Các cuộc biểu tình phi bạo lực quy mô lớn đã được tổ chức ở nhiều thành phố, bao gồm Nantes và Marseille, nơi những người biểu tình chiếm ga xe lửa chính trong khoảng 15 phút. Tại thành phố Besancon phía đông, hàng trăm người biểu tình nhóm các đống lửa trên đường và đốt thẻ cử tri, theo AP.
Tại Paris, rác thải không được thu gom bốc mùi trên đường phố trong bối cảnh công nhân vệ sinh đình công. Cảnh sát đã cấm tụ tập trên đại lộ Champs-Elyseés và quảng trường Place de la Concorde sang trọng, nơi những người biểu tình ném hình nộm của Tổng thống Macron vào đống lửa vào tối 17/3.
Vài nghìn người biểu tình đã tập trung vào tối 18/3 tại một quảng trường công cộng ở phía nam Paris, Place d'Italie, sau đó diễu hành về phía nhà máy đốt rác thải lớn nhất châu Âu, nơi đang trở thành tâm điểm căng thẳng. Một số người biểu tình đốt thùng rác, trong khi những người khác hô vang các khẩu hiệu như “đường phố là của chúng ta” giữa còi báo động của lính cứu hỏa.
Người biểu tình đang cố gây áp lực buộc các nhà lập pháp phải hạ bệ chính phủ của Tổng thống Macron, cũng như hủy bỏ kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu mà ông đang cố áp đặt không cần bỏ phiếu tại quốc hội.
Ông Macron lập luận rằng việc yêu cầu người dân ở Pháp làm việc thêm hai năm nữa là cần thiết để tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế của đất nước, cũng như ngăn hệ thống lương hưu của nước này rơi vào tình trạng thâm hụt khi dân số già đi.
Sau khi ông Macron ra lệnh cho Thủ tướng Elisabeth Borne viện dẫn một quyền lực hiến pháp đặc biệt giúp kế hoạch của ông không cần Hạ viện bỏ phiếu thông qua, các nhà lập pháp hôm 17/3 đã đệ đơn bất tín nhiệm chống lại nội các của bà Borne.
Một số cư dân Paris ra ngoài mua bánh mì baguette vào cuối tuần đã đổ lỗi cho chính quyền ông Macron vì khói bốc ra từ thùng rác chất đống gần một tiệm bánh ở quận 12 của thành phố.
“Chính phủ nên thay đổi lập trường và lắng nghe người dân, vì những gì đang xảy ra là rất nghiêm trọng. Chúng ta đang chứng kiến sự cực đoan hóa”, bà Isabelle Vergriette, 64 tuổi, một nhà tâm lý học, nêu suy nghĩ. “Chính phủ chịu trách nhiệm phần lớn về việc này”.
Quan chức đứng đầu của quận, bà Emmanuelle Pierre-Marie, đã ra ngoài từ lúc sáng sớm để bày tỏ mối quan ngại trong khu phố của bà về việc rác thải không được thu gom. Rác thải trong những ngày gần đây đã trở thành biểu tượng của các hành động nhằm lật đổ kế hoạch cải cách lương hưu của tổng thống.
Cảnh sát đã huy động công nhân thu gom rác để dọn dẹp một số khu vực lân cận, nhưng vẫn còn rất nhiều rác chất đống. Nhiều cuộc đình công đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 20/3 trong nhiều lĩnh vực, từ vận tải đến năng lượng.
Cơ quan Hàng không Dân dụng yêu cầu hủy 30% số chuyến bay tại sân bay Orly của Paris, và 20% chuyến bay tại Marseille. Công đoàn CGT cảnh báo rằng ít nhất hai nhà máy lọc dầu có thể ngừng hoạt động từ ngày 20/3.
Tại cuộc biểu tình hôm 19/3, Melodie Tunc, 22 tuổi, tin rằng việc ông Macron thông qua dự luật mà không bỏ phiếu là “giọt nước tràn ly”. “Thật tốt khi ta có thể nhìn thấy rác trên đường phố. Nó cho mọi người biết công cụ thu gom rác hữu ích như thế nào”, cô nói khi tránh rác chất đống trên đường phố Paris trong lúc diễu hành biểu tình.
Người dân Pháp nổi giận Hơn 300 người đã bị bắt trên khắp nước Pháp khi các cuộc biểu tình lan rộng nhằm phản đối việc chính phủ Pháp thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không bỏ phiếu tại Quốc hội.
Hồng Ngọc
Ảnh: AP