Vì sao rất ít doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm sau COVID-19?

Ngày 30/6 là thời hạn cuối cùng để các doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Đây là một trong những chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng, trong 6 tháng.

Tổng kinh phí dự kiến chi cho chính sách này là 4.500 tỉ đồng được trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù được triển khai từ 1/7/2021, hạn cuối để các doanh nghiệp nộp hồ sơ là 30/6/2022, nhưng qua 1 năm, có rất ít doanh nghiệp đăng ký tham gia. Tại sao một chính sách được đánh giá là nhân văn, hỗ trợ tốt cho cả doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà kết quả lại thấp như vậy?

Người làm còn khó, nói gì đi học

Người lao động được lợi, doanh nghiệp cũng được lợi nhưng theo con số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau 1 năm triển khai chính sách, cơ quan này mới chỉ thực chi khoảng 24 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao, bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho hơn 5 nghìn người lao động của 36 đơn vị. Một con số rất khiêm tốn so với mục tiêu 4.500 tỷ đồng đề ra để thực hiện chính sách.

Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cũng chỉ có hơn 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100 nghìn lao động, với kinh phí dự kiến gần 500 tỉ đồng. Trong đó, 48 đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị đào tạo cho gần 10 nghìn người lao động với tổng kinh phí dự kiến gần 70 tỉ đồng.

Dù thời hạn đăng ký đã hết nhưng có rất ít doanh nghiệp đăng ký nộp hồ sơ đào tạo duy trì, hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Dù thời hạn đăng ký đã hết nhưng có rất ít doanh nghiệp đăng ký nộp hồ sơ đào tạo duy trì, hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà? Để được thụ hưởng chính sách, doanh nghiệp phải có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020, quy định này rất nhiều công ty không đáp ứng được; để người lao động được đào tạo nghề, doanh nghiệp phải đổi mới về yếu tố công nghệ hoặc cơ cấu lao động, tuy vậy hiện nay, doanh nghiệp khó khăn không thể đầu tư thay đổi công nghệ; hoặc nếu doanh nghiệp thay đổi về lực lượng lao động thì những lao động đó chưa đủ 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp để được thụ hưởng chính sách… Đây là những nút thắt mà không ít doanh nghiệp không đáp ứng được.

Một lý do quan trọng khác là sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, không ít doanh nghiệp hiện còn đang “đỏ mắt” để tuyển người làm thì làm sao có thể bố trí cho người lao động đi học nghề được. Theo đại diện một doanh nghiệp tại KCN Bắc Thăng Long, do số lao động bị hao hụt do ảnh hưởng COVID-19 về quê không trở lại làm việc, mà mấy tháng qua, công ty ròng rã tuyển người vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Áp lực sản xuất để hoàn thành các đơn hàng bàn giao cho khách trong quý II và quý III đã khiến công ty liên tục phải khuyến khích công nhân tăng ca. Người làm còn không có thì làm sao có thể bố trí người đi học.

Kiến nghị kéo dài thời gian, bỏ nhiều quy định

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, thời gian đăng ký đã hết nhưng số lượng doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động trong cả nước là rất ít. Duy chỉ có vùng Đông Nam Bộ có lượng hồ sơ nhiều vượt trội, còn lại nhiều địa phương thậm chí còn không có hồ sơ đề nghị nào. Lý giải về tình trạng này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, nguyên nhân là do thời điểm triển khai chính sách này rơi vào giai đoạn nhiều địa phương đang gồng mình phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội nên các hoạt động triển khai đào tạo không thể thực hiện được. Còn tại những địa phương dịch bệnh được khống chế thì cả doanh nghiệp và người lao động đang phải nỗ lực vực dậy sản xuất, kinh doanh.

"Qua quá trình theo dõi, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thực sự quan tâm việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Có thể họ còn e ngại trong việc làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo. Đây là điều đáng tiếc khi một chính sách nhiều ý nghĩa này không như kỳ vọng", ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay. Cùng với đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đề xuất xem xét kéo dài thời gian thực hiện chính sách với việc gia hạn thời gian nộp hồ sơ đến hết tháng 1/2024 (do đến tháng 1/2024 thì người sử dụng lao động mới báo cáo doanh thu của quý 4/2023 và tổ chức đào tạo đến hết tháng 6/2024)

Cũng kiến nghị nên kéo dài thời gian thực hiện chính sách, ông Nguyễn Phúc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Ha Thanh Travel cho rằng, một trong những ngành ảnh hưởng trầm trọng nhất do đại dịch COVID-19 là ngành du lịch. Gần hai năm ảnh hưởng dịch, hầu hết các doanh nghiệp du lịch không hoạt động, có không ít người lao động làm việc trong lĩnh vực chuyển nghề để đảm bảo cuộc sống.

Khi hoạt động trở lại thì phải tuyển dụng một loạt người mới. Do đó doanh nghiệp không thể đảm bảo tiêu chí đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 12 tháng trở lên. “Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để duy trì việc làm là rất nhân văn. Vì thế, rất mong các cơ quan chức năng xem xét kéo dài thời gian thực hiện, cũng như điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động được tham gia”, ông Hùng kiến nghị.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, nên kéo dài thời gian thực hiện chính sách, đồng thời bỏ quy định doanh nghiệp phải chứng minh phương án duy trì việc làm vì không thể giữ chân người lao động khi họ muốn nghỉ việc. Cấp có thẩm quyền cũng nên tính tới tinh giản điều kiện, hồ sơ nếu muốn giải ngân nhanh hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/vi-sao-rat-it-doanh-nghiep-de-nghi-duoc-ho-tro-dao-tao-duy-tri-viec-lam-sau-covid-19--i658556/