Vì sao sau 20 năm Bác mất, toàn bộ Di chúc mới được công bố?

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Di chúc của Người đã được công bố. Song do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà có một số điều chưa được công bố.

Trước lúc đi xa, trong những tháng năm cuối đời, Bác Hồ đã viết “Tài liệu tuyệt đối bí mật”, còn gọi là Di chúc để lại cho đời sau.

Quá trình công bố Di chúc của Bác

Xác định đây là một văn kiện lịch sử mang tính “cương lĩnh chính trị” cho Đảng cầm quyền, là di huấn về đạo đức cách mạng cho đời sau, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã xem xét, cân nhắc, lựa chọn công bố một phần những trang tài liệu với tên gọi là Di chúc của Hồ Chủ tịch vào đúng ngày truy điệu tiễn đưa Người (9/9/1969).

Đồng thời, Trung ương mở đợt sinh hoạt chính trị “Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”, nêu cao quyết tâm thực hiện Di chúc, kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nên bản Di chúc được công bố sau khi Bác mất dựa trên cơ sở bản thảo Bác viết năm 1965, trong đó có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969.

Phải đến năm 1989, toàn bộ di chúc mới được công bố rộng rãi. Và trước khi được in trong tập 10 Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà in Tiến bộ in tới 100.000 bản, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nội dung thông báo nêu rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một bản Di chúc vô cùng quý báu […]. Song do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà có một số điều chưa được công bố. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Bác qua đời và chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VI) thấy có trách nhiệm thông báo đến toàn Đảng, toàn dân một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Bác và ngày Bác qua đời”.

 “Tài liệu tuyệt đối bí mật” bản đánh máy năm 1965, in trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, xuất bản năm 2012. Ảnh: MC.

“Tài liệu tuyệt đối bí mật” bản đánh máy năm 1965, in trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, xuất bản năm 2012. Ảnh: MC.

Về tài liệu gốc “Tài liệu tuyệt đối bí mật”, Thông báo khẳng định: Năm 1965, Bác viết bản Di chúc gồm 3 trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ.

Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm 6 trang viết tay. Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng” đã viết trong bản năm 1965 và viết thêm một số đoạn.

Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như: chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước.

Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay.

Về bản Di chúc công bố tháng 9/1969, Thông báo khẳng định: “Việc chọn bản Di chúc Bác viết năm 1965 để công bố chính thức là đúng đắn, vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ. Lấy đoạn mở đầu Bác viết năm 1969 thay cho đoạn mở đầu Bác viết năm 1965 là hoàn toàn hợp lý vì Bác qua đời năm 1969, và nội dung bản viết năm 1969 cũng phong phú hơn”.

Bên cạnh việc khẳng định tài liệu gốc “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thông báo còn giải thích rõ lý do chưa công bố một số nội dung như: Một số vấn đề như những việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, miễn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, cho bà con nông dân cũng như đề nghị của Người về hỏa táng thi hài chưa được công bố.

 “Tài liệu tuyệt đối bí mật” bản viết tay bổ sung năm 1968, in trong tập 15 bộ Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản năm 2012. Ảnh: M.C.

“Tài liệu tuyệt đối bí mật” bản viết tay bổ sung năm 1968, in trong tập 15 bộ Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản năm 2012. Ảnh: M.C.

Di chúc của Bác được công bố một cách bài bản

Liên quan đến việc công bố tài liệu gốc “Tài liệu tuyệt đối bí mật”, trước thời điểm Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 151-TB/TW, Ban Bí thư đã ban hành một số văn bản (Quyết định số 89-QĐ/TW ngày 19/5/1989; Quyết định số 94-QĐ/TW ngày 10/10/1989) nhằm quản lý tập trung thống nhất, bảo quản an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, hạn chế tình trạng công bố tùy tiện từ phía các cơ quan, tổ chức và các cá nhân liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Người.

Như vậy, qua Thông báo số 151-TB/TW và nhìn lại toàn bộ quá trình công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị thực hiện là hoàn toàn đúng đắn.

Theo khoa học công bố tài liệu văn kiện, tài liệu lưu trữ là di sản được thể hiện ở hai phương diện: về mặt nội dung: tài liệu phản ánh các sự kiện, các hiện tượng, các nhân vật lịch sử; về mặt hình thức: tài liệu của thời kỳ nào cũng thể hiện trên vật liệu, kỹ thuật làm ra nó. Do vậy, khi công bố tài liệu lịch sử đó, cần phải đặt trong bối cảnh lịch sử hình thành nên tài liệu, qua đó lựa chọn những tài liệu có giá trị nhất để công bố.

