Vì sao quân đội Nga vẫn chưa từ bỏ xe BMP-1?

Thiết bị quân sự hiện đại trong quân đội Nga đã đạt được hơn 70%. Tuy nhiên, quân đội cũng đang nâng cấp các mẫu thiết bị cũ để chúng đáp ứng nhu cầu tác chiến hiện đại. Trong số đó, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 nổi tiếng ở nhiều quốc gia, là một ví dụ.

Lịch sử ra đời của xe tăng huyền thoại BMP-1

Các phương tiện bọc thép dùng để vận chuyển bộ binh cơ giới đến chiến trường và hỗ trợ hỏa lực được biết đến từ những năm Chiến tranh thế giới thứ hai. Hai nước đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển các loại thiết bị này là Đức và Mỹ. Năm 1938, Công ty Hanomag của Đức chế tạo xe chở quân bọc thép nửa xích Sd.Kfz 251 với trọng lượng chiến đấu hơn 9 tấn với kíp lái 2 người, có khả năng chở 10 binh sĩ và có thể hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh với một hoặc hai khẩu súng máy 7,92mm.

Năm 1941, Mỹ cũng chế tạo một phương tiện vận chuyển quân nửa xích M3 Half-track. Nó có trọng lượng chiến đấu ngang với chiếc xe của Đức, có khả năng chở 10 binh sĩ, nhưng kíp lái gồm 3 người. Xe được trang bị hai khẩu súng máy: 7,62mm và 12,7mm.

Mỹ đã sản xuất 26.300 chiếc xe M3 và được sử dụng trong cả quân đội Mỹ và cung cấp dưới hình thức Lend-Lease cho các đồng minh trong liên minh chống Hitler, bao gồm cả Liên Xô. Ở một mức độ nhất định, M3 đã trở thành một kiểu mẫu cho những kỹ sư Liên Xô chế tạo ra BTR-152 thời hậu chiến. Vì một số lý do khách quan, các nhà thiết kế Liên Xô đã chế tạo ra một chiếc xe bọc thép bánh lốp 6x6.

Tuy nhiên, các loại xe này không có áo giáp đáng kể và mái che. Trong thời đại vũ khí hạt nhân, khi các phương tiện nhẹ nhưng hiệu quả để chống lại các xe bọc thép đang được phát triển tích cực. Ngoài ra, các loại xe có cấu hình xe nửa xích (half track) khó bảo trì và không cung cấp khả năng cần thiết chạy đa địa hình. Xe chiến đấu bọc thép phải chạy hoặc là bằng bánh lốp hoặc là bằng bánh xích hoàn toàn.

Ngoài ra, các xe bọc thép không có hỏa lực đủ mạnh để hỗ trợ bộ binh. Và nếu trang bị thêm vũ khí đủ mạnh (súng cối, súng không giật), thì xe bọc thép sẽ không có khả năng chở quân. Cần phải có một cỗ xe đa năng: vừa là phương tiện vận tải vừa là vũ khí hỗ trợ hỏa lực đầy đủ. Nó phải có khả năng cơ động không kém xe tăng, được trang bị đủ vũ khí và tốt nhất là có khả năng lội nước (nghĩa là kín và không quá nặng).

Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 với trọng lượng chiến đấu 13 tấn đầu tiên trên thế giới đã được sản xuất và biên chế cho quân đội Liên Xô vào năm 1966. Với vỏ thép làm bằng các tấm thép cán, trang bị một súng chính 73mm nòng trơn, 1 súng máy 7,62mm đồng trục và 1 bệ phóng tên lửa điều khiển chống tăng Malyutka, BMP-1 có thể di chuyển trên mặt nước nhờ lực đẩy sinh ra từ chuyển động bánh xích.

