Vì sao số ca mắc sởi tăng kỷ lục tại Đồng Nai?

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đánh giá, nguyên nhân dẫn đến số ca mắc sởi tăng cao kỷ lục là do thiếu hụt nguồn cung ứng vaccine và thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch.

 Từ đầu năm 2024 đến ngày 11.12, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 4.300 ca mắc sởi

Từ đầu năm 2024 đến ngày 11.12, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 4.300 ca mắc sởi

Tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Đồng Nai Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo trả lời chất vấn của cử tri về tình hình dịch sởi trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2024.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến ngày 11.12, toàn tỉnh đã ghi nhận khoảng 4.500 ca mắc bệnh sởi, đã có 2 trường hợp tử vong. Số ca mắc này cao gấp hàng nghìn lần so với năm 2023 (chỉ có 3 ca mắc).

Các địa phương có số ca mắc ởi chiếm tỷ lệ cao là TP. Biên Hòa, huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch. Trung bình mỗi ngày toàn tỉnh ghi nhận khoảng 100 ca mắc mới, các ca mắc tập trung chủ yếu ở 2 nhóm tuổi từ 1- 4 tuổi và 5 - 10 tuổi (chiếm 71%) và có tới 93% trẻ chưa được tiêm vaccine Sởi.

 Đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai quan tâm đến tình hình dịch sởi tăng mạnh trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay. Ảnh: Văn Dũng

Đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai quan tâm đến tình hình dịch sởi tăng mạnh trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay. Ảnh: Văn Dũng

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đánh giá, nguyên nhân dẫn đến số ca mắc sởi tăng cao kỷ lục là do thiếu hụt nguồn cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng nói chung và vaccine có chứa thành phần sởi nói riêng giai đoạn hậu Covid-19.

Bên cạnh đó, thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch và cụ thể là việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi như công tác điều tra đối tượng là trẻ em ở cộng đồng (địa bàn rộng, dân số biến động cơ học cao nhưng số lượng cộng tác viên y tế lại ít, việc điều tra đối tượng mất nhiều thời gian và dễ sót đối tượng); công tác quản lý đối tượng, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng không có sức thuyết phục, răn đe.

 Các ca mắc sởi tại Đồng Nai tập trung chủ yếu ở 2 nhóm tuổi từ 1- 4 tuổi và 5 - 10 tuổi (chiếm 71%)

Các ca mắc sởi tại Đồng Nai tập trung chủ yếu ở 2 nhóm tuổi từ 1- 4 tuổi và 5 - 10 tuổi (chiếm 71%)

Ngoài ra, phụ huynh không nhớ lịch tiêm chủng của trẻ, mất phiếu tiêm, thiếu thông tin tiêm chủng của trẻ trên Hệ thống Quản lý tiêm chủng Quốc gia (do mới triển khai từ 2017) cũng như không có căn cứ để xây dựng kế hoạch với mục chi hỗ trợ cho nhân viên y tế, cộng tác viên y tế làm công tác phòng, chống dịch.

Nhằm hạn chế số ca mắc tiếp tục tăng, Sở Y tế đưa ra một số giải pháp để phòng, chống dịch sởi như sau:

Tiếp tục rà soát đối tượng tiêm chủng, sử dụng hiệu quả vắc xin có thành phần sởi (sởi đơn, MR, MMR) trong phòng, chống dịch sởi. Tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho đối tượng chưa được tiêm chủng.

 Đồng Nai có tới 93% trẻ chưa được tiêm vaccine Sởi

Đồng Nai có tới 93% trẻ chưa được tiêm vaccine Sởi

Tuyên truyền, vận động cha mẹ, phụ huynh, người giám hộ đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch phòng, chống dịch sởi; tăng cường công tác điều tra, giám sát phát hiện, kịp thời xử lý ca bệnh tản phát, xử lý ổ dịch tại cộng đồng theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện vệ sinh môi trường, hoạt động khử trùng tại trường học (đặc biệt mầm non, nhà trẻ) và các hộ gia đình trong ổ dịch, vùng dịch; kiện toàn hệ thống cơ sở y tế thu dung điều trị bệnh, trang bị cơ số thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị đáp ứng với trường hợp xảy ra nhiều ca mắc sởi nhập viện điều trị.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông các biện pháp phòng bệnh, tiêm chủng vaccine có thành phần sởi.

Văn Dũng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/vi-sao-so-ca-mac-soi-tang-ky-luc-tai-dong-nai-post399007.html