Vì sao phụ nữ thường cảm thấy lạnh hơn đàn ông?

Giới tính, tuổi tác và khối lượng cơ ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng với nhiệt độ, đồng thời yếu tố tiến hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề vì sao phụ nữ cảm thấy lạnh hơn?

Phụ nữ thường cảm thấy lạnh nhanh hơn đàn ông. (Nguồn: Vietnam+)

Phụ nữ thường cảm thấy lạnh nhanh hơn đàn ông. (Nguồn: Vietnam+)

Mức nhiệt này dễ chịu với một số người nhưng có thể lại quá lạnh đối với người khác. Cảm nhận về nhiệt độ của mỗi người không giống nhau, trong đó giới tính là một yếu tố quyết định.

Phụ nữ thường cảm thấy lạnh nhanh hơn đàn ông. Điều này được minh chứng qua những cuộc tranh cãi về nhiệt độ máy điều hòa trong gia đình và văn phòng.

“Phụ nữ thường có ít khối lượng cơ hơn, dẫn đến tỷ lệ trao đổi chất thấp hơn và tạo ra ít nhiệt hơn,” Tiến sỹ Ralf Brandes, giáo sư sinh lý học tại Đại học Goethe ở Frankfurt (Đức) và thành viên ban điều hành Hiệp hội Sinh lý học Đức, giải thích.

Lượng cơ nhiều hơn giúp tăng tốc độ trao đổi chất ngay cả khi nghỉ ngơi, đồng nghĩa với việc đốt cháy năng lượng nhanh hơn để cung cấp năng lượng cho cơ thể, đồng thời làm tăng nhiệt độ cơ thể.

Các cơn co cơ, dù là do vận động chủ động hay do phản xạ rùng mình khi lạnh, đều là nguồn sản sinh nhiệt quan trọng.

 (Nguồn: Vietnam+)

(Nguồn: Vietnam+)

Yếu tố tiến hóa ảnh hưởng đến sự khác biệt này

Theo Tiến sỹ Rüdiger Köhling, Giám đốc Viện Sinh lý học Oscar Langendorff tại Trung tâm Y khoa Đại học Rostock (Đức), lý do nam giới có nhiều khối lượng cơ hơn có thể bắt nguồn từ lịch sử tiến hóa. Từ thời tiền sử, đàn ông thường săn bắn - phải di chuyển liên tục và sinh nhiệt, trong khi phụ nữ và trẻ em chủ yếu ở lại nơi trú ẩn.

Tuy nhiên, phụ nữ lại có khả năng “tập trung nhiệt” tốt hơn, bằng cách điều hướng dòng máu mang nhiệt về trung tâm cơ thể để giữ ấm cho các cơ quan quan trọng, đặc biệt là cơ quan sinh sản.

“Điều này đồng nghĩa với việc lưu lượng máu đến các vùng xa như tay, chân, mũi và môi bị hạn chế,” Tiến sỹ Ralf Brandes cho biết.

Chính cơ chế này khiến phụ nữ dễ bị lạnh nhanh hơn. “Đó là lý do môi phụ nữ dễ bị nhợt nhạt và bàn tay trở nên trắng bệch khi trời lạnh,” Tiến sỹ Köhling nói thêm.

Người lớn tuổi dễ cảm thấy lạnh hơn

Không chỉ phụ nữ, người lớn tuổi cũng thường cảm thấy lạnh nhanh hơn. Dù một số nghiên cứu cho thấy người trẻ nhạy cảm hơn với nhiệt độ nhờ hệ thần kinh ở da hoạt động hiệu quả hơn, nhưng nhìn chung, người cao tuổi ít vận động hơn, mất dần khối lượng cơ và có tỷ lệ trao đổi chất thấp hơn.

Điều này khiến cơ thể sản sinh ít nhiệt hơn, dẫn đến cảm giác lạnh hơn so với khi họ còn trẻ. “Suy giảm trao đổi chất là một phần tất yếu của quá trình lão hóa,” Tiến sỹ Brandes nhận định./.

 Hãy vận động, tránh ngồi hoặc nằm một chỗ quá lâu vì có thể khiến cơ thể bị lạnh hơn. (Nguồn: Vietnam+)

Hãy vận động, tránh ngồi hoặc nằm một chỗ quá lâu vì có thể khiến cơ thể bị lạnh hơn. (Nguồn: Vietnam+)

Giữ ấm vào mùa Đông không chỉ giúp bạn cảm thấy dễ chịu mà còn bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là tránh các bệnh liên quan đến thời tiết lạnh như cảm lạnh, viêm phổi hay hạ thân nhiệt.

Dưới đây là một số cách hiệu quả để giữ ấm:

1. Mặc quần áo phù hợp

Mặc nhiều lớp: Lớp trong cùng nên là vải giữ nhiệt (như len hoặc sợi tổng hợp), lớp giữa để cách nhiệt (như áo len, áo nỉ), và lớp ngoài chống gió, chống nước (như áo khoác dày, áo phao).
Giữ ấm tay, chân và đầu: Đeo găng tay, tất dày và đội mũ hoặc bịt tai để tránh mất nhiệt qua các vùng này.
Dùng khăn quàng cổ: Giữ ấm vùng cổ giúp bảo vệ hệ hô hấp.

2. Duy trì nhiệt độ trong nhà

Giữ nhiệt độ phòng khoảng 20-24°C.
Đóng kín cửa sổ, sử dụng rèm dày để tránh gió lùa.
Nếu có điều kiện, dùng máy sưởi, túi chườm nóng hoặc đệm sưởi khi ngủ.
Tránh dùng quá nhiều lò sưởi than hoặc gas trong phòng kín vì có thể gây ngộ độc khí CO.

3. Ăn uống giúp giữ ấm cơ thể

Uống nước ấm: Giúp cơ thể duy trì nhiệt độ và lưu thông máu tốt hơn.
Ăn thực phẩm giàu năng lượng: Như thịt, cá, trứng, sữa, các loại hạt, khoai lang, cháo nóng...
Dùng gia vị có tính nóng: Gừng, tỏi, ớt, quế giúp kích thích tuần hoàn máu và giữ ấm tốt hơn.

4. Giữ ấm cơ thể khi ra ngoài

Tránh ra ngoài khi nhiệt độ quá thấp hoặc có gió lạnh mạnh.
Nếu phải ra ngoài, mặc kín, chọn giày chống trơn trượt để tránh ngã khi gặp mưa.
Khi về nhà, thay đồ ngay nếu quần áo bị ướt.

5. Vận động hợp lý

Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ trong nhà, yoga, nhảy dây để tăng cường lưu thông máu.
Không ngồi hoặc nằm một chỗ quá lâu vì có thể khiến cơ thể bị lạnh hơn./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-phu-nu-thuong-cam-thay-lanh-hon-dan-ong-post1013694.vnp