Động cơ diesel 300 mã lực, hộp số, cũng như chỗ ngồi của người lái xe bố trí ở phía trước. Điều khác thường đối với các loại xe bọc thép chạy bánh xích của Liên Xô là hệ thống điều khiển không phải bằng đòn bẩy mà bằng các bánh lái ở phía trước. Ở phần giữa của xe có một khoang chiến đấu với tháp pháo nhỏ, nơi có trưởng xe và xạ thủ. Ở phía sau có khoang bộ binh chứa được 8 quân nhân, họ lên và xuống xe qua các cửa sập phía sau (ở đó cũng có các thùng nhiên liệu bổ sung. Khoang chở quân có thể chứa hệ thống tên lửa phòng không di động Strela-2. Xe có hệ thống phòng thủ để tránh khỏi tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt.

BMP-1 được xem là mẫu xe chiến đấu bộ binh thành công nhất của Liên Xô với hơn 20.000 chiếc được sản xuất vào những năm 1966-1983. Tháng 3-1969, lần đầu tiên BMP-1 tham chiến ở Viễn Đông. Sau đó, trong các chiến dịch quân sự của Liên Xô tại Afghanistan (1979-1989) và hàng chục cuộc chiến tranh cục bộ khác, BMP-1 đã chứng minh rằng xe chiến đấu bộ binh có lợi thế hơn hẳn so với xe bọc thép. Nhưng, về nguyên tắc, cần phải bổ sung thêm các tấm giáp cho xe, cũng như củng cố khả năng bảo vệ chống bom mìn, và quan trọng nhất là phải có một hệ thống vũ khí mới.

Điều này đã được các nhà thiết kế tính đến khi tạo ra các mẫu BMP mới. BMP-2 được cập nhật vẫn giữ nguyên thân xe và khung gầm cũ, có lớp giáp bảo vệ mạnh hơn và vũ khí mới: pháo tự động 30mm bắn mặt đất hiệu quả hơn so với pháo 73mm cũ, các tên lửa chống tăng khác – Fagot hoặc Konkurs. Còn xe BMP-3 hiện đại thậm chí không giống BMP-1.

BMP-3 hoàn toàn khác về cách bố trí, thân xe được làm từ hợp kim nhôm bọc thép, nó được trang bị vũ khí mạnh (bệ phóng tên lửa chống tăng 100mm với bộ nạp tự động và pháo tự động 30mm đồng trục, ba súng máy 7,62mm) và được bảo vệ tốt (bổ sung tấm bọc thép, màn hình chống tích lũy, lớp bảo vệ động năng giống như một chiếc xe tăng). BMP-3 có động cơ mạnh hơn và bơi trên nước nhanh hơn, trang bị vòi phun mạnh mẽ.

Xe BMP-1 hiện vẫn được quân đội nhiều nước sử dụng.

Xe BMP-1 hiện vẫn được quân đội nhiều nước sử dụng.

“Basurmanin” thay thế xe chiến đấu BMP-1

Trong quân đội Nga vẫn còn khá nhiều chiếc xe BMP-1. Ngành công nghiệp không thể thay thế toàn bộ đội xe chiến đấu bộ binh trong một sớm một chiều. Một giải pháp được đưa ra là nâng cao khả năng chiến đấu của BMP-1 để đáp ứng các yêu cầu hiện đại.

Tháng 2-2022, một trong những đơn vị súng trường cơ giới của Quân khu phía Đông sẽ nhận được một lô BMP-1AM Basurmanin hiện đại hóa. Phiên bản nâng cấp BMP-1AM Basurmanin sẽ thay thế những chiếc xe chiến đấu cũ.

Vũ khí của BMP-1AM đã được thay thế hoàn toàn: mô-đun chiến đấu điều khiển từ xa từ xe bọc thép BTR-82A với pháo tự động 30mm có độ ổn định lớn, hệ thống tên lửa chống tăng Metis, cũng như hệ thống phóng lựu đạn khói Tucha – loại vũ khí truyền thống cho xe bọc thép của Liên Xô và Nga. Ngoài ra, xe cũng được lắp đặt hệ thống liên lạc hiện đại. Về cơ bản, động cơ vẫn giữ nguyên, nhưng nó được điều chỉnh để hoạt động ở nhiệt độ thấp. Kíp lái và sức chứa vẫn không thay đổi: 3+8.

Ngọc Trang (Theo Sputnik)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/vi-sao-quan-doi-nga-van-chua-tu-bo-xe-bmp-1--i643587/