Như vậy, nếu ta đặt bối cảnh lịch sử sinh ra “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoàn cảnh lịch sử công bố tài liệu này, thì thấy việc Bộ Chính trị thực hiện việc lựa chọn những tài liệu giá trị nhất trong tài liệu này để công bố năm 1969, năm 1989 là hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở khoa học vững chắc.

 “Tài liệu tuyệt đối bí mật” bản viết tay bổ sung năm 1969 in trong tập 15 bộ Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản năm 2012. Ảnh: MC.

“Tài liệu tuyệt đối bí mật” bản viết tay bổ sung năm 1969 in trong tập 15 bộ Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản năm 2012. Ảnh: MC.

Trong những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tuy đã giành được những thắng lợi quan trọng nhưng đang trải qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ và hy sinh, đất nước ta vẫn còn chia cắt.

Lúc này, Người cũng dự liệu cuộc kháng chiến của dân tộc ta còn có thể kéo dài. Vào thời điểm Người mất, cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn đang diễn ra quyết liệt, chưa giành được thắng lợi cuối cùng, cho nên thời điểm này chưa thích hợp cho việc công bố một số ý Người viết bổ sung năm 1968.

Sau 20 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đất nước đã hoàn toàn độc lập, toàn Đảng toàn dân toàn quân ta tiếp tục thực hiện mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa - con đường mà Hồ Chí Minh đã chọn, đồng thời bước vào công cuộc đổi mới theo Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Đây là thời điểm rất thích hợp để Bộ Chính trị quyết định việc công bố toàn văn "Tài liệu tuyệt đối bí mật" đến toàn Đảng, toàn dân.

Theo khoa học công bố tài liệu văn kiện, bất cứ một tài liệu nào được hình thành đều nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp cầm quyền. Do đó, khi xem xét, lựa chọn công bố tài liệu đều phải đứng trên lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Đối với người chịu trách nhiệm công bố tài liệu văn kiện phải có thái độ, có trách nhiệm đầy đủ về những loại hình tài liệu mà mình công bố, tuyệt đối tránh tình trạng lợi ích cá nhân mà công bố những tài liệu sai sự thật, gây nên sự hiểu lầm.

Người chịu trách nhiệm công bố tài liệu văn kiện phải mở rộng đấu tranh phê bình và tự phê bình để nâng cao hơn nữa chất lượng tài liệu công bố (có thể công bố nhiều lần trên cơ sở những lần sau có bổ sung, xác minh thêm do người đọc phê bình góp ý). Khi công bố tài liệu phải xuất phát từ yêu cầu chung của xã hội, phải biết kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ giáo dục lâu dài.

Như vậy, dựa trên quan điểm chính trị trong công bố tài liệu văn kiện, chúng ta thấy việc công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị thực hiện năm 1969 và năm 1989 đã đảm bảo đầy đủ các yếu tố về quan điểm chính trị như: đứng trên lợi ích của quốc gia, dân tộc, phù hợp với yêu cầu chung của xã hội, đảm bảo được các yêu cầu trước mắt và chiến lược lâu dài của sự nghiệp cách mạng.

 Toàn văn Thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 01/9/1989. Ảnh: MC.

Toàn văn Thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 01/9/1989. Ảnh: MC.

Năm 1969, khi Bác mất, cuộc kháng chiến còn đang diễn ra rất khó khăn và ác liệt, vì vậy để đảm bảo nguyên tắc chính trị, Bộ Chính trị đã quyết định sửa lại mấy chữ trong câu sau đây của Bác: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa” thành “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài”.

Đến năm 1989, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VI) thấy cần có kế hoạch thực hiện những điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Đảng, chăm sóc đời sống các tầng lớp nhân dân... nên đã công bố toàn bộ “Tài liệu tuyệt đối bí mật”.

Bên cạnh việc đảm bảo quan điểm lịch sử, quan điểm chính trị trong công bố tài liệu văn kiện, toàn bộ quá trình công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật” còn đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc và phương pháp công bố tài liệu văn kiện, đó là: xác định chủ đề; lựa chọn hình thức công bố đảm bảo tính chân thực độ tin cậy cao của tài liệu; ngôn ngữ truyền đạt bản văn được trình bày một cách chính xác; hệ thống các tài liệu được trình bày theo niên biểu, theo quá trình tạo tác tài liệu...

Tóm lại, qua góc nhìn của khoa học công bố tài liệu văn kiện, có thể khẳng định toàn bộ quá trình công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị thực hiện cho thấy thái độ thành kính, trân trọng của Đảng ta với một văn kiện lịch sử. Quá trình này cũng cho thấy việc công bố được thực hiện một cách bài bản, đúng nguyên tắc, phương pháp theo khoa học công bố tài liệu văn kiện.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-sau-20-nam-bac-mat-toan-bo-di-chuc-moi-duoc-cong-bo-post1494619.html