này.
"Triều Tiên nã pháo vào khu vực cấm hành động thù địch là hành vi đe dọa hòa bình trên bán đảo và leo thang căng thẳng", JCS tuyên bố.
Triều Tiên sau đó đã xác nhận tập trận pháo binh để đối phó mối đe dọa từ Hàn Quốc, nhưng đạn pháo không ảnh hưởng đến các đảo tiền tiêu của Seoul.
KCNA cho biết, 47 khẩu pháo của các đơn vị phòng thủ bờ biển tây nam Triều Tiên đã bắn 192 viên đạn tại 5 khu vực từ 9h đến 11h ngày 5/1/2024. Đây là "phản ứng mang tính chất đáp trả" trước những động thái quân sự gần đây của Hàn Quốc.
Theo KCNA, hướng bay của đạn pháo không ảnh hưởng đến các đảo tiền tiêu Baengnyeong và Yeonpyeong.
Hãng thông tấn KCNA cho rằng Hàn Quốc đã đưa ra thông tin "không đúng thực tế nhằm dẫn dắt dư luận và tìm cách đổ lỗi cho Triều Tiên, khiến căng thẳng gia tăng".
Không phải vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo mà pháo binh mới là vũ khí chủ lực của Bình Nhưỡng trong cán cân quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Do hoàn cảnh đặc biệt nên Triều Tiên vẫn ưu tiên phát triển pháo binh. Có thể nói, Bình Nhưỡng đang sở hữu lực lượng pháo binh mạnh nhất thế giới.
Vào năm 2010, pháo binh nước này đã đạt số lượng 21.100 khẩu, hiện nay con số này đang tiếp tục tăng lên và rơi vào khoảng 22.000 khẩu pháo các loại.
Đáng sợ hơn, họ đang tập trung phát triển pháo binh tầm xa và siêu xa, đủ sức vươn tới mọi ngóc ngách của thủ đô Hàn Quốc.
Các loại pháo tầm xa Triều Tiên cũng đặt các căn cứ quân sự của Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc nằm dưới tầm tác chiến.
Chỉ cách khu giới tuyến phi quân sự (DMZ) khoảng 40 km, ngay cả thủ đô Seoul của Hàn Quốc là mục tiêu lý tưởng cho những cuộc pháo kích từ Triều Tiên.
Chuyên gia quân sự Victor Cha và David Kang cho rằng, với số lượng pháo hùng hậu này, Triều Tiên đủ sức bắn 500.000 quả đạn vào đối phương chỉ trong một giờ.
Ngoài số lượng lớn pháo binh, lính pháo binh Triều Tiên cũng có khả năng bắn rất chính xác. Cường độ huấn luyện cao chính là yếu tố giúp lính pháo binh Triều Tiên có kỹ thuật bắn vào tốp đầu thế giới. Việc tập trung phát triển pháo binh được coi là lựa chọn có toan tính tốt của Triều Tiên.
Trong bối cảnh tiềm lực kinh tế hạn chế, việc phát triển tên lửa chiến thuật cùng với tên lửa đạn đạo sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên kinh tế của nước này.
Việc sử dụng pháo binh bắn ra mật độ lớn các loại đạn pháo sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong khi bảo đảm hiệu quả hơn so với việc dùng tên lửa chiến thuật vừa đắt đỏ vừa dễ đánh chặn.
Gần đây Triều Tiên liên tục thử nghiệm các loại pháo tầm xa như một lời khẳng định cho sức mạnh của quân đội nước này.
Theo giới phân tích, Triều Tiên đã đặt khoảng 8.000 khẩu pháo và hệ thống pháo phản lực tại khu vực giáp ranh hai miền.
Triều Tiên sở hữu ít nhất 5 hệ thống pháo vươn tới được thủ đô Seoul của Hàn Quốc, gồm pháo Koksan 170 mm và pháo phản lực phóng loạt 240 mm, 300 mm có khả năng tấn công các vùng ngoại ô phía bắc và một số phần của thành phố này.
Viện Nautilus về An ninh và Tính bền vững tính toán rằng, nếu Triều Tiên tấn công pháo binh tập trung vào các mục tiêu quân sự của Hàn Quốc, 3.000 người sẽ thiệt mạng trong những giờ đầu tiên.
Còn nếu cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu bất kỳ, con số thương vong sẽ tăng cao gấp nhiều lần.
Với tỷ lệ thương vong cao ước tính như thế đã khiến Hàn Quốc và Mỹ dù nhiều lần bất đồng với Bình Nhưỡng cũng không dám tiến tới miệng hố chiến tranh.
Mặc dù hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc rất mạnh mẽ và hiện đại, tuy nhiên với một cơn mưa đạn pháo thì mọi biện pháp chống đỡ gần như không hiệu quả.
Một điểm đặc biệt gây khó khăn cho việc phản pháo cũng như phá hủy trận địa pháo Triều Tiên là các khẩu pháo được giấu trong lòng núi hiểm trở.
Đây chính là một trong những yếu tố khiến Triền Tiên luôn có thế mạnh trên bàn đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc.