Vì sao rút tiền mặt tại ATM hay ra mệnh giá tiền thấp và phải rút nhiều lần?
Hiện nay, một số khách hàng phản ánh về tình trạng khi rút tiền mặt tại ATM chỉ nhận được mệnh giá tiền thấp và phải rút nhiều lần.
Cơ chế hoạt động của máy ATM
Trao đổi về cơ chế hoạt động của máy ATM, ông Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm xử lí tiền mặt tại Hà Nội của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: Theo quy định tại công văn số 1097/NHNN-PHKQ của Ngân hàng Nhà nước năm 2005, các tổ chức tín dụng phải cài đặt phần mềm rút tiền tự động để đảm bảo mỗi máy ATM phải cung cấp tiền đủ 4 loại mệnh giá tiền trong đó tối thiểu có mệnh giá nhỏ là 20.000 hoặc 10.000 đồng với mục tiêu đảm bảo cơ cấu hợp lý các loại tiền trong lưu thông.
Để tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã áp dụng cơ cấu tiền đa dạng gồm đủ các loại mệnh giá: mệnh giá lớn như 500.000, 200.000, 100.000, 50.000 đồng và mệnh giá nhỏ là 20.000 đồng. Căn cứ dữ liệu tại các điểm giao dịch, Vietcombank sẽ đánh giá tần suất rút tiền, mức độ phân bổ giá trị rút tiền, hành vi của khách hàng để đưa ra cơ cấu rút tiền tối ưu tại mỗi khu vực, đáp ứng được nhu cầu cho phần lớn khách hàng tại khu vực đó và đảm bảo khả năng tiếp quỹ tối ưu của Vietcombank.
Ngoài ra, do khoảng khe cửa trả tiền của các máy ATM là có hạn và cố định nên các ngân hàng chỉ có thể cài đặt máy ATM chi tiền không quá 35 - 40 tờ/lần. Cơ chế máy ATM của Vietcombank được thực hiện như sau: đối với yêu cầu rút tiền thì máy ATM sẽ ưu tiên rút tiền mệnh giá lớn nhất (số mệnh giá tiền còn thực tế tại thời điểm rút tiền) và mỗi một lần rút tối đa là 5 triệu đồng và tối đa là 35 tờ tiền. Ví dụ với cơ cấu 4 hộp tiền là 500.000 đồng, 200.000 đồng, 50.000 đồng, 20.000 đồng thì nếu rút 2.470.000 khách hàng sẽ nhận được 4 tờ mệnh giá 500.000, 2 tờ mệnh giá 200.000, 1 tờ mệnh giá 50.000 và 1 tờ mệnh giá 20.000.
Vì vậy, trong trường hợp hộp tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng đã hết thì khách hàng có thể rút tối đa một lần là 3.500.000 đồng đối với mệnh giá 100.000, 1.750.000 đồng đối với mệnh giá 50.000 nếu mệnh giá 100.000 đã hết, 700.000 đồng đối với mệnh giá 20.000 nếu mệnh giá 50.000 đã hết.
Lưu ý gì khi giao dịch cuối năm qua máy ATM
Để chuẩn bị cho hoạt động thanh toán của hệ thống ATM trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 luôn ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng cao của khách hàng, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết Vietcombank đã phối hợp với các doanh nghiệp để nắm bắt được lượng tiền lương, tiền thưởng dự kiến chi trong dịp Tết và bố trí cán bộ làm thêm giờ tại các điểm giao dịch phục vụ nhu cầu rút tiền mặt để giảm tải việc rút tiền tại các máy ATM.
Đồng thời, ngân hàng đã chủ động xây dựng và chuẩn bị lượng tiền mặt và cơ cấu mệnh giá hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng qua hệ thống ATM trước và trong những ngày nghỉ Tết. Tăng cường công tác tiếp quỹ, giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ để bổ sung kịp thời, đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch tăng cao trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán; đảm bảo tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, khắc phục nhanh sự cố, đảm bảo hoạt động 24/7.
Ngân hàng cũng thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM và các trang thiết bị tại ATM, đảm bảo ATM hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường tại máy ATM....
Đối với khách hàng, để đảm bảo an toàn trong giao dịch tại máy ATM, khách hàng cần lưu ý đổi mã số cá nhân (PIN) ngay sau khi nhận thẻ, không tiết lộ số PIN, số thẻ cho bất kì ai và thường xuyên đổi mã PIN; không đưa thẻ của mình cho bất kì người nào khác.
Khi giao dịch tại ATM, luôn lấy tay che bàn phím khi nhập mã PIN. Không giao dịch và thông báo ngay cho Ngân hàng nếu thấy máy ATM có thiết bị lạ, bất thường.
Đăng ký dịch vụ nhận thông báo biến động số dư (SMS chủ động/OTT alert), dịch vụ VCB Digibank để nắm bắt thông tin giao dịch thẻ, chủ động khóa thẻ khi có dấu hiệu nghi ngờ rủi ro.
Trong trường hợp khách hàng giao dịch tại máy ATM nhưng giao dịch bị nuốt thẻ hoặc giao dịch không thành công nhưng tài khoản bị trừ tiền tại máy ATM, khách hàng nên chờ thêm đến khi máy chuyển sang chế độ chờ giao dịch tiếp để đề phòng máy nhả tiền hoặc thẻ chậm.
Các cách khóa thẻ khẩn cấp của Vietcombank
Trong trường hợp khách hàng phát hiện thẻ phát sinh giao dịch bất thường không do mình thực hiện, khách hàng cần liên hệ ngay với ngân hàng để thực hiện khóa thẻ khẩn cấp theo một trong các cách sau:
(1) Gửi SMS đến tổng đài 6167;
(2) VCB Digibank trên ứng dụng di động;
(3) VCB Digibank trên trình duyệt web;
(4) Hệ thống khóa thẻ tự động IVR qua tổng đài 1900 545413;
(5) Điện thoại hotline 24/7 số 1900 545413;
(6) Tại các điểm giao dịch Vietcombank./.