Vì sao phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Hóa có dấu hiệu chững lại?

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, huyện Tuyên Hóa sẽ có thêm xã Đồng Hóa về đích nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện lên 9 xã. Tuy nhiên, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện lại đang có dấu hiệu chững lại.

Loay hoay “bài toán” thu nhập và hộ nghèo

Tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo là mục tiêu cốt lõi của phong trào xây dựng NTM, nhằm nâng cao đời sống người dân ở khu vực nông thôn, miền núi. Nhưng, hiện tại, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đang gặp khó trong việc tìm “lời giải” cho 2 tiêu chí này.

Sinh kế thiếu bền vững dẫn đến thu nhập của người dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa còn thấp.

Sinh kế thiếu bền vững dẫn đến thu nhập của người dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa còn thấp.

Qua 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Kim Hóa đã đạt được 15/19 tiêu chí. Hiện tại, địa phương này còn 4 tiêu chí chưa đạt, gồm: giao thông, thu nhập, hộ nghèo, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.Chủ tịch UBND xã Kim Hóa Hoàng Anh Tuấn cho biết, Kim Hóa là xã nghèo, xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, do vậy, việc huy động các nguồn lực để đầu tư cho các tiêu chí NTM còn hạn chế.

Bên cạnh đó, điều kiện địa hình bị chia cắt bởi sông, suối và bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ cũng đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã chỉ mới đạt 28 triệu đồng (năm 2020) và tỷ lệ hộ nghèo còn gần 8% (đánh giá theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2020).

Trong quá trình xây dựng NTM, xã Kim Hóa đã luôn chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cùng với việc thực hiện các chương trình, dự án về nông nghiệp, địa phương rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển mới, tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh và một số sản phẩm đặc trưng, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân. Việc giảm tỷ lệ hộ nghèo từ gần 48% năm 2012 xuống còn gần gần 8% năm 2020 là một nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương và người dân.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh Tuấn, để hoàn thành được 2 tiêu chí nói trên, điều quan trọng nhất vẫn là tạo sinh kế của người dân. Bởi khi thu nhập của người dân còn thấp, thì sẽ khó giải được “bài toán” giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, đặc biệt là tập trung 3 khâu đột phá theo nghị quyết của Đảng bộ xã là phát triển đàn bò lai; trồng cây ăn quả có múi và trồng rừng gỗ lớn; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ hộ nghèo, như: hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, cho vay tín dụng ưu đãi giúp hộ nghèo phát triển sản xuất.

Tiêu chí thu nhập và hộ nghèo không chỉ “làm khó” xã Kim Hóa, mà còn là "vật cản" lớn của hầu hết các xã chưa đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Chủ tịch UBND xã Lê Hóa Đậu Đình Hùng cho biết, hiện tại, xã Lê Hóa còn 4 tiêu chí chưa đạt, gồm: hộ nghèo, thu nhập, trường học, vệ sinh môi trường, trong đó 2 tiêu chí trường học và vệ sinh môi trường sẽ cán đích trong năm 2021. Còn việc hoàn thành 2 tiêu chí hộ nghèo và thu nhập sẽ khó khăn và cần thời gian dài.

Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Lê Hóa còn gần 8% và mức thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 29 triệu đồng. Có được kết quả đó là nhờ thời gian qua địa phương đã chú trọng đến công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xuất khẩu lao động, đào tạo lao động và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, trồng cây có múi, phát triển đàn bò lai, nuôi ong, chăn nuôi... Nhưng, Lê Hóa là xã có địa hình bị chia cắt, diện tích đất sản xuất ít, tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu, để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cần phải có thời gian, chứ không thể giảm trong ngày một ngày hai.

Tiêu chí giao thông: Chờ vốn đầu tư?

Nhiều địa phương không chỉ đang loay hoay với tiêu chí hộ nghèo và thu nhập, mà còn phải gặp khó khăn trong việc hoàn thành tiêu chí giao thông. Chủ tịch UBND xã Kim Hóa Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngay từ khi mới triển khai xây dựng NTM, địa phương đã xác định phát triển giao thông nông thôn làm khâu đột phá.

Địa hình rộng và bị chia cắt dẫn đến nguồn đầu tư cho giao thông ở Tuyên Hóa cần nguồn vốn lớn.

