Vì sao Sibutramine bị cấm sử dụng trong các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe?
Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm liên tiếp phát đi cảnh báo về hàng loạt sản phẩm thực phẩm giảm cân có chứa chất cấm Sibutramine, đây là loại chất không được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm chức năng tại thị trường Việt Nam do làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ
Hàng loạt sản phẩm thực phẩm giảm cân bị điểm tên
Cụ thể, ngày 18-1-2022, Cục An toàn thực phẩm phát đi cảnh báo về việc nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang và Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống giảm cân SEVEN DAYS có chứa chất cấm Sibutramine.
Sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống giảm cân SEVEN DAYS (Lô sản xuất (Lot No.): 202021109; Ngày sản xuất (Mfg. Date): 9-11-2020; Hạn sử dụng (Exp. Date): 8-11-2023); Số XNCB: 9967/2015/ĐKSP; Được đóng gói theo quy cách: Hộp 3 vỉ/mỗi vỉ 12 viên x 500mg. Nhà sản xuất: American Biological & Technology (HK) Limited; 903 Dannies, HSE, 20 Luard, Wanchai HK. Đơn vị nhập khẩu và phân phối: LeeNguyen., JSC-Hanoi-Vietnam (địa chỉ: Số 267 Hồ Tùng Mậu, phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Nơi lấy mẫu: Nhà thuốc Bảo Dung, 321 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn, Bình Định. Chất cấm phát hiện: Sibutramine: 12,54 mg/viên (28,50 mg/g)
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe DIAMOND Power Slim có chứa chất cấm Sibutramine.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe DIAMOND Power Slim (Lô SX: 0001; NSX: 25-9-2020; HSD: 24-9-2023); Số ĐKSP: 7228/2020/ĐKSP; Quy cách đóng gói: Hộp 02 lọ x 20 viên nang. Sản xuất tại: Công ty Cổ phần BIGFA, địa chỉ: Khu Công nghiệp Lương Sơn, KM36-QL6, xã Hòa Sơn, Huyện Lương Sơn, Tỉnh Hòa Bình. Thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm là Công ty TNHH VNQUEN, địa chỉ: Tổ dân phố Cầu Thành 2, Thị trấn Hùng Sơn, Huyện Đại Từ, Tỉnh Thái Nguyên. Nơi lấy mẫu: Công ty cổ phần thương mại dược phẩm Mạnh Tý – Việt Mỹ, số 1 đường số 5, cụm CN An Hòa, P. An Hòa, TP. Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Chất cấm phát hiện: Sibutramine: 10,46 mg/viên (21,80 mg/g).
Trước đó, các sản phẩm thực phẩm giảm cân như Slimming TIGI MAX 28, Slim Phục Linh Plus, Feo dứa và Viên uống thảo mộc Mộc slim đã được Cục An toàn thực phẩm điểm mặt chỉ tên. Đồng thời, đơn vị này cũng đã ra quyết định thu hồi đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Feo dứa và Viên uống thảo mộc Mộc slim.
Theo Cục An toàn thực phẩm, căn cứ Thông tư số 10/2021/TT-BYT, Sibutramine thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cục An toàn thực phẩm cho biết, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm nêu trên. Trường hợp phát hiện sản phẩm này lưu hành trên thị trường cần thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc liên tiếp phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm Sibutramine gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng khi nhiều người vẫn tìm mua thực phẩm giúp giảm cân nhanh thay vì phương pháp tập luyện thể dục thể thao vốn đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực hơn.
Sibutramine gây hại cho sức khỏe ra sao?
Sibutramine là một loại tân dược, không được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm chức năng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng Sibutramine có khả năng ức chế cảm giác thèm ăn, hạn chế hấp thu chất béo, giúp cơ thể giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, chất này lại gây những tác dụng phụ nguy hiểm như: gây nên các triệu chứng đau đầu (tỷ lệ xảy ra khoảng 30,3%), đau lưng (chiếm 8,2%), dị ứng (3,8%), cảm cúm (8,2%), suy nhược (5,9%), đau bụng (4,5%), đau ngực (1,8%), đau nhức cổ vai gáy (1,6%).
Đặc biệt, Sibutramine nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp. Chất này làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg. Đồng thời, Sibutramine cũng làm tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và nguy hiểm hơn là có thể gây ngừng tim, đột quỵ.
Ngoài ra, Sibutramine cũng tác động lên hệ thần kinh, với các triệu chứng: mất ngủ (10,7%), chóng mặt (7,0%), lo lắng (4,5%), trầm cảm (4,3%), kích thích thần kinh trung ương (1,5%), mất khả năng cảm xúc (1,3%), hội chứng Gilles de la Tourette, mất trí nhớ ngắn hạn, rối loạn ngôn ngữ… Cũng theo nghiên cứu, khoảng 0,1% bệnh nhân đã trải qua cơn động kinh trong khi sử dụng sản phẩm chứa Sibutramine.
Chính vì những tác dụng phụ nguy hại đó, từ tháng 10-2010, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có Sibutramine. Hoạt chất Sibutramine từng được kê đơn thuốc giúp giảm cân, nhưng sau đó đã bị cấm tại Singapore từ năm 2010 do làm gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Tại Việt Nam, ngày 8-6-2010, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine. Năm 2011, Cục Quản lý dược cũng đã đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng đã rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine.