Vì sao Sầm Sơn liên tục phá kỷ lục, Phú Quốc lại vắng bóng khách nội dịp 30/4?
Trong khi Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung lập kỷ lục về lượng khách và doanh thu từ du lịch trong kỳ nghỉ 30/4 vừa qua thì Phú Quốc (Kiên Giang) ghi nhận lượng giảm về khách nội địa.
Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, Thanh Hóa là địa phương đứng đầu cả nước về lượng du khách và doanh thu. Thanh Hóa vượt Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương phát triển về du lịch khác.
Trao đổi với VietNamNet, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: Tỉnh này đón trên 1,5 triệu lượt, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch của địa phương dịp lễ đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng gần 33% so với 2023. Trong đó, Sầm Sơn ghi nhận số lượng du khách tăng đột biến, tới 905.000 lượt - chiếm đến 60% tổng lượng khách đến Thanh Hóa trong kỳ nghỉ. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt gần 1.900 tỉ đồng.
Thông tin Thanh Hóa vượt Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương phát triển về du lịch khác cả về số lượng du khách cũng như doanh thu du lịch, dẫn đầu du lịch trên cả nước dịp lễ 30/4 nhận được nhiều sự chú ý. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện một số bài đăng so sánh thành tích trái ngược của Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Vì sao Sầm Sơn, Thanh Hóa liên tiếp lập kỷ lục lượng khách?
Không riêng kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay, cùng kỳ năm 2023, Thanh Hóa cũng lập kỷ lục về lượng khách và doanh thu từ du lịch. Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, lượng khách du lịch dịp nghỉ lễ vừa qua được thống kê dựa trên dữ liệu từ các điểm du lịch. Lượng khách tăng cao do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ nhất, kỳ nghỉ kéo dài trong thời điểm nắng nóng nên các địa phương có biển như Thanh Hóa được ưa thích. Tỉnh này có nhiều bãi tắm nổi tiếng như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cũng được khách ưu tiên như Pù Luông, Bến En; du lịch văn hóa tâm linh địa phương có nhiều di tích nổi tiếng như di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, Lê Hoàn.
Hệ thống giao thông kết nối các tỉnh, thành với Thanh Hóa được phát triển đồng bộ, hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển. Đặc biệt, cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện, đưa vào khai thác. Điều này khiến việc di chuyển của du khách ở các tỉnh phía Bắc đến các khu du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa nhanh chóng, thuận lợi.
Trước thềm kỳ nghỉ, tỉnh chuẩn bị kỹ cả về cơ sở hạ tầng và phong cách, chất lượng phục vụ. Một số điểm vui chơi giải trí lớn ở Sầm Sơn, Hải Tiến lần đầu được đưa vào vận hành như quảng trường biển, công viên nước, chợ đêm giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm hơn trước.
Đại diện Sở cũng cho hay, một yếu tố giúp Thanh Hóa vươn lên trong cuộc đua hút khách nội địa chính là do giá vé máy bay tăng cao nên du khách lựa chọn đi gần, di chuyển đường bộ, đường sắt.
Khu du lịch biển Sầm Sơn là địa phương dẫn đầu Thanh Hóa với hơn 900.000 lượt khách. Bãi biển Sầm Sơn trong các ngày lễ liên tiếp “thất thủ”, du khách chen chân vui chơi, tắm biển. Trong mùa du lịch năm 2024, Sầm Sơn dự kiến đón khoảng 8,5 triệu lượt khách.
Để đạt được kết quả trên, thành phố Sầm Sơn đã có sự chuẩn bị kỹ càng như tổ chức các chuỗi sự kiện, công tác an ninh trật tự, chất lượng dịch vụ, công tác truyền thông từ trước mùa du lịch. Bên cạnh đó, năm nay Sầm Sơn có các sản phẩm du lịch mới như tổ hợp công viên nước Sầm Sơn, quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội, show trình diễn nhạc nước và các dãy nhà phố thương mại sầm uất…
Trả lời VietNamNet, đại diện các doanh nghiệp lữ hành như Best Price, Hoàng Việt Travel, Du lịch Việt đồng nhận định, trong bối cảnh giá vé máy bay vẫn tăng cao, Thanh Hóa sẽ tiếp tục là điểm sáng hút khách nội địa dịp hè. Thêm vào đó, phí dịch vụ tại các khu điểm du lịch ở Thanh Hóa rẻ hơn nhiều so với Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Phú Quốc thêm một kỳ nghỉ vắng khách nội địa
Theo thông tin từ ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, địa phương này đón hơn 272 ngàn lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ, tăng 2,9% so với cùng kỳ, trong đó khách du lịch quốc tế đạt gần 24 ngàn lượt, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khách du lịch nội địa giảm 3,6% so với cùng kỳ.
Nhiều kỳ nghỉ cao điểm từ dịp 30/4 năm 2023 đến nay, Phú Quốc vẫn lâm vào tình cảnh giảm khách nội địa. Dù đây là điểm đến của Việt Nam được truyền thông quốc tế ca ngợi nhiều nhất.
Kỳ nghỉ năm nay, riêng thành phố Phú Quốc đón hơn 22 ngàn lượt khách quốc tế, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang đánh giá, lượng khách quốc tế đến Phú Quốc tăng gấp hơn 2 lần lượng khách nội địa.
Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, lượng khách nội địa tới Phú Quốc nói riêng và Kiên Giang nói chung giảm do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến giá vé bay từ Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM đến Phú Quốc vẫn ở mức khá cao; các đường bay nội địa từ Hà Nội đến Rạch Giá; từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Thanh Hóa, Lâm Đồng đến Phú Quốc đã tạm ngưng làm giảm tính cạnh tranh của điểm đến Phú Quốc.
Trong khi đó, sở này nhận định, khách Việt đang có xu hướng du lịch nước ngoài khi giá tour trọn gói hiện chỉ bằng giá vé máy bay khứ hồi nội địa. Nếu du lịch trong nước, khách ưu tiên đi tự túc bằng phương tiện cá nhân, đi theo nhóm bạn, gia đình bằng đường bộ. Tuy nhiên, hệ thống giao thông kết nối Kiên Giang với các tỉnh/thành trong vùng còn chưa thuận lợi.
Ngoài ra, sở Du lịch Kiên Giang còn đưa ra một số nguyên nhân như bối cảnh khó khăn kinh tế chung nên các gia đình thắt chặt chi tiêu; sắp hết mùa du lịch quốc tế; tình hình thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài, có lúc trên 39 độ C khiến các hoạt động tham quan, khám phá, dã ngoại và các hoạt động vui chơi ngoài trời kém thu hút du khách.