Địa hình rộng và bị chia cắt dẫn đến nguồn đầu tư cho giao thông ở Tuyên Hóa cần nguồn vốn lớn.

Sau khi được vận động, tuyên truyền, nhân dân đã hiến gần 49.000m2 đất, tài sản, đóng góp trên 1.590 ngày công lao động (tương đương 3 tỷ đồng) để làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn và các công trình khác thuộc chương trình xây dựng NTM.

Đến nay, bằng các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của nhà nước và nguồn nội lực trong nhân dân, toàn xã chỉ mới bê tông hóa được gần 10/17km đường liên thôn (chiếm gần 59%). “Để hoàn thành các tuyến đường còn lại, bên cạnh việc tiếp tục huy động nội lực từ sự đóng góp của cán bộ, nhân dân, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để đầu tư, địa phương phải trông chờ vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Đối với các tuyến đường chưa thực hiện được, chúng tôi sẽ tiến hành cắm mốc quản lý; đồng thời, tiếp tục khảo sát bổ sung quy hoạch một số tuyến đường cần thiết để phục vụ nhân sinh trên địa bàn".

Trong khi điều kiện tự nhiên của các địa phương bị chia cắt bởi nhiều địa hình, việc đầu tư vốn giao thông đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn cũng là một trong những khó khăn mà các địa phương trên địa bàn huyện đang gặp phải. Theo kế hoạch, năm 2022, xã Thạch Hóa sẽ đạt chuẩn NTM. Đối với 3 tiêu chí chưa đạt (thu nhập, hộ nghèo, giao thông), việc hoàn thành tiêu chí giao thông còn rất khó khăn. Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa Cao Xuân Bình cho biết, Thạch Hóa là xã có địa hình rộng và nhiều tuyến đường liên thôn, nội thôn. Hiện tại, vùng phía Bắc xã Thạch Hóa còn đến 40% tuyến đường chưa đạt chuẩn. Để hoàn thành tiêu chí này, bên cạnh nguồn đóng góp của người dân, xã Thạch Hóa cần nguồn vốn gần 30 tỷ đồng. Mặc dù địa phương đặt ra mục tiêu đến năm 2022 đạt chuẩn NTM, nhưng riêng tiêu chí giao thông sẽ còn cần thêm một quãng thời gian nữa mới hoàn thành.

Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM huyện Tuyên Hóa, trong số 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, có đến 10/18 xã chưa đạt tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Riêngtiêu chí giao thông đã có 13/18 xã đạt, tuy nhiên, để các địa phương còn lại đạt được các tiêu chí này, cần nguồn vốn đầu tư lớn.

Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM huyện Tuyên Hóa cho hay, các xã có tiêu chí thu nhập và hộ nghèo đạt thấp là do nguồn lực và kinh phí dành cho đầu tư phát triển sản xuất của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm của các địa phương này cũng còn hạn chế, dẫn đến khó tạo ra bước đột phá.

Thời gian tới, huyện Tuyên Hóa sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể huy động đủ nguồn đối ứng và phân công các cơ quan chuyên môn của huyện chỉ đạo từng xã, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đúng thời gian quy định, trong đó, lưu ý các tiêu chí, như: hộ nghèo, thu nhập, giao thông, môi trường.

Thu nhập chủ yếu của người dân Tuyên Hóa phụ thuộc vào rừng trồng.

Thu nhập chủ yếu của người dân Tuyên Hóa phụ thuộc vào rừng trồng.

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước sản xuất theo hướng nâng cao giá trị; hỗ trợ xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết, hợp tác gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.

"Cùng với đó, Tuyên Hóa sẽ chú trọng công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động ở nông thôn theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp; tăng cường xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đối với xã đã đạt chuẩn, cần xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí mới bổ sung; tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, có giải pháp bảo đảm đạt chuẩn bền vững. Phấn đấu tất các xã đã đạt chuẩn đều được công nhận lại sau 5 năm!", ông Đinh Xuân Thương cho biết thêm.

Dương Công Hợp

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202104/vi-sao-phong-trao-xay-dung-nong-thon-moi-o-tuyen-hoa-co-dau-hieu-chung-lai-2187839/